Ớt bột đỏ nhiễm chì
Gia vị tiêu biểu trong chế biến thực phẩm ở Hungary là ớt bột. Chúng xuất hiện trong gần như toàn bộ món ăn ở đây. Tuy nhiên, vào năm 1994, một vụ bê bối thực phẩm đã bị phát giác khi người ta phát hiện ra loại ớt dùng để nghiền bột có màu đỏ có được từ sơn chứa chì.
Sơn chứa chì sẽ làm ớt nặng hơn, có màu sắc đẹp hơn, nên nghiễm nhiên bán được giá hơn. Sự việc bị phát hiện khi có hàng chục người ngã bệnh, thậm chí tử vong do nhiễm độc sơn chì. Quá trình lấy mẫu thử cho biết 5,8% số ớt bột trong nước có nhiễm sơn có chì. Sau khi vụ bê bối này xảy ra, chính phủ Hungary đã cấm ớt bột hoàn toàn.
Sơn chứa chì sẽ làm ớt nặng hơn, có màu sắc đẹp hơn nhưng gây nhiễm độc cho người dùng, thậm chí có thể tử vong.
Mỳ gói nhiễm độc gây chấn động Đài Loan
Vào năm 2013, người dân Trung Quốc đã từng bị rúng động bởi một vụ bê bối thực phẩm tại Đài Loan. Hai nhãn hiệu mì ăn liền nổi tiếng Master Kang (Kangshifu) và Uni-President (Tong-Yi) bị nghi là nhiễm độc các kim loại nặng, trong đó có chì.
Một tạp chí Đài Loan khẳng định, họ đã tìm thấy các kim loại nặng, bao gồm đồng, chì, thạch tín, thủy ngân vượt quá mức độ cho phép có trong gói gia vị và gói dầu ăn bên trong hai sản phầm mì ăn liền Master Kang (Kangshifu) và Uni-President (Tong-Yi) vốn được yêu thích tại Đài Loan.
Còn hai công ty sản xuất mì Master Kang và Uni-President đã lên tiếng khẳng định, dư lượng kim loại nặng trong sản phẩm của họ vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, vì thế, người tiêu dùng không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, ngay sau đó, hai công ty cũng thừa nhận, trên thực tế, chính phủ chưa đưa ra một giới hạn an toàn nào đối với hàm lượng các kim loại nặng có trong thực phẩm!
Điều này khiến người dân càng quyết tâm tẩy chay hai nhãn hàng mì gói trên. Một cuộc điều tra trên mạng Trung Quốc cho thấy, 75% người dùng kiên quyết không dùng lại mì gói Master Kang và Uni-President.
Mì Master Kong bày bán tại một siêu thị ở Đài Loan.
Ngũ cốc dành cho trẻ em bị nhiễm chì
Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã niêm phong 614 hộp ngũ cốc của hãng H.J. Heiz của Mỹ vì bị nhiễm quá nhiều chì vào tháng 8/2014.
Qua kiểm tra, hàm lượng chì lớn được tìm thấy trong các hộp “Ngũ cốc AD canxi Hi-protein” khối lượng 400 gram trong lô hàng số 20140413, Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm tỉnh Chiết Giang cho biết. Các cơ quan giám sát thực phẩm tỉnh đã yêu cầu hãng Heiz của Mỹ hợp tác điều tra, cung cấp nguyên nhân gây nhiễm chì và xử phạt.
Trong một tuyên bố ngày 15/8, hãng Heiz đã xin lỗi người tiêu dùng và cho biết cuộc điều tra của hãng cho thấy các nguyên liệu trong một lô hàng ngũ cốc đậu tương sử dụng trong chế biến sản phẩm có chứa chì. Theo hãng này, tổng số sản phẩm bị nhiễm chì là 1.472 hộp ở Chiết Giang.
Heinz bày tỏ: “Xin lỗi về bất kỳ sự bất tiện nào đã gây ra và chúng tôi muốn đảm bảo với người tiêu dùng là Heinz cam kết 100% về chất lượng và an toàn thực phẩm”.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc phơi nhiễm chì đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nó cản trở sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Nó cũng có thể gây ra tình trạng mất tập trung, rối loạn hành vi, thậm chí tử vong nếu bị nhiễm ở mức độ cao.
Người tiêu dùng Trung Quốc chọn mua sản phẩm của Heinz trong siêu thị.
Ngày 3/6/2015, chính quyền Ấn Độ đã kiểm tra bao bì sản phẩm mì ăn liền của hãng Nestle India (Nestle chi nhánh Ấn Độ) trên toàn quốc sau khi phát hiện lượng chì ở mức cao trong bao bì.
Ông G. Gurucharan, quan chức của Bộ Thực phẩm và Người tiêu dùng Ấn Độ, nói kết quả kiểm tra gần đây cho thấy lượng chì trong bao bì mì ăn liền Maggi của Nestle India cao hơn mức cho phép, và cảnh báo sẽ có biện pháp pháp lý đối với công ty này, theo AFP.
“Các mẫu thử đang được kiểm nghiệm từ khắp nơi ở Ấn Độ, chúng tôi đang thu thập kết quả từng nơi một. Chẳng hạn, kết quả kiểm nghiệm ở thành phố Delhi cho thấy 10 trong số 13 mẫu bao bì chứa chì trên mức giới hạn cho phép. Một khi chúng tôi nhận được tất cả kết quả, Nestle India sẽ phải giải thích”, ông Gurucharan cảnh báo.
Các cửa hàng quốc doanh ở một số bang của Ấn Độ đã được lệnh loại bỏ mì gói Maggi của Nestle India khỏi kệ trưng bày.
Ngày 5/6, Cục tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đã ra lệnh thu hồi mỳ Maggi. Công ty huy động khoảng 10.000 xe tải để chở 27.000 tấn mỳ đến điểm tiêu hủy trong ít nhất 40 ngày. Có xấp xỉ 3,5 triệu nhà bán lẻ bị ảnh hưởng. Đã có ít nhất 6 bang ở Ấn Độ cấm mì Maggi sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy vài gói mì chứa hàm lượng chì cao.
Tại Ấn Độ, giới hạn tối đa cho phép đối với chì trong một sản phẩm là 2,5 phần triệu. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của FSSAI, phần lớn gói mì đều vượt trên ngưỡng này.
Các thanh tra viên ở bang Uttar Pradesh đã làm đơn khởi kiện hình sự Nestle India, chi nhánh của Tập đoàn Nestle có trụ sở ở Thụy Sĩ, trong khi có một lá đơn kiến nghị khác phản đối các ngôi sao Bollywood quảng cáo mì ăn liền Maggi.