Tính đến sáng 7/5, Việt Nam đã trải qua 21 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Các biện pháp cách ly, giãn cách phòng chống dịch cũng dần được nới lỏng. Khi mọi người đã dần trở lại cuộc sống thường nhật, hàng quán, đường sá dần đông đúc trở lại thì những người làm nhiệm vụ trong khu cách ly vẫn chưa được ra ngoài.
Đó không chỉ là các y, bác sĩ mà còn là những nhân viên lao công trực tiếp lo việc dọn dẹp, mang đồ ăn thức uống đến cho người đang cách ly.
Khu cách ly Trung tâm quận 2 (phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM) được đưa vào hoạt động từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát.
Có thời điểm nơi đây phải cách ly hơn 50 trường hợp. Trong đó có những trường hợp là F1, F2 của các bệnh nhân nằm trong "chuỗi lây nhiễm" bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2). Nguy cơ lây nhiễm là điều mà ai khi vào đây thực hiện nhiệm vụ cũng xác định rõ.
Cô Nguyễn Thị Kim Yến (51 tuổi, quê Bến Tre) làm lao công tại Bệnh viện (BV) quận 2 hơn 20 năm qua là một trong những người "trực chiến" tại khu cách ly đầu tiên.
Cô chia sẻ, tổng cộng mỗi tua trực vệ sinh bao gồm 4 hộ lý và 2 nhân viên công ích. Họ phải ở bên trong suốt 1 tháng mới được xoay tua 1 lần.
Mỗi ngày, từ những công việc như giặt đồ, phát đồ cho người cách ly, trải drap giường bệnh, chà dép chuyên dụng , lau hành lang, cửa kính… đều có in dấu bàn tay cô cùng những đồng nghiệp khác.
"Mình phải phục vụ mọi thứ bệnh nhân cần, phải dậy sớm làm từ sáng tới tối để lo cho bệnh nhân. Ở khu cách ly chúng tôi không tự nấu ăn. Mỗi ngày sẽ có cơm phần được đặt bên ngoài đem vào. Ở đây đầy đủ hết không thiếu thốn gì, chỉ có điều không được về nhà" – cô Yến nói.
Những lúc nhớ gia đình và buồn chán, cô Yến thư giãn bằng cách sáng sớm đi tập thể dục cho thư thái, trưa lên tranh thủ ngủ trưa, ăn uống với mọi người.
Hỏi có sợ bị lây bệnh không, người phụ nữ thật thà đáp: "Nói không sợ là không đúng, cũng rất lo lắng nhưng vì cộng đồng, vì người dân, phải làm. Mình kỹ một chút là được… Lúc làm việc, thùng rác sẽ để bên ngoài phòng bệnh, không vô trong để hạn chế tiếp xúc bệnh nhân nhiều".
Giữa trưa nóng oi bức, chị Thạch Thị Tiên (30 tuổi, quê Trà Vinh) bật dậy lấy hộp cơm lúc sáng chưa kịp ăn vì mệt ra, nuốt vội, sau khi tranh thủ ngả lưng một chút.
Nhiệt độ tăng cao rất khó chịu, khu cách ly cũng không được phép gắn máy lạnh nhưng chị và mọi người biết điều đó là tốt cho bản thân và cộng đồng, khi Covid-19 vẫn chưa qua.
Hồi chưa có dịch, chị Tiên mướn nhà trọ ở phường Bình Trưng Tây (quận 2) ở với em gái và các con. Giờ thì các con chị đã đem gửi về quê cho ông bà chăm sóc.
Hỏi chồng đâu, người phụ nữ cười buồn trả lời:
"Vợ chồng mình đã thôi nhau 11 năm. Con trai mình đã 13 tuổi rồi, tối nào cũng gọi nhắc mẹ cố gắng ăn uống đầy đủ, mẹ đi trực khu cách ly đừng có buồn nha. Hai mẹ con cứ động viên nhau như vậy đó. Bây giờ lúc rảnh mấy cô cháu làm việc xong thường nói chuyện, kể cho nhau nghe việc gia đình. Chứ mình nhớ nhà lắm".
Cũng như cô Yến, chị Tiên lúc mới vào khu cách ly cũng sợ, cũng hoang mang lắm. Ban đầu nghĩ vì cộng đồng nên phải làm, sau thấy được chuẩn bị đầy đủ từ đồ bảo hộ đến ăn uống nên dần yên tâm hơn.
"Không biết dịch còn đến khi nào, chỉ mong hết càng sớm càng tốt để mình được về với con" – chị Tiên tâm sự.
Những ngày qua, đã có lúc các y bác sĩ, nhân viên làm việc tại Khu cách ly Trung tâm quận 2 thở phào khi người cách ly đã hết thời hạn theo dõi, ra về với sức khỏe ổn định.
Nhưng niềm vui đến chưa được bao lâu thì nỗi lo lại ập đến, khi liên tục những ca Covid-19 tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh xuất hiện.
Bác sĩ Trương Thanh Trung, Trưởng phòng y tế Quận 2, TP.HCM cho biết, hiện nơi đây đang tiếp nhận theo dõi cho 5 trường hợp gồm: nam bệnh nhân người Canada (BN 120 ra viện ngày 07/4), nữ công dân người Anh (BN 236 ra viện ngày 20/4), 1 trường hợp là F1 của BN 157.
Gần nhất là vào ngày 5/5 khi 2 người đến ăn cơm chung với gia đình cháu bé 10 tuổi (BN 204) tái dương tính với Covid-19 được đưa vào cách ly, theo dõi.
Cuộc chiến với Covid-19 vẫn chưa đến hồi kết. Nhân viên y tế và các nhân viên lao công, những người làm việc trong khu cách ly đang mong chờ từng ngày mình cũng sẽ được ra ngoài, trở về với gia đình. Để thực hiện được điều này, cần có sự chung tay của toàn xã hội trong ý thức phòng chống dịch.