Ngoài tứ đại phát minh là giấy viết, la bàn, thuốc súng và kỹ thuật in ấn, lịch sử Trung Quốc còn ghi nhận tứ đại mỹ nhân - 4 người con gái có nhan sắc tuyệt mỹ có khả năng khuynh đảo cả đất nước và thay đổi lịch sử dân tộc, được ví như 4 kỳ quan của tạo hóa. Tứ đại mỹ nhân với vẻ đẹp "chim sa, cá lặn" đó là Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi.
Nhưng câu nói "Đến ngọc còn có tì vết huống chi con người" quả thực không sai. Tuy sở hữu nhan sắc "trầm ngư, lạc nhạn, bế nguyệt, tu hoa" nhưng ít ai biết rằng những mỹ nhân này cũng có những khiếm khuyết mà họ ra sức che giấu.
"Trầm ngư" Tây Thi xấu hổ về đôi chân to
Tây Thi vốn là cô thôn nữ dệt vải ở Trữ La Sơn vào thời Xuân Thu chiến quốc. Tương truyền, mỗi ngày nàng đều đến hồ giặt quần áo. Mặt nước trong vắt soi bóng nàng khiến cho lũ cá say mê ngắm nhìn đến quên cả bơi, từ từ chìm xuống đáy hồ. Từ đó trở đi, nàng được người đời ca tụng có vẻ đẹp "trầm ngư" nghĩa là cá lặn.
Nhưng lại có một truyền thuyết khác nói rằng trong một lần ra hồ giặt giũ, Tây Thi đang lúc vui vẻ đưa chân nghịch nước. Khi nhìn thấy đôi chân to và thô của nàng, lũ cá hoảng sợ lặn mất tăm. Vốn là một cô thôn nữ con nhà lao động nên không thể có được đôi chân nhỏ nhắn, gót sen ba tấc theo cái đẹp chuẩn mực lúc bấy giờ nhưng Tây Thi luôn hiểu rõ và biết cách khắc phục nhược điểm của mình.
Tây Thi đã tự mình làm một đôi guốc gỗ và thường xuyên mặc những chiếc váy dài qua mắt cá chân để khéo léo che đi đôi chân thô kệch. Với đôi guốc và chiếc váy dài, dáng vẻ của Tây Thi thậm chí còn thêm phần uyển chuyển, khiến nam nhân nào nhìn thấy cũng phải say mê.
Câu chuyện về nhan sắc mỹ nhân đứng đầu trong danh sách 4 người phụ nữ đẹp nhất vẫn được nhắc đến nhiều trong các điển tích Trung Hoa.
Vương Chiêu Quân và nỗi niềm về đôi vai lệch
Vương Chiêu Quân là một trong những Tứ đại mỹ nhân được ca ngợi với vẻ đẹp "lạc nhạn" trong câu "trầm ngư lạc nhạn" mà người xưa vẫn nói tới. Người đẹp tên thật là Vương Tường, sống vào thời Tây Hán nổi tiếng đoan trang, có trí tuệ hơn người, đặc biệt là tài năng thiên bẩm với đàn tì bà. Tương truyền, vẻ đẹp kiều diễm cùng tiếng đàn ai oán của nàng khiến đàn chim nhạn bay qua cũng cảm thấy thương tâm mà sa xuống đất. "Lạc nhạn" trong câu "Trầm ngư lạc nhạn" được cho là từ đó mà ra.
Thế nhưng, lại có điển tích nói rằng đàn chim nhạn nhầm tưởng đám lông vũ trên áo choàng của Chiêu Quân là cỏ nên mới lao xuống chứ chẳng phải do tài năng hay do sắc đẹp của nàng.
Mặc dù sở hữu dung mạo xuất sắc hơn người nhưng chính bản thân Vương Chiêu Quân cũng nhiều lần tự ti về một khiếm khuyết mà ít người biết đến. Đó chính là đôi vai lệch, mặc đồ gì cũng khó. Nhưng vốn tư chất thông minh nên nàng đã nghĩ ra cách làm miếng độn vai để trông hai bên nhìn có vẻ cân bằng. Thêm vào đó, người đẹp còn thường xuyên khoác áo choàng có phần lông gắn lệch một bên để đánh lạc hướng người nhìn khiến cho không ai nhận ra khuyết điểm của nàng hết.
Điêu Thuyền buồn vì không có đôi tai to quý tướng
Theo tiểu thuyết Tam Quốc, sau loạn Đông Trác, cả gia đình Điêu Thuyền trở nên tan tác. Nàng được quan Tư đồ Vương Doãn nhận về làm con nuôi. Sắc đẹp của Điêu Thuyền được sử dụng làm "vũ khí" để tiêu diệt tên xấu xa Đổng Trác.
Điêu Thuyền vốn có sở thích ngắm trăng nhưng vẻ đẹp của nàng khiến mặt trăng cũng phải hổ thẹn và ẩn mình vào những đám mây mỗi khi nàng xuất hiện. Đó chính là lý do tại sao nàng được mệnh danh là mỹ nhân bế nguyệt.
Theo quan niệm của người xưa, người nào có tai to mới là có quý tướng, có phúc nhưng tai Điêu Thuyền lại khá nhỏ. Để che đi khuyết điểm của mình, Điêu Thuyền đã sáng tạo ra những đôi khuyên tai được thiết kế cầu kì, đẹp mắt để mọi sự chú ý đều tập trung vào đó. Trong số trang sức của nàng, đôi bông tai chuỗi ngọc được coi là tuyệt phẩm bởi dưới ánh trăng, nó phát ra ánh sáng lấp lánh làm cho vẻ đẹp của Điêu Thuyền càng thêm phần kiều diễm.
Dương Quý Phi ngại ngùng vì mùi cơ thể
Dương Quý Phi, tên thật là Dương Ngọc Hoàn, vốn là con dâu của vua Đường Minh hoàng nhưng do vua quá say mê sắc đẹp của nàng nên đã dùng không biết bao nhiêu tâm kể để biến nàng thành quý phi của riêng mình.
Dương Quý Phi vốn rất thích đi dạo ở ngự hoa viên nhưng mỗi lần nàng đi qua các đóa hoa đều phải cúi đầu, không dám nở. Bởi vậy, người đời mới ca tụng rằng nàng có vẻ đẹp "tu hoa". Tuy nhiên, trong dân gian còn lưu truyền một "dị bản" khác khiến người đời dở khóc dở cười. Đó là vị Quý phi họ Dương sở hữu mùi cơ thể nặng tới nỗi trăm hoa không dám nở.
Để khắc phục nhược điểm này, ái phi của vua Huyền Tông nàng đã sai người hầu hái những bông hoa thơm nhất trong vườn để chiết lấy tinh chất xức lên người. Đây có lẽ chính là tiền thân của nước hoa sau này. Ngoài ra, Qúy Phi còn rất chăm tắm rửa, ngâm mình bằng các loại hương liệu và hoa tươi để lấn át đi mùi hương khó chịu trên cơ thể mình.
Nhờ cách này, Dương Quý phi đã che giấu được mùi cơ thể và vẫn là tuyệt sắc giai nhân được vua Đường Huyền Tông vô cùng sủng ái.
Chung quy lại, cho đến nay những câu chuyện về nhược điểm trên cơ thể của tứ đại mỹ nhân Trung Hoa cũng chỉ là những lời được dân gian truyền tụng, khó phân định thực hư. Tuy nhiên, cách mà những mỹ nhân này khắc phục nhược điểm của mình để tự tin tỏa sáng vẫn là bài học vô giá đối với phụ nữ chúng ta thời nay.