Trong thế giới mà các chương trình phát sóng trực tiếp nở rộ, không khó để tìm ra những ngôi sao có giá trị tài sản ròng lên tới hàng trăm triệu USD. Đó có thể là những huyền thoại trong làng thể thao, nghệ sĩ vĩ đại trong âm nhạc, siêu sao điện ảnh hay ông trùm kinh doanh. Tại Hàn Quốc, có một nghề khác cũng nằm trong danh sách này - giảng viên ngôi sao.

Gần đây, phim truyền hình "Khoá học yêu cấp tốc" của nước này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả. Ngay từ tập đầu tiên, nhân vật nam chính Choi Chi Yeol xuất hiện với tư cách là giáo viên dạy toán nổi tiếng. Đáng chú ý, anh còn được mệnh danh là "người đàn ông 1 nghìn tỷ won" (hơn 18,5 nghìn tỷ đồng) nhờ các bài giảng thu hút, tạo ra nhiều giá trị kinh tế hàng năm.

Thậm chí, Choi Chi Yeol còn được ví là "BTS của lĩnh vực giáo dục tư nhân" (một trong những nhóm nhạc biểu tượng cho sự thành công của âm nhạc Hàn Quốc). Để thực hiện video quảng cáo, thầy giáo Choi Chi Yeol còn thực hiện vũ đạo và nhái lại một cảnh đánh nhau trong bộ phim "Kingsman: The Secret Service" (2014). Anh kết thúc bằng câu thoại: "Niềm kiêu hãnh làm nên toán học", dựa trên câu nói nổi tiếng của phim "Nhân cách tạo nên con người". Ngoài ra, trung tâm mà thầy giáo Choi Chi Yeol đầu quân còn có tên là Học viện Kiêu hãnh.

Ở nước này, giáo viên được coi là "diva", thu nhập tiền tỷ không kém nghệ sĩ nổi tiếng - Ảnh 1.

Trong phim, nhân vật Choi Chi Yeol là giáo viên dạy toán hàng đầu tại Hàn Quốc. Ảnh: Allkpop.

Giáo viên "ilta" bỏ túi tiền tỷ, dậy sớm để tân trang trước giờ giảng

Nếu những ngôi sao nổi tiếng có ê-kíp riêng (quản lý, thợ trang điểm và tạo mẫu) thì thầy giáo Choi Chi Yeol cũng thuê nhóm trợ giảng riêng, hoạt động như công ty con hoặc nhóm chuyên gia tư vấn, thực hiện các công việc, từ phân tích và soạn đề thi đến xử lý quảng cáo.

Rõ ràng, phim "Khoá học yêu cấp tốc" là hư cấu, song được xây dựng với chất liệu thực tế.

Xứ sở Kim chi nổi tiếng với những cuộc đua khốc liệt để vào các trường học ưu tú. Điều này đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim truyền hình. Trong đó, giáo viên là ngôi sao chính và một số người còn được gọi là "ilta", với "il" trong tiếng Hàn có nghĩa là số 1 còn "ta" là ngôi sao.

Giáo viên "ilta" không chỉ tích luỹ được khối tài sản khổng lồ, mà còn cả danh tiếng và sự hâm mộ. Bởi họ đã góp phần thúc đẩy học sinh học hành chăm chỉ, hiểu rõ vấn đề và làm bài thi tốt hơn. Ví dụ có thể kể đến giáo viên Lee Ji Young nổi tiếng với những bài nói chuyện động viên về sự tích cực, gan góc và cách trưởng thành từ nghèo khó. Cô cũng học hành chăm chỉ để thành công và có vô số người hâm mộ nói rằng họ đã khóc hay vượt qua những năm tháng khó khăn nhờ Lee Ji Young.

"Cuối tuần là tôi bận rộn nhất và có 3,5 triệu học sinh. Tôi từng giảng bài ngay cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán", cô chia sẻ trong cuộc phỏng vấn gần đây.

Ở nước này, giáo viên được coi là "diva", thu nhập tiền tỷ không kém nghệ sĩ nổi tiếng - Ảnh 2.

Giáo viên Lee Ji Young từng thu hút quan tâm vì ngoại hình giống với ca sĩ Sana (TWICE), được nhiều học sinh yêu mến nhờ kỹ năng giảng dạy ấn tượng. Ảnh: Koreaboo.

Vào năm 2020, cô tiết lộ rằng số dư tài khoản ngân hàng là khoảng 13 tỷ won (hơn 240 tỷ đồng theo quy đổi hiện nay), sau khi chia sẻ về thu nhập hàng năm hơn 10 tỷ won (gần 185 tỷ đồng) chỉ tính riêng tiền lương. Cô cũng sở hữu nhiều siêu xe, đồng hồ và trang sức xa xỉ. Các clip từ bài giảng trực tuyến trước đây của cô thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube.

Trong lĩnh vực âm nhạc, từ "diva" đại diện cho nữ danh ca vĩ đại và có tài năng xuất chúng còn ở lĩnh vực tài chính, "kỳ lân" dùng để chỉ những công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỉ USD. Vì vậy ở Hàn Quốc, giáo viên cũng được ví như những "kỳ lân" nhưng là trong lĩnh vực giáo dục.

Giáo viên ở Hàn Quốc không chỉ là người giảng dạy kiến thức. Họ còn là những bậc thầy trong việc giúp học sinh giữ tinh thần tỉnh táo, bằng cách thực hiện vũ đạo hay thậm chí hoá trang thành nhân vật đặc biệt. 

Trong một số trường hợp, giáo viên còn nổi tiếng nhờ ngoại hình nổi bật không thua kém các thần tượng K-pop. Ví dụ, cô giáo Lee Ji Young từng chia sẻ rằng cô thức dậy lúc 4h30 và dành một giờ để làm tóc cũng như trang điểm, trước khi giảng bài liên tục trong 13 tiếng. Phong cách thời trang của giáo viên cũng có thể là yếu tố giúp cho bài giảng trở nên thú vị hơn.

"Diva" của ngành giáo dục tư nhân

Thực tế, "ánh hào quang sân khấu" này đã rọi vào những giáo viên của Hàn Quốc từ lâu. Quay trở về thập niên 1990, trường luyện thi nổi tiếng có tên Hongik Hagwon ở quận Gangnam (thủ đô Seoul) có hiệu trưởng Kim Sam Ryong vừa mang tiếng xấu vừa bị "săn đón" vì đánh học sinh - hình thức kỷ luật từng được chấp nhận ở Hàn Quốc.

Trong giờ học, Kim Sam Ryong viết lên bảng 5 bài toán từ các kỳ thi trước của các trường trung học đối thủ ở Gangnam, gọi một vài người trong căn phòng chứa 100 học sinh lên giải. Ai không tuân thủ sẽ bị dùng gậy gỗ đánh vào mông trước lớp. Ông còn ném phấn lên bảng để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề, nhổ nước bọt lên đó rồi xoa đầu.

Dẫu vậy, các lớp học của Kim Sam Ryong luôn chật kín người, nhờ có tin đồn ông từng giúp một số học sinh kém đỗ vào Đại học Quốc gia Seoul.

Ở nước này, giáo viên được coi là "diva", thu nhập tiền tỷ không kém nghệ sĩ nổi tiếng - Ảnh 3.

Thư viện Đại học Quốc gia Seoul. Ảnh: SNUL Research Guides.

Người Hàn Quốc ráo riết theo đuổi giáo viên "ilta" từ thập niên 1960, khi có một kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở. Cuối những năm 1960 đến thập niên 1970, gia sư riêng đã trở thành "làn sóng". Những câu chuyện về các bà mẹ bán nhẫn vàng để lấy tiền thuê gia sư cho con hay săn những bộ tài liệu hiếm đã trở thành vấn đề phổ biến.

Sau khi các hoạt động dạy thêm ngoài trường bị cấm vào năm 1980, cơn sốt giáo dục tư nhân lắng xuống trong vài năm. Nhưng đến khi việc dạy thêm trở nên hợp pháp, làn sóng này một lần nữa trỗi dậy.

Các gia sư được ví như "nhíp" vì tài "nhổ" ra những câu hỏi có thể xuất hiện trong bài kiểm tra và họ phát triển mạnh trong giai đoạn năm 1970-1980. Nhiều người không quản sáng sớm mà đến xếp hàng để giữ chỗ trong lớp của giáo viên nổi tiếng. Giáo sư Huh Yeol của Đại học bang Kennesaw (Mỹ) cho biết nhu cầu học luôn có nhưng không phải ai cũng có chỗ vì tình hình tài chính hoặc lý do địa lý.

Rồi Internet và các khoá học trực tuyến xuất hiện ở thập niên 2000 đã loại bỏ các rào cản. Đồng thời đáp ứng nhu cầu tiềm năng cao, dẫn đến sự phát triển bùng nổ của thị trường bài giảng trực tuyến. Giáo sư nói thêm các khoá học trực tuyến cũng đem đến lợi ích cho giáo viên, những người không bị ràng buộc về thể chất và thời gian, có thể đạt được quy mô kinh tế.