Mới đây, ông bố Emilbek Zhunusov (35 tuổi), đến từ Moscow, Nga, đã bị bắt sau khi bị cáo buộc tội tấn công trẻ em ngay tại nhà của mình. Được biết, ông bố này đã đánh đập cậu con trai 6 tuổi của mình một cách tàn nhẫn vì đứa trẻ từ chối không chịu chống đẩy khi tập thể dục tại nhà.
Điều đáng phê phán hơn nữa là mẹ của bé trai cũng có mặt ngay trong sự việc nhưng đã không ngăn cản chồng mình. Thậm chí, bà mẹ này còn quay lại cảnh chồng đánh con vì chị cho rằng "không thấy có vấn đề gì với phương pháp giáo dục con như thế này".
Không những vậy, bà mẹ này còn chia sẻ đoạn clip lên mạng xã hội để "khoe" với mọi người về cách dạy con đúng đắn của hai vợ chồng kèm theo lời chú thích: "Đánh con là để con nên người".
Theo như trong đoạn clip, ông bố đã đấm bé trai rồi sau đó đá, đánh cho đến khi cậu bé ngã xuống sàn.
Sau đó, anh Emilbek tiếp tục đánh vào đầu vào mặt mặc kệ con đang khóc và cố gắng lấy tay che mặt.
Chưa nguôi giận, anh lấy một thanh kim loại và đe dọa đứa trẻ, nhưng may mắn là có một người đã vào ngăn ông bố lại. Đoạn clip kết thúc với cảnh ông bố giận dữ đá cậu bé lúc này đã nằm bất lực trên sàn nhà.
Ngay khi được tung lên mạng, đoạn clip này đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng, đến nỗi ông bố Emilbek phải quay một đoạn video giải thích. Anh nói: "Tôi đã nói con chống đẩy nhưng con không nghe. Tôi không đánh con mạnh. Con sẽ không bị thương. Mọi người vẫn đánh con để nuôi dạy con nên người mà. Tôi đánh con mình chứ không phải ai khác. Con trai tôi không cảm thấy gì và không hề ghét tôi. Chúng tôi là một gia đình vui vẻ và hạnh phúc".
Song, cảnh sát đã không quan tâm đến những lời bào chữa đó. Họ bắt giữ ông bố này và khởi tố thành một vụ án hình sự tội tra tấn trẻ vị thành niên. Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra và ông bố có thể sẽ phải chịu phạt 7 năm tù giam.
Có nên dạy con bằng roi vọt?
Đúng là làm cha mẹ, ai cũng yêu thương và mong con mình nên người, nhưng roi vọt chưa bao giờ đại diện cho tình yêu thương.
Theo các nhà tâm lý học, những trận đòn sẽ giúp bố mẹ ép con vào khuôn khổ trong một giai đoạn, nhưng hậu quả mà nó để lại thì to lớn vô cùng. Đánh con không những làm cho mối quan hệ cha mẹ và con cái bị rạn nứt, nó còn khiến cho trẻ càng lớn càng ương bướng, khó bảo. Không chỉ có thế, con còn không học được cách giải quyết vấn đề, không biết tự đưa ra quyết định và không biết bảo vệ chính mình.
Do đó, mỗi khi con hư, các bố mẹ xin đừng vì một phút nóng giận mà đánh con, thay vào đó, hãy cùng con ngồi xuống và lắng nghe con nói bằng cách hỏi 4 câu hỏi sau đây:
1. "Đã có chuyện gì xảy ra với con vậy?"
Đây được xem là cơ hội để con có thể giải bày những vấn đề khó khăn của mình, và nhiệm vụ của các bố mẹ là bình tĩnh lắng nghe con nói, đứng ở góc độ của con để xem xét sự thật để tránh hiểu lầm trách oan con.
Nếu thực sự lỗi là ở con thì ít nhất con cũng đã có cơ hội tự bảo vệ bản thân và sẵn sàng thừa nhận điểm sai của mình.
2. "Con đang cảm thấy như thế nào?"
Theo các nhà tâm lý học, trẻ em thường bị ảnh hưởng bởi những cảm giác chủ quan chứ không có định nghĩa đúng hay sai. Rất nhiều lúc, con chỉ cần được bố mẹ lắng nghe để nói ra hết những cảm xúc trong lòng. Vì vậy, nếu muốn con nghe lời, bố mẹ cần phải bắt nhịp được với cảm xúc của con. Có thể lúc đó con đang buồn chuyện gì đó nên chưa muốn làm việc mà bố mẹ đang sai bảo.
3. "Bây giờ con muốn làm gì?"
Đã đến lúc bố mẹ để cho con được suy nghĩ về việc mà con muốn làm. Và khi con đưa ra câu trả lời thì bố mẹ sẽ đồng ý để con làm việc đó trước nhưng khi làm xong con phải làm việc bố mẹ yêu cầu.
4. "Con có cần bố mẹ giúp gì không?"
Sự động viên ủng hộ của bố mẹ chính là sự hậu thuẫn tốt nhất dành cho con. Điều này giúp con có niềm tin với bố mẹ. Từ đó, con sẽ tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ nhiều chuyện của mình hơn.