Nhiều gia đình ở đây đã nhường hẳn ngôi nhà của mình cho lực lượng bộ đội, công an sử dụng. Mưa lũ dài ngày tắc đường, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào còn mang thực phẩm đến nấu ăn phục vụ cho lực lượng cứu hộ. Trong hoạn nạn, tình cảm quân dân thêm thắm đượm.
Mấy ngày nay, ngôi nhà của ông Hồ Xuân Lục nằm bên sười núi, cách nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng chừng 200 mét trở thành nơi "đóng quân" tổ công tác tìm kiếm nạn nhân của Công an huyện Nam Trà My. Ngôi nhà làm bằng khung gỗ, lợp tôn vừa mới xong. Ông Lục cho biết, căn nhà cũ của ông đã xuống cấp và chật chội, được Nhà nước hỗ trợ làm nhà mới. Nhà vừa xong, chuẩn bị dọn về ở thì bà con dưới nóc Ông Đề bị cuốn trôi, mất người mất nhà.
Mấy hôm nay, gia đình ông tạm nán ở lại ngôi nhà cũ, nhường chỗ nhà mới cho cán bộ, chiến sĩ công an sử dụng để giúp dân. Hai ngày nay, cứ đến bữa ăn, ông Lục và con gái lo phụ giúp cán bộ, chiến sĩ nấu ăn.
Ông Hồ Xuân Lục cho biết, mưa lũ dài ngày tắc đường, lương thực thực phẩm cũng còn ít. Thấy lực lượng bộ đội, công an lo cho dân, bà con mình cũng phụ giúp bộ đội, công an để có sức tìm kiếm đồng bào mình còn mất tích:
“Bộ đội, công an lên lo cho bà con mình, thì mình phải giúp cho họ chỗ ăn chỗ ở chứ. Được chừng nào hay chừng ấy, để tìm cho được người mất tích. Họ giúp được dân thì dân giúp lại họ chứ, được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”.
Chị Hồ Thị Lời là con gái ông Lục là giáo viên trường Tiểu học ở xã Trà Leng mấy hôm nay cũng chạy lui chạy tới như con thoi. Hết xuống hiện trường động viên, nấu ăn giúp đỡ gia đình nạn nhân rồi lại về nhà phụ giúp bố làm bữa ăn cho lực lượng cứu hộ. Chị Hồ Thị Lời cho biết:
“Ở trong nóc đó cũng có bà con mình bị nạn. Thấy mấy anh lên giúp bà con, dụng cụ chưa đầy đủ, nhà mới làm nên chưa có bếp. Cái nào tôi thấy giúp được gì thì giúp như nấu cơm, nấu nước”.
Đồng bào Nam Trà My luôn trọng chữ tình. Mỗi lần bão lũ, tắc đường, đồng bào luôn nhận sự quan tâm của người miền xuôi, gửi hàng hóa lên giúp đỡ. Đợt người dân Đà Nẵng và các huyện đồng bằng ở Quảng Nam bị dịch COVID-19, đồng bào ở đây lại băng đường rừng lội suối để hái từng búp măng, mớ rau gom lại chở về ủng hộ miền xuôi vượt qua dịch bệnh.
Trung tá Bùi Việt Nam, Phó Trưởng Công an huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, thấu hiểu sự mất mát của đồng bào, anh em càng quyết tâm trong tìm kiếm người mất tích:
“Khi đến hiện trường, chúng tôi tham gia cùng với bà con nhân dân địa phương tìm kiếm. Khu vực ở đây dân cư xa cách với hiện trường, đêm tối ở lại thì tá túc trong nhà dân. Làng bên kia mất mát đau thương, thì làng bên này họ có cái gì, có thực phẩm gì, họ đều giúp cho cán bộ ở đây”.
Cách nhà ông Hồ Xuân Lục vài chục mét, nhà ông Hồ Văn Chín mấy ngày nay cũng trở thành nơi đóng quân của tổ công tác Lữ đoàn công binh 270 Quân khu 5. Mấy ngày ở tại đây nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đoàn vẫn chưa biết mặt và tên của chủ nhà.
Thượng tá Lữ Hoài Ất, Phó Lữ Trưỡng Lữ đoàn Công binh 270 cho biết, khi lữ đoàn hành quân vào, thấy bộ đội khó khăn chỗ ăn nghỉ, ông chủ nhà đến mời vào ở. Anh em chưa kịp hỏi tên thì 2 vợ chồng chủ nhà đã qua ở luôn nhà hàng xóm không thấy về. Người dân ở xung quanh cũng nấu xôi mang tới cho bộ đội ăn.
Thượng tá Lữ Hoài Ất cho biết, trong hoạn nạn đồng bào địa phương vẫn lo cho người khác, đơn vị xác định ở lại đây cho đến khi nào tìm kiếm được những người cuối cùng:
“Người dân ở đây đa số đồng bào dân tộc thiểu số rất quý bộ đội, coi bộ đội như con. Đơn vị ở trên kia chung với Tỉnh đội Quảng Nam nhưng thấy chật quá dân mời về nhà ở. Đơn vị xác định tìm kiếm, quyết tâm tìm sớm nhất, nhanh nhất, kể cả làm ban đêm”.