Hiện nay, tỷ lệ người cần chăm sóc sức khỏe tâm thần đang ngày một tăng nhanh và có xu hướng trẻ hóa. Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó, tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác.

Gần đây, khái niệm "chữa lành" còn gọi là "healing" đã trở nên phổ biến trong cộng đồng, phản ánh nhu cầu của xã hội là cần được xoa dịu về tâm lý, nhằm giảm bớt những tổn thương, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, bất an.

Nở rộ dịch vụ chữa lành: Chữa lành hay lành ít dữ nhiều? - Ảnh 1.


Trên mạng xã hội TikTok - nơi có có nhiều người dùng và thể hiện rõ rất thị hiếu người dùng, thống kê tại Việt Nam về hashtag #chualanh và #healing là từ khóa thường xuyên lọt top 100 hashtag được sử dụng nhiều nhất. Cụ thể như sau:

+ Với hashtag #chualanh có tổng 194.000 bài viết với 2 tỷ lượt xem. Trong 7 ngày gần nhất có 13.000 bài viết. Tính ra trung bình mỗi ngày có khoảng 1.857 bài viết liên quan đến cụm từ "chữa lành".

+ Với hashtag #healing cũng thống kê tại Việt Nam, có tổng 11 triệu bài viết với 58 tỷ lượt xem.

Điều đó cho thấy thực tế, #chualanh hay #healing đều là từ khóa hot và được nhiều người quan tâm. Đi kèm với từ khóa đó là không ít những chia sẻ cho rằng họ có những bất ổn về tâm lý cần được chữa lành.

Nở rộ dịch vụ chữa lành: Chữa lành hay lành ít dữ nhiều? - Ảnh 2.


"Có cung ắt sẽ có cầu" khi nhu cầu về chữa lành ngày càng nhiều lên, nhiều người quan tâm đến vấn đề này sẽ dẫn đến việc xuất hiện nhiều sản phẩm và loại hình dịch vụ gắn với hai từ "chữa lành" được ra đời. Điển hình nhất là nghe podcast, các khóa thiền, du lịch chữa lành hay "bỏ phố về quê". Có một điểm chung là những sản phẩm hay dịch vụ này đều dễ dàng được giới trẻ tiếp cận.

Nở rộ dịch vụ chữa lành

Hoàng Trang và Kim Anh đều đang là sinh viên năm 3 đại học. Vừa đi học, vừa tham gia các hoạt động xã hội, vừa đi làm thêm kiếm thu nhập, nhiều lúc hai em cảm thấy quá tải và bị stress. Không chỉ 2 bạn trẻ này mà hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần tăng lên trong cộng đồng cũng khiến mong muốn xoa dịu những bất an trở nên cần thiết. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều dịch vụ chữa lành được tạo ra như: nghe podcast, sử dụng đá chữa lành, đi du lịch chữa lành, thiền chữa lành hay thậm chí đi xem bói tarot để chữa lành.

Giống như các khái niệm bền vững, sống xanh, khi các sản phẩm được gắn thêm nhãn "chữa lành", một bộ phận giới trẻ sẽ cảm thấy hứng thú hơn. Thế nhưng, dùng nhiều quá có thể dẫn đến "bội thực".

Có thể thấy các sản phẩm hay dịch vụ trên đều là những thứ mà khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận với nhu cầu đại trà. Nhưng ở một mức độ "chữa lành" cao hơn, có những dịch vụ được người cung cấp cho là "chuyên sâu" trong việc "chữa lành" được gọi tên là "khóa học chữa lành" hay "trị liệu chữa lành".

Đằng sau các dịch vụ tự xưng "chữa lành chuyên sâu"

Khi tìm kiếm từ khóa "khóa học chữa lành" trên mạng sẽ ra khoảng gần 10 triệu kết quả. Rất nhiều khóa học chữa lành được quảng cáo với đa dạng hình thức; có khóa học miễn phí, có khóa học phí tùy hỷ (nghĩa là tùy vào tâm của học viên) và những khóa học có phí với nhiều mức khác nhau.

Đơn cử như "Khóa 30 ngày chữa lành - sám hối - tha thứ - biết ơn" được giới thiệu với hình thức trực tuyến sử dụng "những kiến thức và kỹ thuật này đều đã được nghiên cứu, chứng minh và ứng dụng trong nhiều phương pháp trị liệu, chữa lành tại Việt Nam và trên thế giới".

Một dịch vụ khác được gọi là "trị liệu" chữa lành với hình thức được người chữa lành gọi là "thôi miên lượng tử". Người chữa lành đã đăng bài viết lên nhóm cộng đồng với nội dung "Video chữa lành và thoát cho vong đi theo chủ thể".

Nở rộ dịch vụ chữa lành: Chữa lành hay lành ít dữ nhiều? - Ảnh 3.


Trong video này, người chữa lành chia sẻ: chủ thể được trị liệu là bạn thân của mình. Chủ thể này đã bị 2 vong nữ theo và khẳng định "sau ca trị liệu bọn mình đã kiểm tra lại và linh hồn 2 bạn nữ đã được đi và siêu thoát". Người chữa lành cũng chia sẻ: Trường hợp chủ thể tâm lý không vững hoặc gặp vấn đề vong/bùa ngải nặng hơn thì họ cũng có những phương pháp có thể hỗ trợ xử lý.

Từ những phản ánh thực tế khách quan về dịch vụ liên quan đến khóa học "chữa lành" hay trị liệu "chữa lành" xuất hiện trên mạng, chúng tôi xin khẳng định rằng, chúng tôi không đánh giá về tính hiệu quả của những dịch vụ này bởi những người làm chương trình chưa trải nghiệm thực tế dịch vụ.

Chỉ khẳng định một điều, với những hình ảnh khung cảnh khóa học online đông đúc học viên hay những bình luận cầu cứu bên dưới bài viết về ca trị liệu cho thấy không ít người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ này. Còn xoay quanh các dịch vụ về chữa lành nói chung, khảo sát trên mạng xã hội cũng có những ý kiến trái chiều của cộng đồng không tin vào những khóa học và đánh giá chủ quan đây là những khóa học lùa gà, lừa đảo.

Bên cạnh khóa học chữa lành, còn có những khóa học trở thành "nhà chữa lành". Quả thật, tìm đến những người với danh xưng "nhà chữa lành" cũng đối mặt với nhiều rủi ro nếu không đảm bảo về trình độ chuyên môn thực sự, đặc biệt là những thứ liên quan đến "tâm bệnh" cũng thật khó nói. Thế nhưng với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" nên rất nhiều người tìm kiếm và vận dụng các phương pháp chữa lành khác nhau và hiệu quả của những phương pháp này liệu có đáng kể?

Với thực trạng đâu đâu cũng thấy "chữa lành" cùng với việc dịch vụ 'chữa lành" trở nên nở rộ, những người có vấn đề về tâm lý, đặc biệt là những bạn trẻ cần có sự tỉnh táo để lựa chọn cho mình những hình thức "chữa lành" an toàn, uy tín, tránh những rủi ro để mình không rơi vào tình trạng mà như nhiều người thường vẫn hay đùa "Chữa lành, nhưng mà là lành ít dữ nhiều".