Lũ trẻ trong xóm thích bố tôi lắm. Mọi người trong ngõ đều quý mến ông vì điều đó, luôn nghĩ ông là một người tốt bụng. Nếu không phải vậy thì tại sao lúc nào trong túi ông cũng có kẹo chứ?
Chỉ có 3 mẹ con tôi biết lý do bố đi đâu cũng mang theo kẹo. Hoặc bánh. Hoặc món ăn vặt nào đó nhét vừa túi quần. Nhiều lần mẹ tôi phải phát cáu lên vì vội việc nhưng bố nhất quyết phải vào tiệm tạp hóa để mua kẹo mang đi. Nếu những chiếc kẹo ấy để lâu hơn vài ngày, bố sẽ cho chúng vào một cái lọ. Rồi ông đặt ở cái giỏ xe Dream, mang chia cho những đứa trẻ lang thang trên phố.
Viên kẹo ký ức
Thói quen ấy của bố bắt đầu từ một ngày mùa hè cách đây 6 năm. Thằng Quân em trai tôi mới 7 tuổi, còn tôi đang học cuối cấp 2. Nhà tôi lúc đó ở gần hồ Tây, nó hay rủ tôi chạy ra xem người ta câu cá. Quân nghịch ngợm như bao đứa trẻ trai khác đang độ "trổ giò", nó rất giỏi chơi thể thao. Nó có thể một mình đánh cầu lông 10 hiệp với các anh trong xóm cũ, bơi như rái cá và đá bóng siêu đến nỗi thầy thể dục ở trường nói bố mẹ tôi cho Quân đi học năng khiếu.
Nhưng ở đời được cái nọ thì nhọ cái kia. Em tôi giỏi tay chân mà động não thì lại kém. Đi học 2 năm, họp phụ huynh được 6 lần thì ăn 6 trận đòn náo loạn cả xóm. Bố còn dọa nếu học dốt thì sau này cho đi xúc phân gà. Nhưng mà thằng Quân giỏi lắm chỉ cắm đầu học được nửa buổi thì quên luôn nỗi sợ hãi về tương lai. Bạn nó đứng ở bờ tường ôm trái bóng, gọi chưa dứt câu đã thấy nó mất hút.
Tôi ưa ở nhà nên chuyên là đứa nói dối giúp Quân khi nó lỉnh đi chơi. Vài lần cũng bị ăn đòn chung với nó, nhưng tôi đánh giá cao bản lĩnh của thằng em khi luôn đỡ roi hộ chị. Bé tí mà toàn hứa lớn lên sẽ mua nhà mua xe, "mua" cả anh rể cho chị.
Bố hay rủ thằng Quân xách vợt ra ngõ đánh cầu lông chiều cuối tuần. Mỗi lần chơi xong ông sẽ mua kem hoặc kẹo cho nó, nên Quân hay hóng cuối tuần lắm.
Hôm ấy là một chiều hè tháng Năm. Tôi quét sân, còn thằng Quân hớn hở xách vợt ra ngoài. Mẹ bảo gió to chẳng chơi được đâu, nhưng bố tôi cười bảo cứ đánh vài hiệp cho khỏe người. Ông cũng đã hỏi nhà văn hóa thiếu nhi quận cho em tôi đi học lớp đá bóng, biết đâu sau này nó lại là tuyển thủ quốc gia. Nghe bố báo tin xong Quân mừng húm, lại ba hoa sẽ đi đá cúp thế giới.
Đánh được 1 hiệp cầu lông thì gió to quá. Quân đòi mua kẹo ăn cho ấm bụng, nhưng tạp hóa đầu ngõ đóng cửa. Nó giãy đành đạch lên kêu phải có kẹo mới chịu về, loại dẻo dẻo có nhân mứt. Bố tức giận lôi cổ nó về, mắng nó là chiều quá hóa hư. Quân không chịu, nó ngồi bệt ra đất khóc um lên. Bố tiện tay cầm vợt quật vào mông nó mấy cái, Quân đau quá nên chạy thẳng ra đường. Đúng lúc ấy, một cậu thanh niên phóng xe máy ào qua phanh không kịp. Vợt của Quân gãy làm đôi, em tôi nằm im lìm giữa đường, nước mắt vẫn còn chảy trên má.
Đến lượt bố thảng thốt khóc, vội vã gọi xe cấp cứu. Tôi ở trong nhà nghe tiếng hàng xóm gào lên "Thằng Quân tai nạn rồi!". Mẹ tôi đang giặt quần áo, tay còn dính nguyên xà phòng chạy ào ra. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy nhiều máu như thế, mẹ ngất lịm khi vừa trông thấy Quân. Mùa hè năm ấy biến thành ác mộng.
Túi ngọt ngào của bố
Thế là em tôi đã bị liệt 2 chân khi vừa tròn 7 tuổi. Nó không còn đánh cầu lông được nữa, cũng không thể đá bóng cùng bạn bè. Nó ngồi xe lăn tới lớp, bị bạn bè chế nhạo là "Quân què". Nó muốn đi vệ sinh cũng phải cần người bế hoặc cố gắng hết sức bằng xe lăn. Ngày nào nó cũng khóc, hỏi cả nhà bao giờ nó có thể chạy nhảy lại được. Mẹ tôi toàn bưng bát cơm vừa ăn vừa khóc theo, còn bố thì bỏ ra hiên nhà hút thuốc.
Bà ngoại sang thăm, thủ thỉ với Quân rằng sau này cả nhà sẽ làm đôi chân của nó. Nó bé quá nên chả hiểu gì, không biết rằng sẽ bị liệt vĩnh viễn. Bố mẹ tôi chẳng dám nói ra sự thật đau lòng vì sợ thằng bé sốc. Tôi cũng thương em trai lắm, nên chỉ biết an ủi nó bằng những thứ nó thích. Đồ chơi trước đây nó hay giành tôi đều cho nó hết. Tôi đập lợn lấy tiền mua kẹo, siêu nhân, bàn cá ngựa cho nó, giúp nó thay quần áo, cõng ra hồ Tây hóng mát.
Đến lớp 6 thì Quân đã hiểu rằng chân nó không thể cử động được nữa. Cả nhà sợ nó sẽ đau buồn, nhưng thật lạ là thằng bé trở nên hoạt bát hơn xưa. Nó luôn chọc cười mọi người trong bữa cơm, xin bố mẹ cho đi viện bảo tàng, mỗi tuần đi một cái quanh Hà Nội. Bỗng dưng nó chăm đọc sách hơn, toàn xem mấy video khoa học trên mạng. Rồi gia đình tôi đột ngột chuyển sang Long Biên, ở căn nhà nhỏ hơn nhưng có vườn rất rộng. Bố tự làm hẳn một cái ghế dựa bằng gỗ cho Quân nằm đọc sách, tiện tắm nắng hóng mát mỗi ngày.
Em trai tôi thay đổi, và bố cũng thế. Từ sau đợt Quân nằm viện trở về, tôi thấy bố lúc nào cũng có kẹo trong túi. Chỉ cần Quân nói muốn ăn, bố luôn sẵn sàng lấy ra bóc cho nó. Mấy năm liên tục như thế, có lần Quân thắc mắc sao bố cứ để đồ ăn vặt trong túi làm gì. Câu trả lời khiến chị em tôi chết lặng.
- Bố ghét ăn kẹo lắm. Bây giờ thì lại càng ghét hơn. Nhưng vì con thích nên bố sẽ luôn giữ kẹo trong túi. Tại bố không mua kẹo cho con nên con mới bị tai nạn, xin lỗi con...
Ai cũng ám ảnh với ký ức đau buồn ấy. Nhưng Quân lại tỏ ra mạnh mẽ nhất nhà, nó an ủi bố bằng giọng vô cùng dứt khoát. Tôi tưởng nó là thằng 23 tuổi chứ không phải 13.
- Tại con chạy ra đường, chứ đâu phải do bố. Giữ kẹo cũng tốt bố ạ, con đọc sách thấy bảo lúc đói mệt ăn kẹo sẽ đỡ. Bọn trẻ con trong xóm nói với con là chúng nó thích bố lắm, vì bố có túi thần kỳ lúc nào cũng đầy kẹo. Vui mà bố.
Mẹ tôi trong bếp nghe thằng Quân nói xong liền bật khóc nức nở. Suốt mấy năm nay bà vẫn trách bố tôi, đổ lỗi do ông nên tương lai thằng Quân đi vào ngõ cụt. Nhưng giờ thì nó lại học khá, đặc biệt giỏi mấy thứ công nghệ dù mới lên lớp 7. Thế là nó tự tin nhắc lại lời hứa khi xưa với tôi: "Em sẽ mở công ty riêng rồi em mua nhà mua xe, kiếm anh rể cho chị nhé!".