Không nhàm chán

Nhiều du khách đã nhận xét, đến với Ninh Bình có những danh thắng Tràng An – Tam Cốc, Hang Múa, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm… có lẽ người dân dành 1 tuần vẫn chưa hết thời gian ngắm cảnh.

Điểm đáng chú ý, ngoài những địa điểm tham quan, du khách sẽ không phải mất quá nhiều sự lựa chọn những khu resort hay homestay.

"Sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, Ninh Bình thu hút du khách đến đây để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hầu hết các mùa trong năm mà không nhàm chán", nhận xét của một đơn vị lữ hành.

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 1.

Một trong những địa điểm lý tưởng

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 2.

Thung Nham là một trong những điểm du lịch lý tưởng tại Ninh Bình

Theo ghi nhận, những năm gần đây, du lịch Ninh Bình đang rất khởi sắc, tận dụng cơ hội thiên nhiên ban tặng này nhiều gia đình nằm sát vách núi đá dùng chính ngôi nhà của mình cải tạo thành homestay, những căn nhà lá đơn sơ hiện ra như một bức tranh về miền quê Việt Nam.

Những căn nhà độc đáo này được xây dựng kiên cố, riêng biệt, mang đến không gian riêng cho du khách. Đặc biệt, trong thời gian lưu trú tại đây, du khách sẽ được chiêu đãi những món ăn độc đáo của Ninh Bình và được sử dụng xe đạp miễn phí để dạo chơi, ngắm cảnh.

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 3.

Một homestay sát chân núi tự nhiên

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 4.

Khu du lịch Hang Múa

Trao đổi với chúng tôi, anh Quốc Khánh – quản lý Bamboo Homestay cho hay, tọa lạc ở địa điểm sâu bên trong, đường vào khá quanh co nhưng đây là khu nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách. Để thu hút và có lượng khách ổn định, tất cả các đơn vị khai thác vận hành ở Ninh Bình đều rất uy tín, không có hiện tượng tự tăng giá hoặc chèo kéo khách hàng dù bất kể có lúc "cháy phòng cho thuê".

Còn tại khu du lịch Hang Múa, các chủ nhà cũng thiết kế những homestay "dựa núi" hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vô cùng sang trọng.

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 5.

Bên trong ngôi nhà hoàn toàn bằng tre

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 6.

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 7.

Nhà tre lớn nhất Đông Nam Á

Người Cố đô hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và hiếu khách

Trước đó, sáng 6/9, tại tỉnh Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến dự lễ kỷ niệm.

Cùng dự buổi lễ còn có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Đại biểu Quốc tế có bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp Quốc); Cố vấn cao cấp chính trị, cố vấn cao cấp văn hóa và các thành viên trong Đoàn của Tổng Giám đốc UNESCO; Đại sứ, phu nhân Đại sứ, đại diện ngoại giao các nước: Armenia, Achentina, Bulgary, Italia, Indonesia, Nam Phi, các tổ chức quốc tế, trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam; Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, được chọn là nơi đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, giúp Ninh Bình tự hào, phấn khởi và thêm cơ hội giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, về con người Cố đô hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và hiếu khách.

Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung khẳng định tinh thần của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 đã và đang được thực thi hiệu quả, trở thành kim chỉ nam cho công tác bảo tồn di sản.

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 8.

Người Cố đô hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và hiếu khách

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới của UNESCO là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

"Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới mà còn bảo vệ những di sản văn hóa quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam là thành viên của tổ chức UNESCO từ năm 1976, tham gia Công ước Di sản Thế giới từ năm 1978.

Trong suốt 35 năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực tại các diễn đàn của UNESCO về Di sản thế giới (với 4 lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO tại các nhiệm kỳ) và là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, đặc biệt là 2 bên đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2016-2020 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm UNESCO năm 2015.

Ninh Bình: Tại sao du khách vẫn muốn trở lại những điểm tham quan dù đã đến - Ảnh 9.

Nhà thờ đá Phát Diệm một trong những di tích lịch sử

Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO vui mừng khi được đến dự Lễ kỷ niệm và tham quan tại Ninh Bình. Bà cho biết, lễ kỷ niệm được tổ chức với mục đích "kép", là lễ kỷ niệm lần thứ 50 của Công ước Di sản Thế giới, có mục đích xác định và gìn giữ các di sản tự nhiên và di sản văn hóa đại diện cho các di sản chung của nhân loại và thứ hai là kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này. Lễ kỷ niệm kép này cũng chính là dịp đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa UNESCO và Việt Nam.

Sự kiện này có ý nghĩa hơn bởi mối quan hệ đối tác này vẫn luôn được duy trì, phát triển và vận động cùng thời đại. UNESCO đã và đang tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, với các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để triển khai chiến lược giáo dục mới trong 10 năm tới.

Tổng giám đốc UNESCO chia sẻ thêm, bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Cần đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng đáng có. Cần coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam, và như mô hình mẫu mực của Tràng An. Đây cũng chính là thông điệp mà UNESCO sẽ bảo vệ vào cuối tháng này tại Mexico tại Hội nghị Mondiacult năm 2022 do UNESCO và Mexico tổ chức, với sự tham dự của 140 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê của ngành Du lịch, 3 tháng đầu năm, lượng khách đến Ninh Bình đạt trên 654 nghìn lượt, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 77% so với kế hoạch đề ra. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong quý I đạt trên 382 tỷ đồng.

Với mục tiêu khẳng định thương hiệu "Ninh Bình điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn", ngành Du lịch đã chú trọng triển khai các giải pháp khôi phục và phát triển trong tình hình mới. Đặc biệt, quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn tại mỗi điểm đến cũng như chú trọng công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm hấp dẫn, tạo điểm nhấn, nhằm gia tăng ngày lưu trú của du khách.