Chiều 25/8 tại buổi họp báo do Bộ Y tế tổ chức với sự tham gia của nhiều ban ngành chức năng, trong đó có viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhiều câu hỏi liên quan đến việc, tại Hà Nội, lực lượng chức năng tổ chức phun thuốc diệt muỗi nhưng muỗi không chết và những câu hỏi liên quan đến chất lượng thuốc cũng đã được đặt ra.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Trần Như Dương – Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, hiện Viện có 20 cán bộ có kinh nghiệm phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng một số quận, huyện kiểm tra, đánh giá và giám sát từng ngày, từng giờ những vấn đề liên quan đến sốt xuất huyết; đồng thời theo dõi tình hình virus học.

NÓNG: Cả nước ghi nhận trên 100.000 người mắc sốt xuất huyết, 26 người tử vong - Ảnh 1.

Ông Trần Như Dương – Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Theo ông Dương, viện Vệ sinh Dịch tễ có 3 đội phụ trách 3 quận ở Hà Nội: quận Hai Bà Trưng (chọn phường Thanh Lương làm điểm), quận Hoàng Mai (phường Phương Liệt) và quận Đống Đa (phường Khương Thượng) trực tiếp đánh giá trước và sau xử lý phun hóa chất diệt muỗi để xem thực địa kết quả việc diệt muỗi.

Theo đại diện viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, qua đánh giá cho thấy, tại các phường được chọn làm điểm, chỉ số muỗi trước phun tương đối cao nhưng sau phun 24h, tất cả chỉ số muỗi trưởng thành đều về 0.

Tuy nhiên, ông Dương cũng đưa ra điểm lưu ý về chỉ số bọ gậy. Đây là điểm rất quan trọng vì trong quá trình phun phải làm đồng bộ mới mang lại hiệu quả cao. Tại các phường trên, sau phun hóa chất diệt muỗi, tỉ lệ bọ gậy giảm nhiều nhưng chưa triệt để.

Vì vậy, sau 24h, tại 3 phường trên không phát hiện muỗi nhưng vì bọ gậy xử lý chưa triệt để nên chỉ sau vài giờ, với những con bọ gậy già tuổi có thể nở ra và lại tràn vào nhà. "Điều đó giải thích cho việc vì sao người dân có thể thấy việc phun hóa chất diệt muỗi không hiệu quả, nhưng đó là do bọ gậy chưa được phun triệt để mà không phải do thuốc không hiệu quả. Vấn đề ở đây, phải diệt hết bọ gậy mới mang tính bền vững", ông Dương nói.

Hà Nội đứng đầu số người mắc và tử vong do sốt xuất huyết

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 100.417 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 26 trường hợp đã tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là hơn 84.000 ca bệnh.

NÓNG: Cả nước ghi nhận trên 100.000 người mắc sốt xuất huyết, 26 người tử vong - Ảnh 2.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

So với cùng kỳ năm 2016 tăng 47,9%, số ca tử vong tăng 9 trường hợp. Theo ông Trần Đắc Phu, số ca bệnh bị mắc tăng mạnh, tập trung chủ yếu miền Nam. Tuy nhiên, tại miền Bắc thì Hà Nội là nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất với hơn 19.000 ca bệnh, đứng thứ 2 là TP Hồ Chí Minh với số người mắc gần 19.000 người... Trong số ca bệnh mắc nhiều nhất là học sinh, sinh viên.

"Tại miền Bắc, học sinh, sinh viên chiếm 49% số người mắc bệnh sốt xuất huyết; miền Nam chiếm 25,5%; miền Trung chiếm 40%. Riêng tại Hà Nội đã có 9 ca bệnh tử vong vì sốt xuất huyết", ông Phu cho hay.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, riêng tại Hà Nội, bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện nhưng tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành và huyện Thanh Trì (chiếm 80% số bệnh nhân).

Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 2.000 người/ngày, giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình 2.700 bệnh nhân/ngày). Các điểm nóng như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm... có xu hướng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, một số địa điểm ngoại thành như: Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên số ca mắc sốt xuất huyết lại tăng.

NÓNG: Cả nước ghi nhận trên 100.000 người mắc sốt xuất huyết, 26 người tử vong - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá số ca mắc sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Hà Nội phải quan tâm hơn nữa đặc biệt không chỉ địa bàn nội thành mà khu vực ngoại thành và khu vực lân cận để phòng chống dịch bệnh lây lan.

"Việc người mắc bệnh ở Hà Nội về địa phương thì các địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Riêng tại Hà Nội hiện đang đứng đầu cả nước về số ca mắc và số ca tử vong. Sốt xuất huyết tăng 30 lần so với 30 năm qua, việc kiểm soát đàn muỗi gặp nhiều khó khăn. Số ca mắc là học sinh, sinh viên chiếm tới 40%, sắp khai giảng nên phải xử lý muỗi tại các trường học là việc rất cấp thiết", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.