Hà Nội mùa này thật ngọt ngào. Từ những con đường đầy hoa loa kèn trắng còn sót lại sau tháng Tư, đến những chiếc ban công dịu dàng giàn hoa giấy, những bước chân thong thả chiều cuối tuần trên vỉa hè loạt soạt lá rụng... tất thảy đều như làm dịu lòng thành phố những ngày đầu hè.
Mỗi người yêu Hà Nội vì một điều gì đó riêng tư, còn tôi thì thích phố đi bộ lắm. Ở đó, tôi có thể nhẩn nha hàng giờ ngắm nhìn, lục lọi những thứ giấu trong lòng phố cổ, các món ăn ngon, trò chơi dân gian bày giữa đường ai muốn sà vào cũng được, hàng tò he cả trăm que tượng bột đủ màu... Ở đó, người lớn trẻ nhỏ đều không ngại ngần hoà mình vào không gian tuổi thơ, cười vui hết cỡ và tận hưởng khoảng thời gian refresh lại bản thân sau một tuần dài bận rộn. Một nơi có thể là chính mình, mà không hề cô đơn.
Ngoài những món ăn quen thuộc khu phố cổ, còn có một món kem rất ngon và lạ mới xuất hiện gần đây.
Đó là những xe kem ống Hội An 5.000 đồng/chiếc, làm trong "nháy mắt" từ khay nhôm như thế này.
Nếu là người yêu khu phố đi bộ như tôi, chắc chắn bạn sẽ để ý đến những chiếc xe kem ống mini thường trưng biển nhỏ nhỏ, dán đầy chữ đủ màu như Hồng Kông thập niên 90. Quanh Bờ Hồ, cứ đi một đoạn là lại có 1 xe chở đầy món kem ống Hội An lạ mắt. Nhưng chỗ đông nhất, nhiều người thích ghé ăn nhất, có lẽ là xe kem của một người đàn ông tóc hoa râm, lúc nào cũng xuất hiện ở ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay.
Những que kem nhỏ xíu xiu mà có sức hút lạ kỳ, trở thành món ăn vặt tuyệt ngon cho mùa hè đang tới.
Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người lắm, có anh họa sĩ tóc xù ở căn gác đầu phố Hàng Khay, cô bán mũ thường ôm con chó đoạn ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Bài, đôi vợ chồng trẻ ở Tràng Thi, các em bé, những bạn sinh viên tuần nào cũng lên bờ Hồ... đều quen thuộc với cái xe màu hồng gắn biển hiệu nhỏ nhắn xinh xinh ghi chữ "Ô hay là ăn ngay - Kem ống Hội An 5K". Bác bán kem xuất hiện ở đó từ ngày phố đi bộ ra đời, và từ ấy đến nay, cuối tuần nào thiếu bác là cảm thấy vắng hẳn một niềm vui.
Chiếc xe kem màu hồng nổi tiếng phố đi bộ.
Bác Khắc - chủ xe kem luôn có mặt ở ngã tư Tràng Thi với những chiếc kem ngon lành hấp dẫn.
Chỉ với sữa, đường, muối, trà xanh, nước dâu, nước chanh... đổ vào những ống nhôm có cắm sẵn que tre, chờ 2 phút cho kem đông lại là rút ra ăn được rồi!
Người đàn ông với chiếc xe màu hồng ấy rất thân thiện cởi mở, dù tên bác nghe có phần hơi... nghiêm.
- Cứ gọi là bác Khắc, không phải ngại. Ăn vị gì đó cháu, bác làm cho, 1 phút có ngay.
- Chanh leo đi bác.
- Ờ đúng rồi, nóng như này ăn chanh cho mát. Đứa nào ăn kem rớt ra tay có giấy kia kìa, ăn xong bỏ que vào cái túi đằng trước xe cho bác, đừng vứt rác lung tung, bẩn đường, kiến bò, mà đêm lao công quét cực lắm các con ạ.
Cứ thế, từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối thứ bảy, chủ nhật, chiếc xe kem màu hồng ấy cứ rộn rã tươi vui, hàng trăm người ghé qua mua kem, đến rồi lại đi, để lại tiếng cười giòn vang góc ngã tư. Mồ hôi ướt đầm cả chiếc sơmi bạc màu, bác Khắc luôn tươi tắn, trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 62 cùa mình.
"Nhà bác ở Bạch Đằng, đạp xe ra đây cũng không xa lắm. Trong tuần thì bác bán kem ở gần nhà cho tụi nhỏ đi học về, cuối tuần thì lên phố đi bộ này. Ngày nào nghỉ bán là khó chịu trong người lắm, cầm kem quen rồi, có hôm nào ốm mệt, các cháu hàng xóm còn sang tận nhà hỏi bác bán cháu kem đi, cháu thèm lắm. Thế thì nghỉ bán sao được.
Những que kem ống Hội An mát lạnh tuyệt ngon giữa phố cổ Hà Nội, trông hay hay lạ lạ, như hình chiếc giáo của hiệp sĩ thời trung cổ (ảnh: Lynk)
Hồi xưa bác làm công nhân xây dựng, lúc về hưu bác cũng buồn lắm. Tranh thủ đi chơi cho khuây, vào Hội An được nếm thử món kem ống, tò mò, thấy thích nên ở lại đó học nghề mấy tháng. Làm được rồi, cảm thấy ngon, ưng mới mang ra đây. Bây giờ con trai bác cũng theo nghề luôn, nó bán ngay gần đây kìa, đông khách lắm" - bác vừa lau đi lau lại thùng kem cho sạch, vừa kể chuyện.
Người đàn ông tay đầy gân guốc, da sạm đen vì sương gió cuộc đời đứng cả ngày bên thùng kem, tay nhúng vào nước đá liên tục đến trắng bợt cả da, vui thì vui, nhưng vất vả. Nhìn bác, tôi bất giác nhớ bố mình đến phát khóc. Được làm công việc mình thích, mang niềm hạnh phúc đến cho nhiều người thì tự bản thân cũng hạnh phúc, thế nên cả năm trời, bác ấy vẫn đẩy xe kem ra phố, sắp xếp lại những ống kem nhỏ xíu leng keng, pha nước trà xanh, chanh leo, dâu, dừa chờ lũ trẻ ríu rít đến mua, rồi đứng tựa vào thùng xe ngắm những vị khách thong thả mút kem, khen ngon, rồi chuyện trò không dứt.
Bác Khắc học nghề làm kem ống ở ngay quê hương Hội An nơi món ăn này sinh ra.
Có cả chục xe kem ống Hội An, nhưng nhiều người cứ phải tìm bằng được chiếc xe màu hồng của bác Khắc, vì thích vị kem bác làm và quen với nụ cười mến khách của bác.
Tối muộn bác vẫn cần mẫn ở lại, bán cho những người lang thang muộn trong đêm.
Phố đi bộ không chỉ có mỗi bác Khắc, còn cả chục chiếc xe kem ống Hội An khác nữa, giá rẻ hều, nhưng giản dị đầy mến thương. Que kem xanh đỏ dài ngoằng, phủ đầy hương vị tuổi thơ, lạ ở chỗ đầu kem ngọt nhưng cuối kem mằn mặn vị muối đọng lại, phải ăn thật nhanh không thì nó tan thành nước chỉ sau vài phút. Ấy vậy mà đủ dịu mát cả ngày cuối tuần.
Có cô bán kem cũng trung tuổi như bác Khắc, người Quảng Nam luôn, hay đội nón lá, mặc bà ba, nhưng cô ít nói. Kem của cô vị hơi nhạt, không đậm đà như kem của bác Khắc, nhưng vẫn ngọt ngào và dễ thương như nụ cười của cô vậy.
Mỗi người bán lại có cách pha chế ra hương vị kem khác nhau.
Nhưng về cơ bản, que kem tam giác tròn tròn, dài dài đủ màu xanh hồng tím đã trở nên quen thuộc với nhiều người Hà Nội, thành một phần nhịp sống cuối tuần.
Vẫn là sữa là đường thôi, nhưng thùng kem màu mè với hàng trăm ô tròn nhỏ đã trở thành thói quen khó bỏ với nhiều người. Nói đúng ra thì nó chẳng có gì cầu kỳ đặc biệt, giá cũng chỉ có 5 nghìn, ăn hết 50 nghìn chắc vẫn thèm thèm muốn ăn tiếp, nhưng nếu một chiều cuối tuần ra phố đi bộ, không thấy xe kem ống đâu nữa chắc nhiều người sẽ thấy trống trải lắm. Bởi những que kem tí hon như nhắc về tuổi thơ thập niên 90 ấy đã trở thành một phần cuộc sống mất rồi, quanh bờ Hồ không có kem ống nữa, sẽ khuyết vắng lắm thay.