Là trẻ con, ai cũng từng đắm chìm trong thế giới phép thuật thơ ngây của bộ truyện tranh Doraemon. Nếu như Doraemon càng thông minh, nhanh nhẹn bao nhiêu thì cậu bạn thân Nobita lại hậu đậu và "ngớ ngẩn" bấy nhiêu. Người ngoài, gia đình, bạn bè, thầy cô, thậm chí ngay bản thân Nobita cũng nhận thức được cậu không tài giỏi như người khác. Đặc biệt, cậu còn có một năng lực mà nhiều người phải công nhận đó chính là... thường xuyên bị điểm 0.
Tuy nhiên, mới đây, nhiều bức ảnh chụp màn hình phân cảnh cậu "khoe" bài kiểm tra bị điểm 0 với mẹ, nhưng netizen phát hiện ra rằng có điều gì đó sai sai. Thậm chí, nhiều người nói rằng nếu Nobita phát hiện ra những lỗ hổng này thì chắc hẳn cậu đã phá bỏ được "lời nguyền" thường xuyên bị điểm 0 rồi.
Chẳng hạn như câu này: 2 + (2 x 5) = 12 rõ ràng là đáp án đúng, nhưng nó lại bị giáo viên gạch sai không thương tiếc. Để không bị nhầm lẫn, chúng ta có một số quy tắc. Chẳng hạn như nhân chia trước cộng trừ sau là một trong những nguyên tắc được nhắc đến nhiều nhất khi các em làm quen với các phép tính trong Toán học. Nguyên tắc này giúp các em nhớ thứ tự thực hiện phép tính đó là: Thực hiện phép nhân chia trước, phép cộng và phép trừ sau. Như vậy, nhân và chia là các phép tính đồng hạng và được ưu tiên thực hiện trước so với phép cộng và trừ.
Bên cạnh quy tắc nhân chia trước, cộng trừ sau thì học sinh cũng cần nhớ một số quy tắc thứ tự thực hiện phép tính như sau: Thực hiện phép tính trong ngoặc đơn trước/ Thực hiện phép nhân, chia theo thứ tự từ trái sang phải/ Thực hiện phép cộng, trừ theo thứ tự từ trái sang phải.
Hay như trong bài toán bị điểm 0 ở trên của Nobita, trong đó có một câu cậu đã làm đúng, nhưng lại bị thầy giáo chấm sai. Bạn có nhận ra?
Và không để mọi người chờ lâu nữa, đó chính là phép tính: 5/8 + 4/8 - 6/8 = 3/8.
Đối với phép cộng và phép cộng phân số, chúng ta có một số quy tắc như sau:
- Muốn cộng hai phân số cùng mẫu, ta cộng các tử và giữ nguyên mẫu.
- Muốn cộng hai phân số khác mẫu, ta viết chúng dưới dạng hai phân số cùng mẫu rồi cộng các tử với nhau và giữ nguyên mẫu chung.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến tính chất giao hoán, tính chất kết hợp, quy tắc cộng với số không khi làm dạng toán này.
- Muốn trừ hai phân số cùng mẫu ta lấy tử của phân số thứ nhất trừ đi tử của phân số thứ hai và giữ nguyên mẫu.
- Muốn trừ hai phân số khác mẫu, ta quy đồng hai phân số, rồi trừ hai phân số đó.
Thế mới thấy, Nobita không hề "học kém" như mọi người thường nghĩ đâu, chẳng qua cậu không biết "lên tiếng" khi bị thầy giáo chấm sai thôi.