Nhiều người vì mua nhà ở tòa CT1-104 thuộc dự án khu đô thị Văn Khê mở rộng (Usilk City, Hà Đông, Hà Nội) do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư mà lâm vào cảnh bần hàn, nợ nần chồng chất, gia đình mâu thuẫn, chia ly.
Có người mua đã tin tưởng chủ đầu tư nên dồn toàn bộ vốn liếng tích lũy được sau mấy chục năm đi làm lên tới chục tỷ đồng để mua 2 căn hộ của dự án. Tiền đã nộp đầy đủ theo hợp đồng từ năm 2010 mà đến nay đã gần chục năm chưa thấy nhà đâu.
Thậm chí, có trường hợp khách mua nhà hàng chục năm vẫn chưa được ở đến nỗi người vợ đã mất, còn chồng con thì vẫn phải đi thuê nhà, cuộc sống rất khó khăn. Cứ nhìn dự án “đắp chiếu” không hẹn ngày hoàn thành khiến người mua nhà thấy khiếp sợ khi “mua nhà trên giấy”, mua nhà ở những dự án hình thành trong tương lai.
Cũng giống như những người mua nhà tại Usilk City, anh Trần Văn Tuấn quê ở Nam Định vẫn bị ám ảnh và tự hứa không lặp lại lần hai bởi anh cũng đã bỏ hơn 400 triệu đồng để góp vốn được quyền mua căn hộ tại dự án Khu nhà ở để bán cho cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 12 (dự án Khu nhà ở Binh đoàn 12) tại xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thông qua Công ty CP Đầu tư bất động sản Thuận Thành từ năm 2010.
“Khi ấy, vợ tôi bây giờ mới chỉ là người yêu, tôi đã không dám để cô ấy biết câu chuyện tôi bỏ hơn 400 triệu đồng đi góp vốn để được quyền mua nhà vì sợ cô ấy lo lắng. Đến nay, chúng tôi đã sống với nhau cả chục năm mà khu đất ấy vẫn quây tôn, bỏ hoang… còn công ty tôi nộp tiền giờ cũng không biết tìm người đại diện pháp luật ở đâu để đòi tiền hay đòi quyền mua nhà”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cho hay, chính từ sự va vấp “mua nhà trên giấy” không thành đó, anh đã thực sự khiếp sợ. Vì thế, khi mua căn hộ chung cư mà vợ chồng đang sinh sống hiện giờ anh Tuấn đã chờ dự án bàn giao nhà mới mua lại của những người đầu tư, chịu đắt thêm một chút để đảm bảo an toàn.
Tương tự, tại dự án Tincom Pháp Vân (Thanh Trì, Hà Nội) sau khi đắp chiếu vài năm thì đổi tên dự án thành “Dragon Riverside Pháp Vân” quảng bá rầm rầm khắp nơi thu hút nhiều người mua nhà, tuy nhiên hiện dự án dù đã xây thô xong 25 tầng nhưng vẫn tiếp tục “đắp chiếu” không hẹn ngày hoàn thành.
Hay tại dự án chung cư Hattoco (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) người mua nhà cũng liên tục căng băng rôn đòi nhà nhưng cả chục năm nay vẫn vô vọng.
Còn rất nhiều dự án khác nữa khiến nhiều người mua nhà không cầm được sự uất ức khi lòng tin của họ đã từng bị chủ đầu tư lợi dụng, hứa hẹn hết lần này đến lần khác.
Người mua phải làm gì để giảm thiểu rủi ro khi mua nhà hình thành trong tương lai?
Trao đổi với PV, luật sư Trương Thanh Đức cho hay, các dự án hình thành trong tương lai chưa nhận được nhà là các dự án từ trước kia. Còn từ năm 2015 đã có quy định các dự án nhà ở hình thành trong tương lai khi mua, thuê phải có bảo lãnh từ phía ngân hàng. Quy định này đã cơ bản giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà. Vì thế, nếu không có nhà thì người mua cứ tìm ngân hàng mà đòi quyền lợi.
“Dự án nào bán mà không có bảo lãnh ngân hàng, lừa đảo thì phải bắt, truy tố hình sự ngay lập tức ví dụ như dự án Usilk City, chủ đầu tư bao năm nay nhận hết tiền của dân mà không làm dự án thì phải xử lý ngay”, ông Đức nói.
Chính vì thế, theo luật sư Trương Thanh Đức, vấn đề chính khi mua nhà hình thành trong tương lai là phải “túm” lấy ngân hàng, tức là người mua cần chú ý đến vấn đề dự án được bảo lãnh của ngân hàng hay chưa để tránh những rủi ro đáng tiếc sau này.
Bởi theo ông, khi thực hiện giao dịch ở các dự án chưa được ngân hàng bảo lãnh, người mua nhà sẽ gặp nhiều bất lợi. Những hợp đồng khi chưa đủ điều kiện tiến hành giao dịch thì sau này sẽ là hợp đồng vô hiệu. Khi chủ đầu tư không thể hoàn thiện được dự án thì người mua nhà sẽ rất khó đòi lại tiền.