Nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc - Lão Xá từng viết: “Con người, dù có sống đến tám chín mươi tuổi, chỉ cần còn mẹ thì vẫn có thể giữ lại đôi phần trẻ thơ. Nhưng khi mất đi mẹ hiền, giống như bông hoa bị cắm trong bình — tuy còn hương, còn sắc, nhưng đã mất đi cội rễ”.

Khi cha mẹ còn, ta vẫn có nơi để trở về. Nhưng nếu ở tuổi xế chiều, khi đã ngoài bảy mươi, lẽ ra được an hưởng tuổi già, mà họ vẫn phải gồng gánh lo toan cho con cháu, thì nỗi bất lực phía sau đó còn xót xa hơn cả sự nghèo khó. Tuổi đáng lẽ thong dong an nhàn, lại bị lấp đầy bởi trăm nỗi bận tâm - đó là nỗi đau không lời của cả một gia đình.

1. Ở tuổi thất thập, vẫn canh cánh chuyện hôn nhân của con

Người bước sang tuổi 70, nghĩa là đã đi qua phần lớn đời người, sức khỏe giảm sút, tinh thần cần được thảnh thơi. Ấy vậy mà có những bậc cha mẹ, chỉ cần nhắc đến chuyện cưới hỏi của con, là như chạm vào sợi dây luôn căng thẳng trong lòng. Con chưa lập gia đình, họ chưa thể yên tâm.

Một người phụ nữ nọ đã ngoài 70 tuổi, có con trai gần 40 vẫn chưa kết hôn. Mỗi lần gặp ai quen biết, điều đầu tiên bà nhắc đến là chuyện vợ con của con trai, ánh mắt đầy lo lắng. Bà đi khắp nơi nhờ người mai mối, còn tự mình đi cùng con trai đến các buổi hẹn hò, sợ con nói sai, cư xử không đúng.

Có lần, vì quá lo lắng, bà mất ngủ mấy đêm liền, huyết áp tăng vọt phải nhập viện. Nằm trên giường bệnh, bà vẫn băn khoăn: “Tôi không lo thì ai lo cho nó? Sau này già rồi không ai chăm thì biết làm sao?”.

Nỗi đau không lời của cả một gia đình là khi bố mẹ đã ở độ tuổi 70 vẫn còn phải làm 3 việc này! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Với nhiều bậc cha mẹ, việc con cái lập gia đình là chuyện đại sự, là trách nhiệm họ phải “lo cho tròn”. Nhưng họ quên mất rằng con cái đã trưởng thành, có suy nghĩ và nhịp sống riêng. Sự can thiệp quá mức đôi khi chỉ khiến cả hai thế hệ cùng thêm áp lực. Đó không chỉ là dấu hiệu của việc chưa thực sự tin tưởng con, mà còn là sự đánh đổi không đáng có với chính tuổi già của mình.

2. Mắc kẹt trong những chuyện vụn vặt, tuổi già chẳng được nghỉ ngơi

Không ít cha mẹ đã cao tuổi vẫn lo từ miếng ăn đến chuyện con dâu, cháu nhỏ, từ mâu thuẫn vợ chồng đến chuyện công việc của con - không việc gì họ không bận tâm.

Dù con gái đã ngoài 30, có gia đình và con cái, một người mẹ nọ vẫn ngày ngày lui tới giúp nấu nướng, dọn dẹp, chăm cháu. Mỗi khi hai vợ chồng con có xích mích, bà lại đứng ra hòa giải như thể chuyện của mình.

Có lần, chỉ vì con gái và con rể cãi nhau do áp lực công việc, bà mất ngủ mấy hôm liền, dốc hết tâm sức để khuyên giải hai bên. Dù bản thân đang bị thoát vị đĩa đệm và cao huyết áp, bà vẫn nói: “Tôi còn làm được ngày nào, thì không thể để tụi nhỏ khổ ngày ấy”.

Tình yêu của cha mẹ là vô điều kiện, nhưng tình yêu đó nếu vượt quá giới hạn cần thiết, sẽ khiến con cái ỷ lại, không học được cách giải quyết vấn đề. Đôi khi, “buông tay đúng lúc” mới là cách yêu thương khôn ngoan nhất.

3. Ngoài 70 vẫn mưu sinh, chỉ mong con cái bớt gánh nặng

Ở nhiều gia đình, những người cha mẹ tuổi thất thập lẽ ra được nghỉ ngơi, uống trà ngắm nắng, thì lại vẫn phải ra ngoài kiếm sống, chỉ vì muốn phụ giúp con cái.

Một người đàn ông nọ góa vợ sớm, một mình nuôi hai con khôn lớn. Dù các con đã lập gia đình, ông vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ngày nào ông cũng dậy từ sớm, ra chợ giúp người ta khuân vác hàng hóa để kiếm thêm thu nhập.

Con cái ông nhiều lần khuyên ông dừng lại, nhưng ông chỉ lắc đầu: “Tôi còn làm được thì làm, kiếm thêm chút ít, đỡ cho tụi nhỏ vất vả. Tôi không muốn trở thành gánh nặng”.

Nhìn ông gầy gò len lỏi giữa những bao hàng nặng trĩu, ai mà không chạnh lòng? Tình yêu của cha mẹ là cao cả, nhưng việc hy sinh đến mức kiệt sức liệu có xứng đáng? Nếu chẳng may sức khỏe có chuyện, con cái sẽ chỉ thêm day dứt và đau lòng. Mà đôi khi, chính điều đó cũng khiến họ cảm thấy bất lực vì “không đủ giỏi để báo hiếu”.

Kết

Nỗi buồn lớn nhất của một gia đình không phải là thiếu tiền, mà là khi cha mẹ ở tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, vẫn phải lao tâm khổ tứ vì con.

Cha mẹ cần học cách tin tưởng và buông tay, con cái cũng cần học cách trưởng thành và biết ơn. Khi mỗi người biết vai trò và trách nhiệm của mình, gia đình mới có thể thật sự hạnh phúc, ấm áp, và bình yên.