"Mẹ ơi, mùng 1/6 này vào ngày nghỉ nên bọn con cho cháu đi du lịch 2 ngày 1 đêm cho cháu vui mẹ ạ", Hương xin phép mẹ chồng để 2 vợ chồng cho con đi chơi.
"Ờ...", mẹ chồng một lát mới đáp không mặn mà gì. Hương biết bà chả hài lòng. Nhưng cô kệ, cô biết làm sao được. Chẳng lẽ vì bà không vui mà bắt con ở nhà không được đi chơi. Hơn nữa, cô không hiểu cô đã làm gì sai khiến bà không vui?
Hương hí hửng đặt vé máy bay, chuẩn bị đồ để cả nhà đi du lịch. Còn mua đồ bơi mới cho 2 mẹ con nữa chứ. Tối hôm 31/5, Hương xách sẵn vali xuống nhà, để hôm sau đi sớm. Bố chồng nhìn thấy, giật giọng hỏi: "Đi đâu?".
"Dạ, mai vợ chồng con cho cháu đi chơi, qua đêm đến ngày kia bọn con về ạ", Hương lễ phép trả lời.
"Đi chơi! Suốt ngày đi chơi! Đi chả xin phép ai hết!", ông quát con dâu.
"Dạ, hôm trước con đã xin phép mẹ...", Hương nhẹ nhàng đáp.
"Xin phép bà ấy chứ đã hỏi tôi chưa? Tôi đã đồng ý đâu! Anh chị lớn rồi tôi chả quản được, thích đi đâu thì đi nhưng để con ở nhà!", ông ra lệnh cho Hương xong thì xoay người đi, còn bực dọc hằn học mãi.
Hương đứng như trời trồng, vừa ức vừa buồn. Cô không hiểu tại sao bố mẹ chồng cô lại luôn như thế. Vợ chồng cô đi làm độc lập, là người trưởng thành, là bố mẹ rồi nhưng kể cả buổi sáng cuối tuần muốn đi uống cafe với bạn bè cũng phải được sự cho phép của bố mẹ chồng. Chứ đừng nói tới cho con về ngoại hoặc đưa con đi chơi xa như hôm nay. Ngày Quốc tế thiếu nhi đi chơi để con ở nhà thì có nghĩa lý gì? Xin phép mẹ chồng vẫn chưa đủ, phải cả bố chồng đồng ý?
Ảnh minh họa
Đây lại chả phải lần đầu, mà trong 3 năm Hương làm dâu phải đếm cả trăm lần rồi. Đó cũng là lý do Hương rất hạn chế ra khỏi nhà, ngoại trừ đi làm. Nhà ngoại cách có 20 cây số mà cả năm cô may ra về được Tết nhất. Càng nghĩ nước mắt Hương cứ rơi, uất ức và phẫn nộ. Tại sao cô phải chịu đựng điều này? Cô là phận con, đi thưa về chào là đúng, song cô đâu phải trẻ lên 3 và bố mẹ chồng đâu phải người bảo hộ của cô mà cô làm bất cứ điều gì cũng phải được ông bà gật đầu?
Cả đêm ấy Hương mất ngủ, suy nghĩ miên man. Sáng ra, cô vẫn theo kế hoạch cho con đi chơi như không hề có mệnh lệnh của bố chồng. Bố chồng cô thấy thế thì dựng mày lên: "Cô không coi lời tôi ra gì phải không? Cô thích đi thì đi luôn đi, còn để con ở nhà!". Rõ ràng ông đang dùng cách nói khác để bắt cô ở nhà, vì ông thừa biết cô sẽ không bỏ con lại mà đi chơi. Kể cả cô đi thật, thì lúc về sẽ phải đón nhận cơn thịnh nộ của ông cho mà xem.
Hương nhìn thẳng vào bố chồng, vẫn lễ phép đáp: "Thưa bố mẹ, bọn con đã đủ trưởng thành và tự lập để biết mình cần làm gì, nên làm gì. Chúng con và bố mẹ sống chung dưới một mái nhà, là để nương tựa giúp đỡ trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải để quản lí người khác như trẻ con. Đến con của con, bé mới mấy tuổi đầu, nhưng cái gì sai con mới uốn nắn, còn lại con luôn tôn trọng ý kiến, sở thích cá nhân của bé. Chính vì vậy, từ lần sau, có đi đâu con xin phép chỉ thông báo cho bố mẹ biết mà thôi. Nếu bố mẹ quá khó chịu khi phải chung sống với bọn con, hay bọn con ra ở riêng cho tự lập ạ?".
Ảnh minh họa
Bố mẹ chồng chết sững với lời tuyên bố của Hương. Thứ nhất, không nghĩ cô luôn nghe lời và hiền lành mà phản kháng cũng đâu ra đấy như thế. Thứ hai, mọi thứ chi tiêu trong nhà bây giờ đầu do vợ chồng Hương lo, việc nhà cũng một tay Hương làm. Nếu bọn cô ra ở riêng, ông bà vừa xa con cháu vừa chả được lợi gì chỉ thấy thiệt.
Nhất là chồng Hương cũng nói xen vào: "Bố mẹ thật là... bọn con cho cháu đi chơi cũng gây khó dễ...". Bình thường chồng Hương luôn im lặng, vì nghĩ vợ nhịn được thì kệ cho vợ nhịn. Rõ ràng hai bên không đồng quan điểm, thì 1 bên phải nhường. Song lần này biết bố mẹ mình quá đáng, vợ lại tỏ thái độ gay gắt, anh buộc phải lên tiếng.
Nói rõ mọi chuyện, Hương thấy nhẹ cả người. Cảm tưởng như từ giờ cuộc sống của cô sẽ sang một trang mới vậy.