Cái tên làng “Cao Bình” (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) êm ả và bình yên, nhưng dân chài ở đây quanh năm sống cùng những cơn sóng, dựa vào biển để mưu sinh. Bố mẹ lam lũ, suốt ngày lênh đênh trên sông nước, những đứa trẻ của làng chài cũng "bám càng" theo bố mẹ phụ việc, học nghề từ tấm bé.
Một khu thuyền chài ở làng Cao Bình.
Làng chài Cao Bình đông trẻ con, nhà nào ít cũng 3 – 4 đứa, nhà đông nhất là 12 con, đứa đầu và đứa út chênh nhau hơn hai chục tuổi. Những đứa bé nối tiếp nhau như sóng, đứa lớn bảo đứa bé việc nhà, việc chài lưới.
Nhà nào ở đây cũng đông con cháu.
Những đứa trẻ sớm quen với sông nước…
…trèo từ tuyền này sang thuyền khác nhoay nhoáy.
Mới hơn 2 tuổi, cô bé này đã biết tự xúc cơm ăn…
…và trông chừng em cho mẹ nấu cơm.
Các nhà thuyền có trẻ nhũ nhi hay những bé chập chững biết đi, nhà nào cũng có một sợi dây treo trên đỉnh thuyền. Hỏi ra, đó là những chiếc "xích" để bảo vệ trẻ con khỏi va đập, rơi xuống sông hay đuối nước. Những lúc ra cửa sông, cửa biển hoặc khi sóng nhẹ, sợi "xích" sẽ đủ dài để em bé có thể đi lại, khám phá con thuyền; những ngày sóng dữ, bố mẹ chúng sẽ cột chặt để tránh nguy hiểm.
Được ngày gió lặng, bố mẹ để cho cu cậu đi lại, chơi đùa thoải mái loanh quanh thuyền.
Năm đầu tuổi thơ của bọn trẻ làng chài chỉ quẩn quanh trên chiếc thuyền con cũ kỹ. Đến khi 3 tuổi, chúng sẽ được chuẩn bị kỹ năng quan trọng nhất để trở thành dân chài giỏi: bơi. Bọn trẻ tập bơi ì oạp trong nước sông đục ngàu. Đến 5 - 7 tuổi, hầu hết trẻ con ở Cao Bình đã bơi nhanh như rái cá. Đứa nào đứa nấy nước da sạm nắng, quần áo lúc nào cũng nhuốm màu phù sa. Trẻ con làng Cao Bình, đứa nào tóc cũng hung hung đỏ hay vàng, cháy khét nắng, mắt trong veo nhưng vương buồn.
Trẻ con làng chài học bơi từ bé.
Cậu nhóc khoái chí đạp nước trong sự cổ vũ của cha.
Ở trên bờ, thường người ta thường khoe con học giỏi, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật, nhưng ở xóm vạn chài mà đứa nào khá lắm mới học xong chương trình xóa mù chữ, giỏi nữa là biết viết tên của mình, các bậc cha mẹ chỉ khoe nhau và tự hào vì con mình bơi lội giỏi. Dạn dĩ, bọn trẻ ùm ùm nhảy xuống sông ở phía khoảng rộng cạnh những con thuyền đậu san sát.
6 tuổi, độ tuổi đáng lẽ được đi học, trẻ con Cao Bình đã biết nấu cơm, trông em giúp mẹ. Chừng 8 – 10 tuổi, chúng hoàn toàn có thể giúp cha những công việc đơn giản của nghề chài lưới như thả lưới, kéo cá, gỡ cá hay kiểm tra tấm lưới. Những đứa lanh lẹ hơn còn có thể tự mình bắt tôm, chài cá ở bờ sông.
Cậu bé 12 tuổi này đang khoe thành quả của 20 phút ngụp lặn.
Cái lam lũ của cuộc sống mưu sinh sớm thấm vào tâm hồn các em.
Quanh năm lênh đênh cùng cha mẹ, đêm hoặc sáng sớm dong thuyền đi bắt cá, chiều muộn trở về âu thuyền, lũ trẻ ở Cao Bình cứ lớn dần lên theo con sóng. Nhiều đứa không có cơ hội được đến trường, hoặc chỉ kịp biết mặt chữ rồi lại trở về nơi chân sóng. Ngoài những hiểu biết sông nước, về con cá, con tôm, chúng gần như không biết về "thế giới" trên bờ. Thậm chí, có những đứa trẻ đã 6 – 7 tuổi mà chưa một lần lên đất liền. Phút nô đùa giữa ngày đợi cá.
Khát vọng "neo" chữ nơi chân sóng
Ở Cao Bình, 80% những người trên tuổi 30 thất học đã đành, những mầm non của làng chài cũng đứng trước nguy cơ mù chữ rất cao. Mỗi con chữ đến được với làng Cao Bình quanh năm lênh đênh trên sông biển cũng phải qua bao nhiêu nổi chìm sóng gió. Cái tiếng "làng điểm chỉ" nó vận vào làng Cao Bình, đến giờ vẫn chưa giải được. Dân làng mãi đuổi theo con cá mà bỏ lửng con chữ. Nhà nghèo, họ lo có cái ăn sống qua ngày đã khó, nói gì chuyện đi học.
Không ít phụ huynh ở đây mải đuổi theo con cá mà bỏ lửng cái chữ của con.
Nhiều đứa trẻ ở Cao Bình không được học qua cấp 2.
Trẻ con Cao Bình nhìn đứa nào cũng sáng dạ, thông minh, đứa nào cũng mê đi học nhưng không thể học cao. Ngay như lớp mẫu giáo ở làng đã là một chuyện nan giải. Ở làng có lớp mẫu giáo nhưng xã chưa xin được giáo viên, mà có xin được cũng khó tìm giáo viên vừa dạy học vừa làm "trông trẻ" khi bố mẹ các bé đi làm.
Trường mẫu giáo cũng là một khái niệm xa lạ với bọn trẻ.
Phần vì điều kiện gia đình, phần cũng vì trường tiểu học cách làng 4 - 5 km, bọn trẻ phải tự đi bộ đi học, trường lại chưa có lớp bán trú nên việc đi học thêm khó khăn.
Để đến trường học, các bé phải đi bộ 4 – 5 km.
Một lý do khác nữa là bọn trẻ chưa từng học qua mẫu giáo, chưa nắm được các kỹ năng cơ bản trước khi học lớp 1 nên vào học tiểu học có phần "đuối" hơn những đứa trẻ khác. Mặc dù được ưu ái kèm cặp, để ý hơn những bạn bè cùng trang lứa, nhiều trẻ em ở Cao Bình cũng không thể theo kịp lớp.
Với người cha này, một ngày đi biển đủ ăn, con cái khỏe mạnh đã là hạnh phúc.
Điều kiện sống của dân chài còn khó khăn, họ lo đến miếng ăn trước, lo cái chữ sau.
Từ vài năm nay, xã Hồng Tiến đã hỗ trợ cho 100 hộ của làng chài Cao Bình đất làm nhà ở và 10 triệu tiền mặt để làm nhà, nhưng chưa đến một nửa số này xoay sở xây được nhà. Mà xây rồi, không có kế sinh nhai, họ lại kéo nhau xuống thuyền, tiếp tục kiếm ăn bằng nghề chài lưới. Số ít trẻ con đựợc may mắn lên bờ nhưng cũng không có điều kiện để được học tập đến nơi đến chốn.
Nói vậy chứ nhắc đến chuyện trường, chuyện lớp, mắt những đứa trẻ làng chài lại rực sáng nhìn về bờ. Chúng vừa háo hức vì đi học chắc là vui lắm, nhưng cũng băn khoăn vì "nhà cháu nghèo thì làm sao đi học được. Cháu còn phải giúp bố mẹ mò tôm, bắt ốc kiếm tiền nữa chứ!"
Một số hộ dân ở Cao Bình đã xây được nhà trên mặt đất.
Hy vọng rằng, thế hệ mới của làng chài sẽ được chăm chút việc học hành hơn.
Gió vẫn thổi vào những con thuyền đậu ven bến sông, mang theo vị mặn mòi của biển cả, mùi phù sa và cái vị mặn chát trong khát khao được đi học của hàng trăm đứa trẻ ở làng chài Cao Bình. Ước mơ về những con chữ và một tương lai tươi sáng hơn được bọn trẻ "neo" nơi chân sóng, dập dềnh cùng những bọt nước phù sa.