Trên ép dưới thù

Quỳnh mới lên chức trưởng phòng Khách hàng Cá nhân của ngân hàng X. Được mấy tuần, chưa kịp hưởng thụ niềm vui lên chức, cô đã chán nản, chỉ muốn trở lại làm thứ dân như ngày xưa. Cái kiểu làm sếp “lưng chừng”, sếp của vài người nhưng lại chịu lệnh của vài sếp to hơn thật khổ vô cùng.

Ngày xưa, khi còn là thường dân, Quỳnh chơi khá thân với các thành viên khác trong phòng. Khi cô được lên chức, ai cũng ủng hộ và tỏ ra rất quý sếp mới. Quỳnh cũng vui, cứ tưởng sự hòa hợp sẽ giúp mọi người ăn rơ với nhau hơn trong công việc và cô sẽ dễ dàng nâng cao thành tích của cả phòng. Nào ngờ, sự hòa hợp, thân tình lại khiến công việc ngày càng đi xuống.

Lợi dụng sự thân thiết với Quỳnh, các thành viên trong phòng trở nên chày bửa. Hơi tý là xin phép có việc bận, xin đến muộn, xin hoãn lại công việc đến hôm sau, xin Quỳnh nể mặt mà linh động. Làm việc không đạt chỉ tiêu, mọi người cũng năn nỉ ỉ ôi Quỳnh, nhờ cô giúp giấu giếm sếp to, cuối tháng xếp hạng vẫn cố nài nỉ cho được mức A. Thi thoảng có người còn làm sai, làm ẩu, cô nhắc nhở lại năn nỉ “Em sửa luôn giúp chị với”.

Nỗi khổ của người làm sếp 1
Từ ngày lên sếp, Quỳnh bị đồng nghiệp tẩy chay, ghét bỏ, nói xấu liên tục - (Ảnh minh họa).

Ban đầu, nể tình mọi người, Quỳnh làm thay họ hết việc này tới việc khác. Được một, hai tuần, các thành viên trong phòng được nước lấn tới, ỷ lại, lười nhác. Quỳnh nhận ra chính sách “trọng tình” của mình sai lầm và quyết định thẳng căng, cứ theo lý mà làm.

Và thế là cả phòng quay sang ghét, tẩy chay, nói xấu Quỳnh. Mọi người xì xào cô mới được thăng chức mà đã dám lên mặt, tinh vi, lên tí chức sếp con con mà đã quên hết tình nghĩa khi xưa, cho rằng nếu không có sự ủng hộ của họ thì Quỳnh cũng chẳng đến được ngày hôm nay. Một số người còn hùa nhau không chịu làm việc, chống đối Quỳnh và tuyên bố “Không đạt chỉ tiêu trưởng phòng bị phạt trước tiên. Để xem nó ra oai với mình được bao lâu.”

Không những khổ vì cấp dưới, Quỳnh còn đau đầu vì cấp trên. Ngày ngày, các sếp to đưa xuống những chỉ tiêu, những mệnh lệnh trên trời bắt Quỳnh phải thực hiện. Các sếp chẳng cần biết tình hình khó làm ăn thế nào, chỉ biết Quỳnh phải tìm mọi cách hoàn thành việc được giao.

Không hoàn thành chỉ tiêu, Quỳnh bị mắng, bị phạt. Có một lần do nương tay với cấp dưới, xảy ra sat sót, Quỳnh bị phạt trừ 30% lương, thành ra thu nhập của Quỳnh còn thấp hơn lúc chưa làm sếp.

Trên ép, dưới thù, lúc nào Quỳnh cũng thấy đầu óc căng như dây đàn. Cô thấy mệt mỏi và hối hận vì đã “lên sếp”.

Tình ngay lý gian

Hoàng Tùng làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty phần mềm. Vì vậy, anh phải có mối quan hệ rộng, hay phải tiếp khách, đi giao lưu bên ngoài. Khổ cái vợ Tùng lại hay ghen, đôi khi xảy ra những tình huống tình ngay lý gian làm anh chàng không biết giải quyết thế nào.

Có những khách hàng chỉ thích giải quyết công việc ở bàn nhậu, ở quán massage, quán karaoke. Mà đến đó chẳng lẽ để khách vào, còn mình đứng ngoài làm “thanh niên nghiêm túc”, Tùng cũng phải theo vào. Tuy nhiên, anh cực kỳ biết chừng biết mực, chẳng hạn nếu đi massage thì chỉ massage thôi chứ không “tới Z” như nhiều người.

Vợ Tùng lại là người không biết thông cảm cho công việc của chồng. Dù mỗi lần đi tiếp khách Tùng giấu rất kỹ, nhưng chẳng hiểu sao chị nhà vẫn phát hiện ra chồng đi massage, đi karaoke và đến làm tanh bành. Đã có mấy phi vụ làm ăn của Tùng bị đổ bể vì khách hàng bị mất hứng khi vợ anh đến làm loạn cuộc vui của họ.

Oái oăm nhất là lần Tùng bị một bà khách tuổi sồn sồn tán tỉnh. Bà khách đặt công ty anh một dự án rất lớn, là khách VIP nên Tùng không dám làm phật ý. Mỗi lần bà ta nhắn tin ỡm ờ, Tùng cũng phải ỡm ờ lại. Tuy nhiên, tuyệt đối không có chuyện anh phản bội lại vợ để cặp với "máy bay bà già".

Nỗi khổ của người làm sếp 2
Vợ Tùng đến làm loạn mấy lần khiến phi vụ làm ăn của Tùng bị đổ bể - (Ảnh minh họa).

Thấy chồng cứ tíu tít tin nhắn, điện thoại, vợ Tùng sinh nghi. Chị tìm cách bẻ mật mã điện thoại của chồng và xem được hết những cuộc hội thoại đáng ngờ của anh và bà khách nọ. Vốn nóng tính, lại có máu Hoạn Thư cao, vợ Tùng ngay lập tức điện thoại cho bà khách, chửi rủa người ta là “loại cướp chồng”.

Bà khách tức điên ruột, gọi thẳng cho Tổng giám đốc phàn nàn và đòi hủy hợp đồng. Khỏi phải nói sếp Tổng tức giận đến mức nào.

Thực chất, bà khách kia chỉ nhắn tin tâm sự, chưa có câu nào nói rằng muốn cặp kè với Tùng nên vợ anh cũng không có cơ sở để chửi rủa bà ấy như thế. Còn về phía vợ, những tin nhắn ỡm ờ ấy của Tùng và bà khách cũng thuộc diện đáng nghi, không dưng đi trò chuyện từ sáng tới tối với một người đàn bà khác, chị nhà giận cũng đúng.

Sếp Tổng bắt Tùng phải đưa vợ tới xin lỗi khách hàng ngay lập tức. Vợ Tùng thì đùng đùng bỏ về nhà mẹ đẻ và đòi Tùng phải đưa “con bồ” đến để ba mặt một lời. Mọi tội vạ đều đổ hết lên đầu anh chàng. Tình ngay lý gian, Tùng cũng chẳng biết phải làm thế nào. Nguy cơ anh chàng bị vợ bỏ rơi cả tháng trời và bị sếp phạt vì làm vỡ hợp đồng là rất lớn.

Còn nhiều lắm những nỗi khổ không tên của người làm sếp. Cứ ngỡ làm sếp là oách, là sướng nhưng thực ra còn khổ nhục hơn làm thứ dân rất nhiều.