Nỗi ân hận của bà mẹ đòi công bằng cho con tự kỷ bằng một cái tát
Tôi cũng là một bà mẹ có con tự kỷ, với ước mong người ta đối xử với con mình bao dung hơn.
Chuyện về người đàn ông ném tiền trong quán đang khiến dư luận bức xúc, tôi cũng không ủng hộ hành động đó. Tôi càng không dám bàn luận vì chưa rõ sự tình. Nhưng có chi tiết người đàn ông này thanh minh rằng “tôi mang những tờ tiền nhàu nát kia ra quán đi cùng đứa con chậm nói để thấy rằng lẽ ra trẻ con thì phải được đối xử tốt”.
Tôi cũng là một bà mẹ có con tự kỷ có ước mong người ta đối xử với con mình bao dung hơn.
Con tôi cần được đối xử như trẻ con
Kiên nhẫn và kiên nhẫn… tôi đã niệm thần chú hàng trăm lần như thế để không nổi khùng với con. Thế nhưng, đó là lúc trong nhà. Còn khi ra ngoài đường, tôi lại phải niệm thần chú "nín nhịn, nín nhịn, nín nhịn" với người ngoài để không hét lên vào mặt họ, nổi khùng với họ khi con mình luôn như 1 kẻ tội đồ. Con tôi chỉ là một đứa trẻ, nó cần được đối xử như trẻ con. Con tôi trông giống như bình thường, nhưng thực ra là người khuyết tật. Tôi xin họ hãy hiểu giùm, một kiểu khuyết tật từ bộ não mà mắt thường không nhìn được. Họ muốn hành động văn minh thì xin hãy bắt đầu văn minh hơn với một đứa trẻ khuyết tật.
Tôi đã nghe nhiều rồi, họ bảo tôi “làm mẹ mà không biết dạy con”, rằng “trẻ con gì mà nghịch như ranh”, “hỗn láo thế không biết”, “không biết chào hỏi”, "con nhà vô giáo dục"... có hàng ngàn những câu người ta có thể nói với con tôi, nhưng là xát muối vào lòng người mẹ.
Tôi đã giáo dục con gấp nhiều lần các bà mẹ khác nhưng con tôi vẫn là đứa trẻ hiếu động bất thường, dễ đánh bạn, nghịch ngợm, lúc la hét, lúc lại dễ nổi khùng, có khi lại trở nên lì lợm…
Bà mẹ có con tự kỷ nào cũng chỉ ước mong con có bạn chơi và có thể chơi được hòa đồng. Chỉ mong con không gây chuyện và bạn bè không xa lánh. Những điều rất đỗi bình thường của con nhà người ta lại là ước mơ, là niềm mong mỏi của những người có con tự kỷ. Vài giây để con nhìn vào mắt mình, chúng tôi phải đánh đổi bằng bao nhiêu năm tháng và sự nhẫn nại tuyệt đối.
"Chiến đấu" để con được sống giống bình thường nhất
Sau khi than thân trách phận vì sao điều đó lại xảy ra với mình, về ước mơ có 1 đứa con bình thường cũng bị ông trời tước mất, những người mẹ như chúng tôi phải tự xốc lại bản thân mình, chấp nhận hiện thực và “chiến đấu” để cố gắng cho con 1 cuộc sống giống bình thường nhất.
Có lần một người bạn vào chơi thấy con tôi xé giấy khắp nhà, bạn đi nói khắp nơi là tôi chiều con một cách thái quá và khiến con tôi hư hỏng. Tôi cũng nghe được hàng xóm dặn con họ: “Tránh xa bạn H (con tôi) ra nhé. Đừng chơi với nó. Toàn những trò gì kinh khủng đâu đâu”.
Những việc đó đau lòng nhưng tôi cũng phải học cách dần quen với nó. Tôi phải gồng lên dạy con những điều mà đứa trẻ bình thường khác đều tự biết, phải nén nước mắt khi nghe những lời phán xét, nhưng còn đau lòng hơn khi con tôi bị người ta đối xử không ra gì.
Có lúc tôi đã xù lông xù cánh lên như một con thú bị thương. Ở nhà thì rèn con từng li từng tí, nhưng ra ngoài chỉ sợ con bị tổn thương.
Có lần trong lúc ngồi ở quán cafe, con chơi với 1 bạn nhỏ khác cạnh đó, tôi mừng rỡ vì chúng có thể chơi hòa thuận với nhau. Vậy mà chỉ trong nháy mắt tôi đã thấy người phụ nữ bàn bên tát con một cái đau điếng: “Loại vô học, không được mẹ dạy dỗ à?”. Con tôi khóc, đứa trẻ kia khóc và bà mẹ kia vẫn đang lớn tiếng.
Hóa ra trong lúc chơi đùa con tôi đã chọc chiếc ống hút vào mặt bạn và người phụ nữ kia đã phản ứng như vậy. Tôi đứng trước mặt người phụ nữ đó mà nói rằng: “Xin lỗi chị, con tôi bị tự kỷ”. Rồi tôi đã "đòi nợ" từ người phụ nữ đó lại bằng một cái tát: “Cái tát này tôi xin trả lại cho chị, con tôi không nhận vì dù sao nó cũng chỉ là đứa trẻ. Giờ chị cũng có thể tát lại tôi nếu chị muốn, tôi sẽ đứng ở đây và không né tránh”. Người phụ nữ kia đứng im, còn tôi... bật khóc!
Con tôi không đáng phải nhận những lời chế giễu, những hành động bạo lực. Bản năng làm mẹ khiến tôi cảm thấy cần “đòi nợ” vì tôi muốn con mình được tôn trọng.
Tôi không cho rằng hành động đó của mình lúc đó là đúng, đáp lại bạo lực bằng bạo lực không bao giờ là giải pháp, hơn nữa còn là phản tác dụng trước mặt những đứa trẻ. Nếu được làm lại có lẽ tôi sẽ chọn cách khác và không chọn hành động thô lỗ như cách người ta đã đối xử với con mình.
Tôi cảm thấy ân hận vì đã chọn cách này để đòi lại công bằng cho con. Điều tôi muốn nói thực sự chỉ là làm ơn đi, xin hãy kiên nhẫn với những đứa trẻ tự kỷ. Hãy hiểu chúng không bình thường để đối xử một cách công bằng hơn. Con tôi không muốn đánh bạn và càng không phải là con nhà vô giáo dục.
Tôi đã dạy dỗ con mất nhiều thời gian để đổi lấy ít giây con nhìn vào mắt mình, để lấy được cái ôm lúc con thấy mẹ khóc rưng rức. Con tôi không vô học chỉ là con học mất nhiều thời gian hơn so với những đứa trẻ khác gấp nhiều lần.
Đôi lúc tôi nghĩ cũng thật khó để bắt ai đó phải thấu hiểu và thông cảm. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn nói rằng làm ơn đi, xin hãy bao dung với những đứa trẻ khuyết tật mà mắt thường không nhìn thấy.