Phạm vi ảnh hưởng rộng khắp miền Trung
Theo Trung tâm khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 01 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp ứng phó với bão Noru, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đến thời điểm này, tất cả các dự báo của Việt Nam cũng như quốc tế đều nhận định cường độ cơn bão Noru rất mạnh. Khi bão vào Biển Đông có các yếu tố tác động đến cơn bão (nhiệt lực và động lực..) đã làm cho bão duy trì cường độ mạnh khi tiến gần đất liền Việt Nam.
Gió mạnh trên đảo Lý Sơn trước khi bão số 4 đổ bộ. Nguồn: Người lao động.
Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 (bão Noru) rất rộng, 9/14 tỉnh, thành phố miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 tỉnh/thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15.
Từ tối và đêm nay, đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm nay (27/8) đến sáng 28/9.
Mưa to trước khi bão đổ bộ
Hiện nay (27/9), ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 26/9 đến 07h ngày 27/9 có nơi trên 60mm như: Cam Thành (Quảng Trị) 66mm, Vĩnh Tú (Quảng Trị) 64.4mm,…
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Từ đêm 27/9 đến đêm 28/9, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Ngày và đêm 28/9, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Chiều và đêm 27/9, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Cảnh báo: Từ ngày 29-30/9, mưa lớn tiếp tục duy trì trên khu vực Bắc Trung Bộ, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Lũ xuất hiện trên các sông Trung Bộ
Từ tối và đêm nay (27/9) đến ngày 29/9, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 4,0-8,0m, hạ lưu từ 2,0-3,5m. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn (Quảng Nam), các sông ở Phú Yên, Gia Lai lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2, có sông trên BĐ2; sông Vu Gia (Quảng Nam), các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum lên mức BĐ2-BĐ3, có sông lên trên BĐ3.
Từ chiều tối ngày 28/9 đến ngày 30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ ở thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1-BĐ2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên.