Đây là vụ việc đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong những ngày qua khi báo chí đăng tải việc UBND TP.HCM ra thông báo truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà về kết luận sai phạm việc chi sai qui định tiền lương, tiền thưởng của các công ty công ích nhà nước trên địa bàn thành phố.
Theo kết luận này, 4 công ty đã có tiền lương cao bất thường của các chức danh giám đốc, phó giám đốc, kế toán… và chế độ tiền lương bất bình đẳng giữa các bộ phận: Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh.
Giám đốc công ty thoát nước nhận lương 2,6 tỷ đồng/năm - (Ảnh minh họa).
Cụ thể, lương của viên chức quản lý tại Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị như sau: lương của giám đốc năm 2012 là 2,6 tỷ đồng, lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên là 1,6 tỷ đồng, lương của kế toán trưởng là 1,67 tỷ đồng, lương của phó giám đốc là 969 triệu đồng.
Lương năm 2012 của Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP. HCM cao bất thường: lương giám đốc 2,2 tỷ đồng, lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên 2,4 tỷ đồng, lương của Phó giám đốc 1,9 tỷ đồng và lương của kế toán trưởng là 1,7 tỷ đồng.
Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn, năm 2012 lương giám đốc là 856 triệu đồng, lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên là 853 triệu đồng, lương của Phó giám đốc là 584 triệu đồng và lương của kế toán trưởng là 716 triệu đồng.
Còn tại Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, năm 2012 lương của Giám đốc là 759 triệu đồng, lương của chủ tịch Hội đồng thành viên là 691 triệu đồng, lương của Phó giám đốc là 609 triệu đồng và lương của kế toán trưởng là 655 triệu đồng.
Trước tình trạng người dân còn gặp
nhiều bất trắc từ việc đường sá ngập lụt, cây xanh gãy đổ, đường sá ngổn
ngang... thì vụ tiền lương của các sếp ở doanh nghiệp công ích cao ngất
ngưởng thế này đã khiến không ít người bức xúc.
Vụ việc đang
trong quá trình thanh tra để có kết quả báo cáo UBND TP trước ngày
15/9. Cho đến ngày 28/8, công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM thông
báo sẽ thu hồi toàn bộ số tiền lương, tiền thưởng đã chi sai quy định
cho 7 viên chức quản lý trong 2 năm với số tiền lên đến 3.204.069.426
đồng. Còn giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM
lý giải, sở dĩ xảy ra tình trạng chi vượt quỹ lương cho cấp quản lý là
do… chưa cập nhật những văn bản chỉ đạo mới và ngay sau khi có kết luận
thanh tra, với trách nhiệm của mình, ông đã nhận lỗi với toàn bộ người
lao động trong công ty.
2. Thủ khoa lương thấp hơn công nhân
Nghe có vẻ vô lý nhưng đây lại là câu chuyện có thực về thủ khoa đầu ra năm nay của ĐH Giao thông vận tải La Văn Ngọ với tổng điểm trung bình toàn khóa đạt 8,77. Ra trường 2 tháng, Ngọ "rải" khoảng 10 bộ hồ sơ xin việc đến khắp các công ty lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội.
Chàng cựu sinh viên La Văn Ngọ đến từ huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An. Gia đình khó khăn, ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất, Ngọ đã phải làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Từ những công việc như gia sư, làm biển hiệu, đèn LED, tổ chức quảng cáo đến phát tờ rơi, chạy bàn với thu nhập từ 80.000-150.000 đồng, Ngọ đều đã làm qua. Ngọ được các thầy giáo đưa đi làm khảo sát giao thông. Dù thù lao khá cao, nhưng đây là công việc khảo sát theo các dự án nên không phải lúc nào cũng có.
Thủ khoa La Văn Ngọ được đặc cách tuyển dụng vào làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ GTVT.
Với tấm bằng đẹp, chàng thủ khoa cũng có nhiều lợi thế hơn khi được các nhà tuyển dụng xem xét, cân nhắc nhưng đa
số các công ty đi xin việc đều đòi hỏi kinh nghiệm, vì vậy cũng như bao
sinh viên mới ra trường, đây là điều mà Ngọ chưa thể đáp ứng được ngay.
Nhận thức được điều đó, chàng thủ khoa đã chấp nhận thử việc tại một
công ty quy mô nhỏ với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng/tháng.
Sau
khi câu chuyện về La Văn Ngọ được đăng tải trên các phương tiện thông
tin đại chúng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã quyết định
đặc cách tuyển dụng chàng trai này vào làm việc tại Viện Khoa học Công
nghệ Giao thông Vận tải. Đây cũng là công việc mơ ước của chàng thủ
khoa.
3. Nhân viên ngân hàng sốc vì lương 2,5 triệu đồng/tháng
Kinh doanh sa sút, nhiều nhà băng đồng loạt cắt giảm mạnh thu nhập, nhân viên mới vào chỉ nhận lương 2,5 triệu đồng/tháng.
Hỏi chuyện 10 nhân viên ngân hàng thì đa số đều than thở về lương. Theo khảo sát, hiện nay nhân viên mới vào làm ngân hàng chỉ được hưởng mức lương cứng từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng (đối với những ngân hàng trong nước). Thậm chí có ngân hàng không trả lương cứng cho nhân viên mới vào trong thời gian thử việc mà chỉ trả lương kinh doanh theo phần trăm công việc. Chưa kể cứ vài tháng lại xem xét cho nghỉ việc một lần.
Nhiều nhân viên ngân hàng "sốc" với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng - (Ảnh minh họa).
Tình trạng phổ biến hiện nay ở các ngân hàng tư nhân Việt Nam là người ra người vào rất nhộn nhịp. Các ngân hàng đăng tin tuyển dụng liên tục, có khi cùng 1 vị trí, cùng 1 nơi làm việc mà tháng trước tuyển, tháng sau lại tuyển tiếp. Rất nhiều người nghỉ việc chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, phần vì chỉ tiêu nặng, phần vì lương lèo tèo.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước đây, so với các ngành kinh tế khác, lương thưởng cũng như các chế độ trong ngành ngân hàng đúng là cao hơn, nhưng hiện tại, mức này ở trung bình. Thậm chí nếu so với các quốc gia xung quanh và trong khu vực về chỉ số tuyệt đối, thu nhập của cán bộ nhân viên ngân hàng Việt Nam ở mức rất thấp.
4. Lương giúp việc gia đình cao hơn lương lao động có bằng đại học
Ngày 28/8, Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) và Tổ chức quốc tế OXFAM đã công bố kết quả nghiên cứu về lao động giúp việc (LĐGV) gia đình. So với một lao động mới ra trường 2,7 triệu đồng/tháng, thì mức lương lao động giúp việc cao hơn hẳn.
Giúp việc gia đình lương cao hơn lương lao động có bằng đại học - (Ảnh minh họa).
Tại
Việt Nam, thu nhập của một LĐGV khá cao. Nếu năm 2008, mức lương trung
bình của LĐGV là 1,1 triệu đồng/tháng, thì năm 2013 mức lương đã tăng
lên 3,2 triệu đồng/tháng (chưa kể các khoản thưởng).
Mặc dù
được hưởng mức lương khá cao, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra
rất nhiều thiệt thòi mà LĐGV đang phải chịu đựng. 61% LĐGV phải làm quá 8
tiếng/ngày; 20,2% thường xuyên bị mắng chửi; 2,4% bị đánh đập, đẩy ngã;
0,8% có nguy cơ bị đe dọa, cưỡng bức tình dục. Chỉ có 22,2% số LĐGV có
BHYT (BHYT theo người nghèo) và có 0,8 % gia chủ mua BHYT cho LĐGV.
Tổng hợp từ Tuổi Trẻ, Vietnamnet, Trí Thức/Zing