Theo Ths.BS Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu trung ương, cồn có tính kích thích làm mạch máu giãn nở, tuần hoàn máu tăng khiến da mẩn đỏ, thân nhiệt tăng. Vì vậy, vừa uống rượu, cơ thể chúng ta ấm lên và cảm thấy nóng. Thời điểm này, nhiều người sẽ chủ quan bỏ bớt áo mà không biết điều này rất nguy hiểm, bởi hiện tượng co mạch khiến chúng ta dễ nhiễm lạnh, mắc bệnh hay trúng gió, thậm chí với người có tiền sử tăng huyết áp dễ đột quỵ.
Bác sĩ Thuỷ khuyên, nếu đã uống rượu thì tốt nhất bạn không đi ra ngoài lạnh hoặc ngồi dưới quạt quá mạnh. Hành động này làm cơ thể bạn dễ bị cảm lạnh, trúng gió; trường hợp bắt buộc phải di chuyển nên gọi xe.
Bạn tuyệt đối không nên tắm ngay khi kết thúc bữa rượu, kể cả tắm bằng nước nóng, bởi nó có thể khiến bạn hạ đường huyết và ngất đi. Việc này cũng khiến cơ thể hạ thân nhiệt, dễ trúng gió.
Sau khi uống rượu bia, bạn không nên vận động thể chất quá nhanh và mạnh như chơi thể thao, chạy bộ, làm việc nặng nhọc... Trong trường hợp này, tập thể dục gây mất nước, mệt mỏi và yếu sức, ảnh hưởng sức khỏe sau này.
Uống bao nhiêu rượu là an toàn?
Theo BS Nguyễn Văn Thủy, nếu bắt buộc phải uống rượu bạn nên uống dưới hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.
Trong đó, một đơn vị cồn tương đương 10gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Trước khi uống, bạn nên ăn uống đầy đủ, có thể ăn thêm tinh bột, các thức ăn giàu lipid… Điều này có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu rượu vào cơ thể. Sau khi tỉnh rượu, bạn nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, thực phẩm có đường, đầy đủ dinh dưỡng đề hồi phục sức khỏe.