Có một câu ngạn ngữ như thế này "It takes a village to raise a child" (Cần cả một ngôi làng để nuôi lớn một đứa trẻ), với ý nghĩa làm bố mẹ không hề đơn giản, và càng khó khăn hơn trăm nghìn lần đối với những gia đình đơn thân. 

Trong tất cả những nước đang phát triển, gia đình đơn thân ở Nhật Bản (hầu hết là mẹ đơn thân) đều có thể rơi vào những tình huống tiêu cực nhất. 

Trong quyển sách "Sự nghèo khó của phụ nữ" khẳng định, mẹ đơn thân là bộ phận chủ yếu của nhóm những phụ nữ nghèo khó. Hôn nhân của họ tan vỡ vì nhiều lý do. Họ phải sống một mình cùng con cái, phải vật lộn với những cơn khốn khó cùng cực, phải chịu đựng định kiến và ánh mắt dị nghị của xã hội đối với những người mẹ đơn thân. 

Nỗi đau cùng cực của mẹ đơn thân Nhật Bản: Đã không hạnh phúc trong hôn nhân lại còn phải vật lộn với định kiến xã hội và sự nghèo đói - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ayano 25 tuổi là một trong hàng triệu mẹ đơn thân ở Nhật Bản. Là một người mẫu và người nổi tiếng trên mạng xã hội, cuộc sống hằng ngày của Ayano rất tươi sáng. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, Ayano quyết định đi làm kiếm tiền, từ bỏ học đại học. Lúc này, cô gặp người yêu đầu tiên. Hắn là một kẻ lừa đảo, hay bạo hành và kiểm soát tinh thần của Ayano. Hắn không chỉ hủy hoại cuộc sống của cô gái trẻ mà còn buộc cô phải cách ly khỏi người thân và bạn bè, giam cầm cô trong nhà suốt ngày đêm. Ayano hoàn toàn bị tẩy não, cô ngoan ngoãn nghe lời tất cả những gì hắn nói. 

Đến khi nhận ra sự nguy hiểm từ bạn trai, Ayano quyết định rời xa hắn. Mối quan hệ này làm tổn thương Ayano nặng nề. Cô bị rối loạn lưỡng cực và trầm cảm, thường xuyên có ý muốn tự tử. 

Khi Ayano điều trị bệnh tâm lý, cô cũng bắt đầu làm việc bán thời gian tại một nhà hàng. Tại đây, cô đã gặp người bạn trai thứ 2 của mình. Lúc đó cô 19 tuổi. 

Tin lời hứa hẹn của người này, Ayano tổ chức hôn lễ sau vài tháng quen biết. Ở tuổi 20, Ayano mang thai. Tuy nhiên, kết cục của chuyện tình này là người đàn ông kia đã ngoại tình rất nhiều lần. Ayano quyết định ly hôn và trở thành mẹ đơn thân, tự nuôi dưỡng con gái.

Xã hội Nhật Bản luôn có định kiến và khinh miệt những người phụ nữ làm mẹ đơn thân. Sau khi Ayano có cuộc hôn nhân chớp nhoáng và trở thành mẹ đơn thân, bố mẹ của Ayano - những người từ trước đến nay luôn nghiêm khắc với con gái - đã cảm thấy vô cùng thất vọng. 

Ayano chia sẻ, khi người ngoài biết cô là mẹ đơn thân, họ đều cho rằng cô là một kẻ thất bại. "Có lẽ đây là 'văn hóa xấu hổ' của người Nhật Bản, mọi người đều nghĩ bạn chắc chắn là đứa trẻ hư hỏng, không nghe lời bố mẹ, vì thế mới có kết cục tệ hại như hiện tại", cô nói.

Nỗi đau cùng cực của mẹ đơn thân Nhật Bản: Đã không hạnh phúc trong hôn nhân lại còn phải vật lộn với định kiến xã hội và sự nghèo đói - Ảnh 2.

Ayano đã công khai sự tồn tại của con gái vào sinh nhật 5 tuổi của con.

Sự phán xét và "văn hóa xấu hổ" đối với mẹ đơn thân đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ của người Nhật Bản. Nhật Bản là một xã hội đồng nhất, ai ai cũng cố gắng cư xử như những người khác. Họ tin rằng, một cuộc hôn nhân bất hạnh vẫn tốt hơn nuôi con một mình. 

Trong suốt 5 năm đầu đời của con gái, Ayano không hề đăng tải bất kỳ thông tin hay hình ảnh con lên mạng xã hội. Cộng đồng mạng chỉ có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh xinh đẹp của cô.

Mãi đến sinh nhật thứ 5 của con gái, Ayano mới chia sẻ hình ảnh đầu tiên của con. Trong 5 năm qua, cô không hề hạnh phúc như mọi người đã nghĩ. Cô đã phải tự thân chiến đấu với căn bệnh tâm lý của mình trong lúc nuôi lớn con gái. Đã có lúc tình trạng nghiêm trọng đến mức cô phải nhập viện điều trị và phải nhờ vả bố mẹ chăm nom con gái.

Nhưng dù thế nào, Ayano vẫn có thể được xem là một trường hợp may mắn, bởi cô còn trẻ, có khả năng tài chính khi là người mẫu và một nhân vật có tiếng tăm trên mạng xã hội. Khi cô cần giúp đỡ, bố mẹ cũng sẵn sàng hỗ trợ. 

Nỗi đau cùng cực của mẹ đơn thân Nhật Bản: Đã không hạnh phúc trong hôn nhân lại còn phải vật lộn với định kiến xã hội và sự nghèo đói - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Noriko là một bà mẹ đơn thân 37 tuổi, có một người con gái 10 tuổi. Noriko đã phải vật lộn với nhiều công việc bán thời gian khác nhau từ khi ly dị chồng. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn ô tô 5 năm trước, cô buộc phải ngừng mọi công việc. Hiện tại, Noriko đang thất nghiệp và sống dựa vào tiền trợ cấp ít ỏi. 

Noriko chia sẻ: "Từng tháng từng tháng trôi qua rất khó khăn, đặc biệt là con gái tôi lớn nhanh quá. Tôi luôn muốn mua giày dép và nội y mới cho nó nhưng không đủ khả năng". 

Theo các dữ liệu chính thức, hơn một nửa số gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân phải sống trong điều kiện nghèo khổ và mẹ đơn thân chiếm phần lớn trong số đó.

Nhưng, tại sao tình hình kinh tế của mẹ đơn thân Nhật Bản lại khó khăn đến thế?

Tỷ lệ ly hôn ở Nhật Bản tăng đến 66% từ năm 1980 đến năm 2012 và khi ly hôn phổ biến thì số lượng mẹ đơn thân lại tăng lên nhanh chóng. Bởi vì sau khi ly hôn, đàn ông rất ít khi nuôi con, phụ nữ mới chính là người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng con lúc đó.

Gánh nặng nuôi dạy con thuộc về người mẹ sẽ khiến họ nỗ lực kiếm tiền để chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, sự nghiệp của những bà mẹ đơn thân không hề dễ dàng. 

Theo bảng số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố, tỷ lệ việc làm của mẹ đơn thân Nhật Bản cao nhất trong tất cả các nước, chiếm đến 85%. Ngay cả khi họ chăm chỉ làm việc đến thế thì họ vẫn phải đối mặt với cảnh nghèo khó. 

Cơ cấu tiền lương của Nhật Bản chia thành nhiều nhóm như: Nam nhân viên chính thức, nữ nhân viên chính thức, nam lao động tạm thời, nữ lao động tạm thời,... Các mẹ đơn thân khó có đủ thời gian và tập trung để nhận việc chính thức khi đang chăm sóc con cái. Chính vì thế, họ phải làm việc bán thời gian và nhận được tiền lương ít hơn. 

Nỗi đau cùng cực của mẹ đơn thân Nhật Bản: Đã không hạnh phúc trong hôn nhân lại còn phải vật lộn với định kiến xã hội và sự nghèo đói - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu của giáo sư Jeff Kingston, có khoảng 77% lao động phổ thông và bán thời gian ở Nhật Bản là phụ nữ. Mức lương của lao động bán thời gian chỉ bằng 40% so với nhân viên chính thức. 

Và ngay cả khi họ có thể cân bằng được công việc và chăm con thì công ty cũng có thể không chọn thuê một người mẹ đơn thân. Hầu hết các công ty về cơ bản đều ưu tiên cho sinh viên mới tốt nghiệp. Những người phụ nữ quyết định nghỉ làm để kết hôn và sinh con thì rất khó để quay lại làm việc sau khi ly hôn. 

Các nhà tuyển dụng nghĩ rằng, khó có thể tin tưởng vào một người mẹ đơn thân có thể toàn tâm toàn ý chăm lo cho công việc, có rất nhiều trường hợp khẩn cấp xảy ra với một nữ nhân viên đang nuôi dưỡng con một mình. 

Sinh trưởng trong một gia đình đơn thân như thế, không chỉ cuộc sống khó khăn mà còn gây bất lợi về sức khỏe tâm lý và giao tiếp xã hội của người mẹ và đứa trẻ. Thậm chí, khi chúng lớn lên rất dễ rơi vào cảnh nghèo tương tự. 

Nhật Bản hiện đang là dân số lão hóa nghiêm trọng nhất, tỷ lệ sinh cũng đang giảm. Chính phủ vẫn đang tập trung vào việc khuyến khích hôn nhân ở những người chưa lập gia đình và khuyến khích sinh con ở những người đã kết hôn.

Đồng thời, họ cũng khuyến khích nhiều người mẹ đi làm, một người có thể đảm nhận 2 việc và phải cân bằng tốt giữa công việc và gia đình. Nhưng, cơ quan có thẩm quyền lại bỏ qua nhu cầu của hàng triệu bà mẹ đơn thân, họ đều là mẹ và cũng là một lực lượng lao động cốt lõi, họ cần phải có sự hỗ trợ và chính sách giúp đỡ toàn diện hơn.

Nguồn: Zhihu, 163, Sohu