Sinh được 3 đứa con thì 2 trong số đó là người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Tình yêu thương của người mẹ đã giúp chị Cao Thị Minh Nguyệt (TP Nha Trang, Khánh Hòa) thấu hiểu và chấp nhận những đứa con.

Cha mẹ nào cũng hy sinh, yêu thương con cái, nhưng qua câu chuyện của chị mới thấy với cha mẹ của những người thuộc cộng đồng LGBT thì tình yêu, sự hy sinh ấy dường như phải lớn hơn rất nhiều.

Chị Nguyệt vẫn nói vui rằng gia đình chị là độc nhất ở Việt Nam, vì có đến 4 giới tính cùng chung sống trong một mái nhà. Một người con của chị là chuyển giới từ nữ sang nam (trong bài viết xin gọi là con gái), “con dâu” tức người bạn đời của con gái chị là đồng tính nữ, còn con trai út là đồng tính nam.

Chị kể rằng ngay từ khi người con gái tên Vy hình thành tính cách, chị đã lờ mờ nhận ra sự khác biệt của cô bé. Khác với những đứa trẻ gái khác thích chơi búp bê hay đồ hàng, con gái chị lại thích những trò chơi nam tính như chạy nhảy, đá bóng, bắn bi… Lúc đầu, chị nghĩ có lẽ đó chỉ là sự hiếu động, mạnh mẽ hơn những đứa trẻ khác nên không mấy lo lắng.

Hai lần đau vì con bị kỳ thị.

Nhưng càng về sau, những cá tính khác bạn bè này càng bộc lộ rõ rệt hơn, đặc biệt bắt đầu từ khi bước vào cấp 2. Cô bé thích cắt tóc ngắn, thích mặc đồ con trai, không bao giờ chịu mặc áo dài, kể cả khi nhà trường bắt buộc học sinh nữ phải mặc đồng phục áo dài. Đến năm con học cấp 3 thì từ ngờ vực, chị bắt đầu chắc chắn về giới tính của con.

Chị kể: “Vấn đề đi học của con trở nên vô cùng khó khăn khi ở trường nó luôn luôn bị trêu chọc, kỳ thị, thậm chí bị bạn bè đánh. Thầy cô giáo cũng nhiều lần gọi điện về cho tôi, yêu cầu tôi giáo dục, uốn nắn con, nhưng tôi biết uốn sao được. Mỗi lần tôi đề nghị nó hay là thử nữ tính một chút, nó bảo: 'Ở đây ai cũng biết con vậy, hay là mẹ chuyển nhà, chuyển trường cho con đi'. Thương con, tôi phải chuyển cho nó không biết bao nhiêu trường và phải gửi con lên tận Đà Lạt học, ở đó đồng phục là áo khoác thay vì áo dài thì con tôi mới học được. Tôi bán đến 15 cái nhà, chỉ vì sợ ở đó con mình bị kỳ thị. Người ta còn tưởng tôi buôn bất động sản, nhưng nào phải vậy”.

Không giống như những gia đình có con LGBT khác, chị Nguyệt không quá sốc khi biết về giới tính của con, bởi quá trình từ quan sát, nghi ngờ và phát hiện điều này khá dài, suốt thời niên thiếu của con, vì vậy chị đã chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng chấp nhận sự thật. Dù vậy, trong thâm tâm chị vẫn muốn “uốn nắn” con trở về đúng với cái gọi là “chuẩn mực của xã hội”.

Nhưng đó chưa phải đỉnh điểm của bi kịch. Có lẽ quãng thời gian đau khổ nhất của mẹ con chị Nguyệt là khi đứa con gái bắt đầu đến tuổi yêu đương, khi đó mẹ con chị phải đối mặt với không biết bao nhiêu chuyện. Lần đầu tiên con gái chị dẫn về một cô gái và nói là người yêu. Chị không phản đối, thậm chí còn thấy mừng cho con và mong rằng chuyện tình cảm sẽ bù đắp được những thiệt thòi của nó.

Nhưng mối tình này cũng nhanh chóng kết thúc trong nước mắt vì sự phản đối của người lớn. Được ít ngày sau thì gia đình cô gái kia xuống, xông vào nhà chị đập phá đồ đạc, chửi rủa thậm tệ rằng con chị bị bệnh, giao du với con gái nhà họ khiến nó trở nên hư hỏng.

“Con tôi không dám ra ngoài, nó ở trên phòng đóng chốt cửa, tắt đèn và nằm khóc. Sau hôm đó, cô bé kia không qua nhà tôi nữa, còn con tôi thì cứ thu mình trên phòng khóc thút thít, ở dưới bếp tôi cũng trào nước mắt mà không biết an ủi con thế nào. Thương con, tôi lại nhắn tin xin bạn gái nó xuống gặp con tôi một lần, nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu", người mẹ kể.

Mất vài năm đau khổ như vậy, rồi con chị cũng tìm được tình yêu thứ hai. Nhưng rồi bố mẹ cô gái kia cũng phát hiện và họ gọi điện chửi bới chị, rằng con chị bị bệnh lây sang con gái họ. Là người mẹ, chị cố gắng giải thích nhưng họ không hiểu. Họ làm đủ mọi cách, từ bắt con gái họ yêu đương một người đàn ông khác, rồi bỏ hàng chục triệu đồng mua “bùa ngải” đốt và bắt con uống, mua nước đái khỉ ném vào con chị với mong muốn giải được bùa.

Không cản được mối quan hệ của hai đứa trẻ, cuối cùng họ tìm cách bắt con gái chị về đánh đập trước mặt con gái họ, họ kéo con bé lên xe dọa mang đến đèo Rù Rì thả xuống. May mắn con chị đã trốn thoát và trở về nhà.

Muối mặt đi “hỏi vợ” cho con.

Hai cuộc tình của con đều kết thúc trong đau khổ, chị Nguyệt thương con mà không biết làm thế nào. Sau này, chị nghe nói hai cô gái từng qua lại với con gái chị đều bị ép lấy chồng, có con và cũng trùng hợp là nhanh chóng bỏ chồng. Điều này luôn khiến chị đặt câu hỏi, liệu đó có phải đây là điều các bậc cha mẹ muốn cho con mình hay không?

Rồi mọi chuyện nguôi ngoai, con gái chị lại bước vào mối tình thứ ba, đó là cô gái tên Hà, hiện là “con dâu” của chị. Chị kể rằng, lúc này chị vẫn luôn động viên con nhưng trong lòng cũng luôn canh cánh một tương lai gần, rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ kết thúc giống như hai cuộc tình trước đó của nó. Suy nghĩ mãi, rồi chị quyết định lần này sẽ phải chủ động “nhảy” vào cuộc, “sống chết” một phen những mong thay đổi kịch bản cũ.

Thế là chị bắt xe về nhà cha mẹ Hà, ngồi trên xe mà bao nhiêu hình ảnh, kịch bản hiện lên trong đầu chị, nào là cha mẹ cô gái sẽ nổi điên lên, sẽ chửi mắng, thậm chí xông vào đánh đập chị… “Gia đình Hà đều làm nông, cha mẹ gần như không được tiếp xúc gì với những thông tin hiện đại nên tôi càng lo hơn. Ấy vậy mà gia đình họ lại hoàn toàn khác so với những gì tôi nghĩ, dù hoàn cảnh già yếu, khó khăn nhưng vẫn ra đón tiếp tôi hết sức vui vẻ. Khi tôi đề cập vấn đề chính, gia đình Hà rất cởi mở, họ nói miễn là con gái họ thấy hạnh phúc, sống vui là họ vui rồi. Sau đó hai gia đình chúng tôi đã làm vài mâm cơm, gọi là chứng giám cho hai đứa thành vợ chồng”, chị Nguyệt nhớ lại.

Hiện nay, gia đình “4 giới tính” của chị Nguyệt đang sống bên nhau rất hạnh phúc và bình yên, họ mở một quán cà phê nhỏ rất đông khách. Chị Nguyệt bảo chị rất tự hào về 3 người con LGBT của mình, nếu có ai hỏi về Hà, chị luôn tự hào trả lời: “Vâng, đó là con dâu tôi đấy”.

Từ trường hợp của gia đình mình, chị cho rằng đối với những bậc cha mẹ có con LGBT khác và cả xã hội nói chung, mọi thứ sẽ thật đơn giản nhẹ nhàng nếu mọi người bỏ đi những định kiến, những chuẩn mực về giới tính và xu hướng tính dục.

Và với quan điểm đó, chị đã quyết định tham gia Hội phụ huynh, người thân của cộng đồng LGBT (PFLAG) để đấu tranh cho quyền bình đẳng của những người cộng đồng này. “Từ chính câu chuyện của mình, tôi luôn liên tưởng đến những đứa trẻ LGBT khác, không biết bao nhiêu đứa trẻ đã bị đẩy ra đường chỉ vì bị kỳ thị, vì cha mẹ không chấp nhận giới tính của chúng. Tất cả họ đều là những người bình thường, tôi muốn tất cả những người LGBT được bình đẳng, được tôn trọng, được ngẩng cao đầu khi đi ra ngoài đường”.

Chị cũng mong muốn Việt Nam sớm chấp nhận kết hôn đồng giới, để những cặp đôi LGBT có thể được pháp luật bảo vệ. “Như trường hợp con dâu tôi, nó về ở với gia đình tôi đã 6 năm, cùng lao động, đóng góp cho kinh tế gia đình. Nếu chẳng may hai đứa nó có vấn đề gì, thì về luật pháp nó sẽ phải ra đi với hai bàn tay trắng, không có pháp luật bảo vệ. Tôi vẫn nói đùa là rất mong pháp luật công nhận hôn nhân đồng giới, để nếu có rơi vào hoàn cảnh như vậy thì chúng nó còn có cái mà… kiện nhau”, chị Nguyệt cười vui vẻ.