Hai năm rồi, khoảng thời gian tưởng không lâu nhưng lại quá dài với bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (ngụ tỉnh Đồng Nai). Kể từ lúc mẹ con bà quyết định ký vào lá đơn hiến tạng người chồng đã mất, nhiều mạng người được cứu sống. Nhưng bi kịch đã giáng xuống đầu người đàn bà tội nghiệp.
Đại diện BV Chợ Rẫy xúc động ôm bà Nguyễn Thị Ngọc Yến.
Nỗi oan bán tạng chồng kiếm tiền
Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thắp vội nén nhang lên bàn thờ ông Kim Hòa Na rồi trao lá thư chúc Tết cho vợ ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến. Lướt qua những dòng chữ nhỏ, người đàn bà nghẹn ngào. Thấm thoắt mà đã 2 cái Tết trôi qua, kể từ ngày chồng bà không còn trên dương thế.
Hai năm trước, chồng bà Yến qua đời.
Một ngày của năm 2016, chồng bà Yến gặp chuyện. Khi đưa đến bệnh viện (BV), ông Na đã chết não. Lúc này, các bác sĩ đến đặt vấn đề hiến ghép tạng người chồng để cứu bệnh nhân thoi thóp nhưng vẫn còn cơ cơ hội sống. Bà Yến đem chuyện này hỏi ý kiến người con trai tên Tiến vừa trở về từ Singapore.
Lá thư cảm ơn dip cận Tết của BV khiến người phụ nữ xúc động.
"Con tôi khuyên đồng ý, nói giờ nhiều người thiếu mấy bộ phận đó mà đem thiêu ba cũng vậy thôi. Mình không có tiền có bạc cứu giúp cho người ta thì mình hiến tạng cho họ đi. Con cũng coi trên mạng rồi, BV họ làm đàng hoàng lắm. Tiến nó nói vậy nghe cũng đúng nên tôi đồng ý ngay. Lúc đó tôi không suy nghĩ gì hết trơn" – bà Yến kể.
Anh Tiến, người con trai luôn đồng hành cùng mẹ trong giai đoạn khó khăn sau khi hiến tạng cha.
Ngày tạng cha được lấy khỏi cơ thể, anh Tiến theo dõi qua màn hình. Biết được giác mạc, thận, tim và phổi của cha giúp người khác hồi sinh, hai mẹ con mãn nguyện vì đã làm được việc tốt.
Nhưng đến lúc nhận xác chồng về làm đám tang, mọi rắc rối mới đến với bà Yến. Nhất là sự nghi kị người vợ bán tạng ông Na từ phía gia đình chồng.
"Miễn mình không làm gì trái lương tâm"
Bà Yến kể: "Bữa đám ma chồng tôi, người ta thậm chí còn hỏi bán chồng được mấy chục ngàn đô, tim bao nhiêu, thận bao nhiêu? Đám ma xong thì cả xóm loạn luôn, ra ngoài đường cả mấy bà bán vé số cứ nói là tôi bán tạng chồng lấy tiền tỷ. Mấy đứa em chồng cũng bàn, hỏi ai là người xúi tôi làm việc đó. Tôi nghe được thì uất ức, khóc quá chừng chạy về giải thích rõ cho người chị. Sau đó tôi kêu con trai đóng cửa lại hết".
Người đàn bà day dứt khi mang tiếng "bán chồng kiếm tiền".
Quãng thời gian ấy kéo dài hơn 1 năm. Kể cả lúc mang tro cốt ông Na về quê hương chồng, bà cũng bị gia đình chồng dè bỉu, xỉa xói nặng nề. "Tiếng xấu đồn xa", có người còn tiếp tục suy diễn bà bán tạng để trả nợ cho chồng và cả mình.
"Buồn quá tôi hay thắp nhang cho chồng, khấn rằng, em với con quyết định vậy cũng là muốn tốt, cứu được bao nhiêu người bệnh. Mẹ con em được phước mà cũng để đức lại cho anh. Thôi ai nói gì nói, miễn anh biết mẹ con em làm gì là được rồi" – người mẹ tâm sự.
Có lúc quá bức xúc và day dứt, người mẹ còn trách con, bảo sao lúc đó lại khuyên mẹ hiến tạng cha để giờ bị miệng đời nói là làm chồng chết không có mắt. Nhưng anh Tiến bảo: "Ai nói gì thì nói, con hiểu, mẹ cứ lo cho mẹ đi" như sự nâng đỡ tinh thần rất lớn cho người mẹ.
Bà Yến chọn cách đi chùa để tìm sự bình yên.
Sau khi nghiệm ra vấn đề, niềm vui đã trở lại với bà Yến.
"Hồi chưa đi chùa mình chưa hiểu nhưng sau khi vào chùa mình ngộ ra nhiều thứ lắm. Biết chuyện nhà, mấy cô, mấy thầy cứ khuyên thôi việc mình làm mình biết, hãy im lặng vì có phân trần cũng không ai hiểu, càng phân trần người ta càng nghi ngờ. Giờ mình chẳng cần ai hiểu, không có nặng nề vì mình không làm gì sai trái. Miễn mình không làm gì trái với lương tâm thì rất thanh thản" – người vợ nói.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy cho biết, mẹ con bà Yến là một trong những trường hợp lâm vào hoàn cảnh bị hàm oan sau quyết định hiến tạng người thân cứu người.
Bà cũng chọn đi chùa để khuây khòa khoảng thời gian đã qua.
"Có trường hợp lúc đưa thi thể trở về, người thân phản đối không cho làm đám tang vì cơ thể không lành lặn, phải dựng chòi ngoài vườn để lo ma chay. Người thân hiến tạng sau đó cũng không chịu nổi áp lực, phải bỏ xứ đi làm ăn xa" – Tiến sĩ Thu chia sẻ.
Để tránh sự hiểu lầm này, các y bác sĩ thường có mặt ở lễ tang để giải thích cho gia đình biết rằng việc hiến tạng của người thân họ là nghĩa cử cao đẹp, cứu sống được nhiều người chứ không phải bị buôn bán như lời đồn. Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân mà Bộ Y tế trao tặng là minh chứng rõ ràng nhất.
Nơi phương xa, người chồng chắc rất tự hào vì nghĩa cử của mẹ con bà Yến.
Hai năm qua, kỷ niệm chương đó được mẹ con bà Yến đặt trang trọng trên bức tường của căn nhà nhỏ. Khói hương bàn thờ nghi ngút, khuôn mặt trên di ảnh người chồng như nhoẻn miệng cười. Nơi phương xa, ông chắc cũng rất vui lòng trước hành động cao đẹp của vợ con.