Việc thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng nghe thật khó khăn và mệt mỏi, cho dù nó thực sự cần thiết. Ít ai trong số chúng ta làm được điều này, đa phần mọi người chỉ cố gắng ăn một lượng đồ ăn phong phú và đầy đủ nhất có thể để hy vọng mình đã bổ sung tất cả những chất cần thiết cho cơ thể.

Có nhiều cách để biết được cơ thể bạn có đang được nuôi dưỡng bởi các chất dinh dưỡng cần thiết hay không, và lưu ý những dấu hiệu bất thường là một trong những cách đơn giản nhất. Ngay cả khi bạn cảm thấy bạn đã làm tốt công việc chăm sóc bản thân, vẫn có những dấu hiệu thường xuất hiện báo hiệu sự thiếu hụt dinh dưỡng.

Mệt mỏi

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi bất thường, đó có thể là dấu hiệu của sự thiếu sắt, dẫn đến sụt giảm hồng cầu gây thiếu máu. Đây là tình trạng phổ biến, thường gặp ở những người lớn tuổi có thói quen ăn uống thiếu cân bằng hoặc phụ nữ có thai.

Các loại thực phẩm như thịt, trứng, hải sản, các loại rau lá xanh và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp sắt tuyệt vời cho cơ thể. Bổ sung chúng vào chế độ ăn uống của bạn giúp mang lại nhiều năng lượng hơn và giúp bạn tránh được bệnh thiếu máu.

Những tình huống thường gặp này có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt dinh dưỡng - Ảnh 1.

Tóc gãy rụng

Vì tóc được tạo thành từ protein nên tình trạng tóc khô yếu và gãy rụng là biểu hiện dễ gặp nhất khi bạn bị thiếu hụt protein. Chúng ta đều biết rằng cá là nguồn cung cấp protein lành mạnh nhất, nhưng nếu bạn ăn chay và cá không phải là một sự lựa chọn khả thi, hãy thử bổ sung thêm hạt lanh, hạt bí đỏ, óc chó hay hạt chia để bổ sung protein cho mái tóc bóng mượt và cơ thể khỏe mạnh hơn.

Những tình huống thường gặp này có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt dinh dưỡng - Ảnh 2.

Môi miệng nứt nẻ

Môi miệng nứt nẻ có thể chỉ đơn giản là bởi thiếu độ ẩm do thời tiết lạnh giá và hanh khô. Nhưng nếu bạn gặp phải tình trạng này thường xuyên, hãy xem xét lại chế độ ăn uống bởi sự thiếu hụt protein, vitamin B, sắt và kẽm cũng có thể gây ra các vết nứt hay tróc da nơi khóe miệng.

Thịt, cá, gia cầm hay đậu, bánh mì hoặc rau mầm có thể là những lựa chọn tuyệt vời để cân bằng chế độ ăn của bạn lúc này.

Những tình huống thường gặp này có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt dinh dưỡng - Ảnh 3.

Mụn trứng cá

Đa phần chúng ta thoát khỏi sự hành hạ của mụn trứng cá sau giai đoạn dậy thì. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng sẽ không bao giờ quay trở lại. Các vết mụn xuất hiện trên đùi, cánh tay hay má có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin A và vitamin D.

Bạn hãy thử bổ sung vitamin A bằng các loại thực phẩm như rau lá xanh, khoai lang, ớt chuông, thịt đỏ hay xoài hoặc đào. Cùng với đó, việc tận dụng ánh nắng buổi sáng sớm hay trứng và các sản phẩm từ sữa sẽ giúp lấp đầy khoảng trống của vitamin D trong cơ thể bạn.

Những tình huống thường gặp này có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt dinh dưỡng - Ảnh 4.

Chuột rút

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng chuột rút, và một chế độ ăn thiếu cân bằng với sự vắng mặt của kali, canxi và magiê cũng có thể là một trong những thủ phạm.

Khi bạn thường xuyên bị chuột rút, hãy thử ăn bổ sung táo, rau bina, hay súp lơ… Chúng đều là những đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống lại những cơn co thắt cơ bắp đột ngột.

Xuống tinh thần

Sự thay đổi tiêu cực của tâm trạng là một dấu hiệu có vẻ mơ hồ, nhưng thật sự cần được xem xét nghiêm túc. Việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thể là gốc rễ kết hợp cùng nhiều yếu tố môi trường khiến tâm trạng của bạn xấu đi.

Việc bạn cần làm những lúc mọi thứ trở nên khó khăn là vứt bỏ ngay chế độ ăn uống thiếu lành mạnh với hàng tá đồ ngọt hay đồ chiên rán. Thay vào đó, hãy nạp năng lượng cho cơ thể với các thực phẩm tươi mới đầy dinh dưỡng như thịt, cá và thật nhiều rau xanh.

Những tình huống thường gặp này có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt dinh dưỡng - Ảnh 5.

Nguồn: Lifehack