Thời điểm này, các trường THCS chất lượng cao, trường tư có tiếng tại Hà Nội đã rục rịch phương án tuyển sinh. Để con dự thi vào các trường, phụ huynh rỉ tai nhau, ngoài việc đảm bảo học bạ đẹp, phải cho con ôn thi từ sớm mới có thể làm được các bài thi. Do đó, không ít người cho con luyện thi vào lớp 6 trước kỳ thi 2-3 năm.
Hiện nay, ngoài các trường tuyển sinh đúng tuyến, tại Hà Nội có một số trường THCS chất lượng cao như: THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm, THCS - THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam cùng một số trường tư thục hằng năm có lượng hồ sơ đăng ký đầu vào cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh được phụ huynh quan tâm. Đa số các trường này đều chấm điểm hồ sơ, học bạ trong suốt 5 năm tiểu học, sau đó tổ chức bài kiểm tra đánh giá năng lực kiến thức 3 môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh.
Chị Trần Thị Ngọc Nhung ở Linh Đàm, Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, xác định mục tiêu cho con thi vào Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam nên gia đình đầu tư luyện thi từ khi con học lớp 3. Mẹ gác hết công việc để tìm thầy giỏi, ngược xuôi đưa con đi luyện thi. Ban đầu con rất hào hứng, nỗ lực học thêm và không ngại đi xa, thức khuya làm hết các bộ đề thầy cô giao. Thế nhưng, sau chặng đường ôn thi dài, con có tâm trạng chán nản, mệt mỏi, bài thi thử điểm sa sút. “Tôi đang lo lắng vì gần 3 năm qua, con gần như không có ngày nghỉ, cứ sau giờ học chính lại lao đi học thêm. Gia đình cũng đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian cho con”, chị Nhung nói.
Tại Hà Nội, lò luyện thi vào lớp 6 mọc ra nhan nhản. Giáo viên lên mạng liên tục đăng thông tin quảng cáo mở lớp tuyển sinh luyện thi vào lớp 6 các trường. Một số giáo viên các trường cũng lên mạng tự đăng thông tin tuyển sinh cho lớp luyện thi. Ví dụ, thầy Đ.L tự giới thiệu là thủ khoa trường sư phạm Hà Nội, chuyên luyện thi khối 6 chất lượng cao với khoảng 81% học sinh đạt điểm 8-9 trở lên.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói rằng, điểm học bạ chỉ là một trong những tiêu chí để trường xét tuyển. Quan trọng nhất vẫn là kết quả bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên, ông cũng khuyên cha mẹ không nên cho con đi luyện thi kéo dài để ôn thi vào lớp 6, gây áp lực, căng thẳng không đáng có.
Theo ông Bình, hiện nay đối với tuyển sinh đầu cấp lớp 6, áp lực không đến từ nhà trường mà từ cha mẹ học sinh. Không ít cha mẹ mong muốn con vào trường có tiếng, bắt ép con đi học thêm, luyện thi, luyện đề rất vất vả. Các trường ngoài công lập, trường chất lượng cao có phương án riêng để tuyển được học sinh có năng lực. Do đó, phụ huynh mới là người lựa chọn con đường, hướng phát triển cho con của mình.
"Nếu thi vào lớp 6 mà phụ huynh cho con luyện thi kéo dài sẽ khiến các con bị căng thẳng. Ở bậc tiểu học, cha mẹ nên hướng đến phát triển toàn diện các kỹ năng khác, không nên đặt nặng vấn đề con phải thi đỗ vào ngôi trường nào. Dành quá nhiều thời gian đi luyện thi, các con cũng không có tuổi thơ được vui chơi, rèn luyện phát triển sức khỏe”, ông Bình nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng, phụ huynh không nên dồn ép con luyện thi, học thêm khi còn nhỏ tuổi để vào trường chuyên, lớp chọn, thay vào đó dành thời gian để con phát triển các kỹ năng khác.
TPHCM : Nở rộ luyện thi cấp tốc
Số lượng các trường tổ chức thi vào lớp 6 ở TPHCM tăng lên đồng nghĩa thị trường luyện thi giai đoạn nước rút càng sôi động, các “lò” luyện thi hoạt động hết công suất kể từ sau Tết.
Trên các hội nhóm, nhiều dạng ôn thi như lớp học 1 kèm 1 (1 giáo viên kèm 1 học sinh), học theo nhóm, học trực tuyến, học ở trung tâm, nhận đề thi mẫu tại nhà... được giới thiệu đến phụ huynh. Học phí dao động vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi buổi.
Trung tâm S.H (cơ sở ở các quận: 7, 10, Phú Nhuận, Tân Phú và TP.Thủ Đức) thông báo giảm 5% học phí cho tất cả học sinh đăng ký luyện thi vào lớp 6 tại cơ sở thứ 6 tại phường Bình Thọ (TP Thủ Đức). Còn tại một trung tâm luyện thi ở quận Bình Tân, nhân viên tư vấn yêu cầu phụ huynh cho con làm bài thi khảo sát đầu vào. Nếu học sinh đạt 50/100 điểm thì mới nhận vào học. Nhân viên lý giải, trung tâm phải làm bài thi đầu vào vì lượng học sinh đăng ký học rất đông và trung tâm phải lựa chọn những em có học lực tốt để ôn luyện. Mức học phí được đưa ra là 6 triệu đồng cho 8-9 buổi học 1 kèm 1.
Từng là một người mẹ đồng hành 2 con thi vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, chị Đoàn Thị Hiền (quận 10) hiểu rõ vất vả, áp lực của phụ huynh lẫn học sinh trong cuộc đua tuyển sinh “căng não” này. Vì thế, chị đã thành lập cộng đồng phi lợi nhuận mang tên “Đồng hành Trần Đại Nghĩa”. Tại đây, các phụ huynh có nguyện vọng cho con thi vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế sẽ được kết nối với phụ huynh đã có con đậu vào các trường này những năm trước. Trước khi quyết định cho con ôn luyện, các phụ huynh sẽ được nghe tư vấn, chia sẻ, xem con mình phù hợp trường chuyên hay không.
Chị Hiền cũng xây dựng sân chơi học thuật iClass để những học sinh đã có kinh nghiệm vào lớp 6 THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa dùng kiến thức tích lũy của mình hướng dẫn, ôn luyện cho các em khóa sau. Trong 2 năm qua, “Nhóm học sinh iClass” đã chiêu mộ được gần 40 tình nguyện viên, giúp ích cho gần 1000 học sinh cấp 1…
“Các em còn quá bé để bị đặt lên vai trọng trách “1 chọi 8”. Do đó, để tạo động lực cho học sinh, phụ huynh nên tạo sân chơi học thuật cho các con cùng bạn bè ôn luyện. Lúc này, phụ huynh chỉ cần đồng hành cùng con thay vì đưa các con vào lò luyện. Ngoài học tập, các con cần tham gia các hoạt động xã hội để rèn luyện tâm lực và phát triển nhiều kỹ năng khác”, chị Hiền nói.
Thạc sĩ Võ Minh Thành (giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cũng cho rằng, phụ huynh không nên cho con luyện thi khảo sát năng lực vào lớp 6 quá sớm. “Ở độ tuổi này các em cần được trang bị kỹ năng học tập cơ bản, tìm thấy niềm vui trong học tập thay cho việc nhồi nhét kiến thức khiến việc học trở nên nặng nề, áp lực”, thạc sĩ Thành nói.
Nên xét tuyển sẽ đỡ áp lực cho học sinh
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận trung tâm TPHCM cho rằng, giữa 2 phương án xét tuyển và tổ chức một kỳ thi khảo sát để học sinh vào lớp 6, việc xét tuyển sẽ đỡ tạo áp lực cho học sinh.