Mặc dù là một biến chứng sản khoa hiếm gặp nhưng rau cài răng lược lại khiến một số sản phụ đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Điều đáng lưu tâm là những sản phụ mổ lấy thai càng nhiều thì nguy cơ bị rau cài răng lược càng cao. Theo nghiên cứu tại Khoa Sản A – Bệnh viện Từ Dũ đã được báo cáo tại Hội nghị Việt – Pháp (TP. HCM) và Hội nghị Siêu âm sản phụ khoa thế giới (ISOUG – Singapore) năm 2018, những phụ nữ đã mổ lấy thai lần 1 thì nguy cơ bị rau cài răng lược ở lần mang thai tiếp theo tăng 4,5 lần so với người sanh thường; còn mổ lấy thai hai lần trở lên thì nguy cơ bị rau cài răng lược tăng gấp 11,3 lần. Lý do phụ nữ đã từng sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai có nguy cơ mắc nhau cài răng lược cao hơn những phụ nữ sinh thường do có vết sẹo mổ ở thành tử cung.
Cùng điểm qua một số trường hợp bị rau cài răng lược vô cùng nguy hiểm trong thời gian gần đây.
Sản phụ mang thai 34 tuần bị rau cài răng lược dẫn đến vỡ tử cung
Mới đây, chị Lương Thị Đ., 40 tuổi (đến từ Lâm Bình, Tuyên Quang) mang thai 34 tuần và nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, không thể nằm ngửa, da xanh, có phản ứng thành bụng, có tiền sử mổ đẻ cũ. Sau khi thăm khám và tiến hành siêu âm cấp ở giường bệnh, các bác sĩ tại khoa Phụ sản đã cùng các bác sĩ trực lãnh đạo, trực trưởng phiên, trực khối ngoại và khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức (Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) hội chẩn cấp cứu và chẩn đoán sản phụ bị vỡ tử cung, rau tiền đạo trung tâm - theo dõi rau cài răng lược và được chỉ định mổ cấp cứu ngay.
Sản phụ Lương Thị Đ nhập viện trong tình trạng nguy cấp do bị nhau cài răng lược và may mắn đã được các bác sĩ cứu sống.
Chính bác sĩ Chuyên khoa I Vương Ngọc Chắt – Khoa Ngoại Tổng hợp (Trưởng kíp mổ) cũng cho biết đây là ca mổ khó vì mặt trước đoạn dưới tử cung có nhiều mạch máu tăng sinh, góc phải đoạn dưới tử cung gai rau đâm xuyên thủng cơ tử cung gây chảy máu, phúc mạc thành bụng tăng sinh nhiều mạch máu. Các bác sĩ đã phải cắt tử cung bán phần khâu cầm máu, cắt một phần bàng quang có rau thai bám vào và khâu phục hồi bàng quang cho sản phụ.
Kíp mổ đã nhanh chóng phối hợp thực hiện ca phẫu thuật và may mắn cứu được 1 bé trai nặng 2100 gram. Hiện tại sau ca mổ sức khỏe của sản phụ đã ổn định, vết mổ khô và tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Sinh con lần 3, sản phụ 43 tuổi suýt chết vì bị rau cài răng lược
Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cứu sống sản phụ S, 43 tuổi.
Chị H.T.M.S, 43 tuổi (đến từ tỉnh Đồng Tháp) nhập viện với chẩn đoán sinh con lần 3, thai 35 tuần 5 ngày, ngôi đầu, rau tiền đạo trung tâm. Sau khi tiến hành thăm khám các bác sĩ phát hiện chị S bị rau cài răng lược. Vì sản phụ đã lớn tuổi, có tiền căn nạo hút thai, thai non tháng, vị trí rau tiền đạo trung tâm, bánh rau xuyên cơ tử cung và rất sát bàng quang nên cả mẹ lẫn con chị S nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Sau khi hội chẩn ekip bác sĩ quyết định mổ lấy thai cho chị S, do vị trí rau bám ở đoạn dưới cổ tử cung xâm lấn đến vùng bàng quang nơi có nhiều mạch máu tăng sinh phức tạp, ekip đành phải cắt tử cung của bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra vào lúc 9h sáng ngày 31/5 và kéo dài gần 3h, bé gái chào đời nặng 2800 gram và được chăm sóc, theo dõi tiếp tại khoa Sơ sinh và sản phụ S cũng đã qua được cơn nguy kịch.
Sản phụ ngoài 40 tuổi mang thai lần 2 phải cắt bỏ tử cung do bị rau cài răng lược
Sản phụ L.T.N.B sinh con lần 2 khi đã 42 tuổi và cách 16 năm so với lần đầu.
Năm 2018, sản phụ L.T.N.B, (đến từ tỉnh Hậu Giang) nhập viện với chẩn đoán con lần 2, thai 35 tuần tuổi, ngôi đầu, rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược, trước đó chị B đã từng có tiền sử đẻ mổ năm 2001.
Sau khi làm xét nghiệm các bác sĩ xác định chị B nằm trong nhóm nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ đã lớn tuổi lại có tiền sử vết mổ cũ, thai non tháng. Cuộc phẫu thuật lấy thai được tiến hành ngay với sự phối hợp sẵn sàng của nhiều chuyên khoa như Sản khoa, Phụ khoa, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu, Sơ sinh… Sau gần 3h phẫu thuật lấy thai, bé trai nặng 2500 gram chào đời thành công, sức khỏe cả mẹ lẫn con đều ổn định.
Thêm 1 trường hợp sản phụ lớn tuổi có tiền sử đẻ mổ bị rau cài răng lược
Sản phụ L.T.T.H có tiền sử đẻ mổ lần 2, khi mang thai 7 tháng bị rau tiền đạo ra máu.
Cũng trong năm 2018, sản phụ L.T.T.H (đến từ Nghệ An) có tiền sử đẻ mổ lần 2, khi mang thai 7 tháng bị rau tiền đạo ra máu đã nhập viện tại khoa Sản - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Các bác sĩ xác định sản phụ L.T.T.H nằm trong nhóm nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ đã lớn tuổi, vị trí rau tiền đạo trung tâm trên tiền sử mổ đẻ cũ 2 lần.
Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định xử lí phẫu thuật lấy thai với sự phối hợp sẵn sàng của các bác sĩ chuyên khoa gồm: Sản khoa, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Huyết học truyền máu, Sơ sinh…
Ca phẫu thuật lấy thai đã được tiến hành ngay khi sản phụ chảy máu âm đạo nhiều, tình trạng hết sức nguy kịch. Sau gần 3h nỗ lực của các y bác sĩ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, bé gái chào đời nặng 1800 gram, còn người mẹ tiếp tục được theo dõi tại khoa Sản - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Sản phụ bị rau cài răng lược xuyên lên bàng quang
Ngày 11/11/2018, bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai đã phẫu thuật thành công, cứu sống mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Diễm Linh, 40 tuổi (đến từ ấp An Bình, xã Trung Hoà, huyện Trảng Bom). Trước đó vào tối ngày 8/11 bệnh viện tiếp nhận sản phụ Linh đang mang thai tuần 31 trong tình trạng ngất xỉu, xuất huyết liên tục, phổi thở dốc, mạch và huyết áp bằng 0.
Ngay lập tức sản phụ Linh đã được vào phòng mổ, khi đang tiến hành phẫu thuật bác sĩ phát hiện sản phụ bị tăng sinh mạch máu ở mặt trước tử cung nên chảy máu rất nhiều. Các bác sĩ nhận định chị Linh bị rau tiền đạo cài răng lược xiên bàng quang, rau ăn xiên tử cung, không còn cơ tử cung và phá ra bàng quang. Vì vậy bác sĩ đã phải cắt tử cung, tiến hành cầm máu cùng lúc đưa bé ra ngoài. Ca phẫu thuật kéo dài 4h thành công tốt đẹp trong niềm vui vỡ òa của ekip mổ.