Lối nhỏ vào đời
Cách trung tâm thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) khoảng 9km, trong con hẻm nhỏ xã Chư Á (thành phố Pleiku) tấm biển “Tu viện Phao lô Thiên Ân” khiêm nhường nằm trên cổng vào được bao bọc bởi 2 hàng cây xanh. Trong 10 năm ấy, mái ấm Thiên Ân trở thành mái nhà cho những đứa trẻ có hoàn cảnh éo le, bị cha mẹ bỏ rơi, nơi nương náu của hàng trăm bà mẹ lỡ lầm thoát khỏi cuộc sống khắc nghiệt.
Có một tuổi thơ đầy sóng gió, sơ Chi thấu hiểu những vất vả, khổ đau mà những đứa trẻ không gia đình phải gánh chịu. Ở đây, mỗi đứa trẻ một tính nết khác nhau nên sơ phải lựa cách dạy bảo từng em. Nhiều em do vào đời kiếm sống sớm quen với sự va đập, xung đột trong sự sinh tồn nên bướng bỉnh, quậy phá. Có nhiều em do mặc cảm với số phận của mình trở nên lầm lì, cáu gắt…
Hằng ngày, các em được sơ giáo dục từ điều ăn, nếp ở, được sơ dạy làm những công việc nhẹ nhàng để tu dưỡng tâm đức. Dần dần mọi khoảng cách được lấp đầy bằng tình yêu thương. Sơ chăm lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, âm thầm hy sinh để những mảnh đời bất hạnh được hồi sinh.
Câu chuyện của sơ Chi chậm rãi, chảy đều bên ấm trà nóng giữa khoảng không gian trầm lắng. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên sơ Chi cũng lớn lên trong vòng tay yêu thương của các sơ ở Giáo xứ Thọ Thành (xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột). Sau này, sơ được đi học sư phạm mầm non và học ngành trồng trọt (Đại học Tây Nguyên).
Những kiến thức có được ấy sơ dành trọn giúp những mảnh đời bất hạnh. Hoàn thành khóa học, Nguyễn Thị Kim Chi học tiếp một khóa thành sơ trong vòng 6 tháng. Năm 2007, sơ Chi được bài sai về Tu viện Phao Lô Thiên Ân.
Khi ở Tu viện Phao Lô Thiên Ân, sơ Chi đi dạy cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số cách trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Trong những dịp này, sơ Chi chứng kiến những đứa trẻ nhem nhuốc, ốm yếu hằng ngày theo ba mẹ lên nương rẫy, chúng không được học chữ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự quan tâm.
Hình ảnh những đứa trẻ đầu trần, chân đất luôn ám ảnh trong giấc ngủ của sơ. Nhiều đêm trằn trọc, sơ quyết định thành lập mái ấm Thiên Ân. Lúc này sơ được người thân giới thiệu một khu đất rộng khoảng 1.000m2 tại thôn 4 (xã Chư Á).
Được sự cho phép của chính quyền địa phương, sơ đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp để xây dựng nhà nuôi dạy trẻ mồ côi và đặt tên là “Mái ấm Thiên Ân”. Mọi người cùng nhau góp tay xây dựng cơ sở vật chất mới được khang trang như bây giờ. Suốt 10 năm qua, mỗi ngày sơ đều dậy từ lúc tinh mơ nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ cho các con đi học,…Khi các con ốm đau, bệnh tật, sơ vừa phải chăm đứa ốm vừa lo việc ở tu viện cho các bạn khác.
Chắp cánh ước mơ
Ánh nắng ban chiều xuyên qua từng tán lá, trong khuôn viên thoang thoảng hương hoa, bước chân chậm rãi, giọng sơ Chi nhẹ bẫng kể về mái ấm này như người dẫn chuyện. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, có những câu chuyện nhiều nước mắt. Có đứa trẻ bệnh tật, những đứa nhà nghèo bỏ học giữa chừng, có cả những đứa về với mái ấm khi còn đỏ hỏn và hầu hết là người đồng bào dân tộc ít người. Mái ấm lúc này như một mái nhà che chở, bảo vệ, chăm sóc các con trước giông tố cuộc đời khi các con còn quá nhỏ chưa đủ sức đương đầu.
Với tình thương dạt dào của các sơ, những đứa trẻ tự tin, mạnh dạn lớn lên. Em Lê Thị Hoài Thư đang tỉ mẩn làm bánh, thấy chúng tôi em nhanh nhẹn chào hỏi, em cho biết:
“Em là người dân tộc thiểu số, được sơ Chi nhận về nuôi khi còn rất nhỏ. Tên em cũng được sơ Chi đặt. Học hết lớp 9, em được sơ Chi truyền nghề làm bánh mì. Hiện nay, em nhận nhiệm vụ làm bánh mì trong mái ấm để phục vụ bữa ăn cho các em nhỏ nơi đây”.
Tiếng đọc vang lên từ căn phòng nhỏ, cô giáo dáng người mảnh khảnh cần mẫn đến từng em chỉnh cách phát âm, đó là cô giáo Nhíp người Gia Rai (xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa, Gia Lai). Nhíp cũng có một tuổi thơ không bình yên. Gia đình khó khăn, năm 13 tuổi Nhíp được cha mẹ gửi vào mái ấm. Nhờ tình yêu của các sơ, Nhíp tốt nghiệp Trung cấp mầm non và trở về mái ấm dạy chữ cho các em nhỏ.
Nhíp chia sẻ: “Em lớn lên trong vòng tay yêu thương của các sơ nên bây giờ để đáp trả công ơn, em muốn về đây dạy cho các em biết chữ, mai sau nếu không đi học cao thì cũng biết để học cái nghề, nuôi sống bản thân mình”.
Hầu hết công việc ở mái ấm đều từ những người đã lớn lên ở đây hoặc người khuyết tật, được các sơ tạo công ăn việc làm. Chị Y Hrul, người Xê Đăng (ở làng Đắk Lech, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) cho biết:
“Mình là mẹ đơn thân phải nuôi 3 đứa con nhỏ. Nhà nghèo lắm, không có đất ở. Gần 2 năm nay được các sơ đón vào, con cái được đi học, mình có công việc để làm. Ở đây mình phụ các sơ chăm sóc các em bé sơ sinh bị gia đình bỏ rơi”.
Ngoài tạo điều kiện học tập, sơ Chi còn hỗ trợ học nghề tạo những công việc phù hợp để các em có việc làm ổn định. Chính từ đó, các em có thể tự lo cho bản thân cũng như hỗ trợ sơ để nuôi dưỡng những em khác.
Sơ Chi cho biết: “Việc khó nhất là khai thác được điểm mạnh của các em. Có em trí nhớ không tốt nhưng giỏi kỹ năng. Vì vậy, tùy từng em sơ hướng cho mỗi nghề khác nhau. Một số em không có bằng cấp để đi học nghề, sơ cho đi học các tiệm cơ khí, lò bánh mì, sửa chữa xe máy… giúp các em sống bằng nghề đó. Nhờ vậy, một số em có đồng ra đồng vào gửi về cho gia đình".
Trong làn gió nhẹ buổi chiều những đứa trẻ ríu rít theo chân nhau đi học về. Không khí ngôi nhà chung rộn ràng sôi nổi bởi tiếng nói, cười khoe thành tích điểm 9,10 với các sơ.
Ông Đinh Ứt, Bí thư đảng ủy xã Chư Á cho biết: Mái ấm Thiên Ân được thành lập và hoạt động ổn định mươi năm nay. Địa phương không hỗ trợ gì nhiều về vật chất nhưng hỗ trợ về pháp lý, tạo điều kiện cho mô hình hoạt động.