Bỗng dưng tóc rụng
 
Chị Lan Anh 37 tuổi (ở Sơn Tây, Hà Nội) vội vã đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu sau khi nhuộm tóc một đêm vì da đầu ngứa ngáy khiến chị gãi đến chảy máu. Bác sĩ kết luận chị bị viêm da đầu do hóa chất từ thuốc nhuộm tóc.
 
Chuyện là, chỉ vì muốn làm mới mình một chút nên chị quyết định thay đổi kiểu tóc cho khác lạ. Cắt tỉa xong, nghe lời nhân viên cắt tóc, chị nhuộm và làm xoăn sang trọng, quý phái hơn.
 
Ngay từ lúc vừa quét thuốc nhuộm lên đầu, chị đã cảm thấy rát rát vùng da đầu, chỉ muốn đưa tay lên gãi. Nhưng vẫn "cố đấm ăn xôi" làm đến cùng, về nhà vẫn ngủ một giấc "ngon lành". Sáng hôm sau thức dậy chị hốt hoảng khi thấy mặt sưng, đầu nổi cục sần tìm đến bác sĩ để kịp thời chữa trị.
 
Từ mấy năm trước, chị Thu Hoài 40 tuổi (ở Long Biên, Hà Nội) đã có sở thích làm tóc với mong muốn làm mới mình trong mắt ông xã. Cùng với quần áo và cách trang điểm, tóc nhuộm khiến chị trẻ ra đến mấy tuổi.
 
Được khen đẹp và sang trọng hơn, Hoài thích lắm và cứ vài tháng chị lại đổi kiểu tóc, màu tóc liên tục. Tuy nhiên, sau vài năm quen với nhuộm tóc, bỗng dưng chị thấy tóc rụng nhiều, da đầu bị tróc lở, tóc rụng. Chị Hoài bắt đầu lo lắng cho thói quen làm đẹp của mình. Theo bác sĩ da liễu, nếu chị không chữa trị kịp thời thì có thể dẫn tới hói đầu.
 
Trường hợp như chị Lan Anh, chị Hoài không phải là cá biệt. Rất nhiều chị em khác cũng phải lãnh hậu quả vì thuốc nhuộm tóc. Không ít trường hợp vừa bôi thuốc lên đầu, chị em đã thấy ngứa điên cuồng, không chịu được và phải gội đầu ngay.

Nhuộm tóc hôm trước, hôm sau "trọc đầu"
Sau vài năm quen với nhuộm tóc, bỗng dưng chị thấy tóc rụng nhiều, da đầu bị tróc lở, tóc rụng. Ảnh Internet
 
Ẩn họa từ thuốc nhuộm tóc
 
Theo kết quả nghiên cứu của Viện ung thư Mỹ thì tỷ lệ ung thư ở những phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này.
 
Không thể phủ nhận hiệu quả làm đẹp từ thuốc nhuộm tóc nhưng do thành phần chứa nhiều hóa chất nên thuốc nhuộm tóc cũng gây nhiều "tội", nếu lạm dụng sẽ dẫn đến những hậu quả xấu cho người sử dụng, ví dụ như làm tóc khô, mất bóng và dễ gãy, rụng tóc, viêm chân tóc, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng...
 
Ngoài hậu quả tác động trực tiếp vào tóc và da đầu, thuốc nhuộm còn có hại cho cơ thể thông qua hệ hô hấp, ngấm vào máu gây các bệnh như hen, loét dạ dày, sưng khớp, nguy hại nhất là thuốc này có thể gây ung thư da, ung thư vú...
 
Theo bác sĩ Lê Quang Lộc (chuyên khoa da liễu) thì không riêng tóc, bất kỳ sự lạm dụng hóa chất nào cũng dẫn đến hậu quả xấu cho cơ thể. Các chất tẩy màu tóc có trong thuốc nhuộm tóc không những gây hại trực tiếp làm xấu tóc mà còn gây nhiều bệnh cho cơ thể. Đặc biệt với các loại thuốc kém chất lượng thì tác hại này càng cao hơn.
 
Khi hóa chất có trong thuốc nhuộm tóc dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc, phản ứng dễ nhận thấy nhất là dị ứng, làm da mẩn đỏ, nặng hơn có thể để làm da bị bong tróc, sưng nề, có khi nổi mụn nước, mụn mủ thành đám, chảy nước, để lại vết chàm trên da…
 
Bác sĩ Lộc đưa ra dẫn chứng là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển, những phụ nữ nhuộm tóc thường xuyên trong 20 năm hoặc lâu hơn sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp mạn tính cao gấp đôi so với người không nhuộm tóc.
 
Vì vậy, không nên lạm dụng việc nhuộm tóc để làm đẹp vì thuốc nhuộm tóc có nhiều tác hại cho tóc và sức khỏe. Cần hết sức cẩn thận khi chọn thuốc nhuộm tóc, cần thử kỹ càng: quệt một ít thuốc nhuộm vào vùng da bên trong cánh tay, để khoảng một tiếng, nếu không có cảm giác sưng tấy, ngứa, đỏ thì hãy nhuộm.
 

 
 Muốn nhuộm tóc cũng phải chọn đúng thời điểm...
Nhuộm tóc hôm trước, hôm sau "trọc đầu"