Hiện tại, Hà Nội chưa có thông báo "chốt" số lượng môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025. Trước đó, thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, năm học 2024-2025, Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển, bao gồm ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Môn thi thứ tư nếu có, sẽ được công bố trong tháng 3/2024. Môn thi thứ tư được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học trong chương trình giáo dục trung học cơ sở hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Đây là kì thi cuối của lứa học sinh học theo chương trình SGK cũ, bởi vậy phụ huynh lẫn học sinh đều mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội sớm công bố môn thi. Năm trước, có tới hơn 94% ý kiến đồng ý bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 từ các trường THPT và phòng GD&ĐT của thành phố nên Hà Nội đã bỏ môn thi này. Năm nay, lớp 10 đã triển khai theo chương trình mới với việc học sinh được chọn tổ hợp môn, vậy nên rất nhiều ý kiến cho rằng, môn thi thứ 4 là không cần thiết.

Nóng nhất lúc này: Phụ huynh Hà Nội tranh luận từ sáng đến tối, thống thiết gửi "tâm thư" đến Sở Giáo dục và Đào tạo - Ảnh 1.

Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng nóng. (Ảnh minh họa)

Từ nhiều ngày nay, trên các nhóm mạng xã hội, bất kể đêm ngày, phụ huynh trao đổi sôi nổi về việc "Có nên thi thêm môn thứ 4 hay không?". Hầu hết phụ huynh đều mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội có thể bỏ môn thi thứ 4 để giảm tải áp lực cho học sinh. Không ít người đăng bài trên mạng xã hội, như một cách bày tỏ tâm thư đến Sở GD&ĐT Hà Nội. "Thi môn thứ 4 vào lớp 10 không còn phù hợp" là khẩu hiệu mà nhiều phụ huynh đang đồng lòng nhắc tới.

Mới đây, một em học sinh lớp 9 cũng lên mạng xã hội chia sẻ. Em cho biết, trong giai đoạn gấp rút để ôn thi vào lớp 10, bản thân rất áp lực và mệt mỏi khi ngày nào cũng thức dậy từ 5h sáng để ôn lại bài cũ và kết thúc lúc 12h giờ đêm. Ngoài học trên lớp, em và các bạn liên tục phải đi học thêm và về nhà phải hoàn thành bài tập. "Khi biết sắp công bố môn thứ 4 em cảm thấy rất nản khi 3 môn chúng em đã không có thời gian để nghỉ ngơi thì thêm 1 môn nữa chắc chúng em không có thời gian để ngủ", học sinh này tâm sự.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có những ý kiến phân vân, trăn trở, lo ngại việc bỏ môn thi thứ 4 có thể khiến học sinh... học lệch.

Việc bỏ môn thi thứ 4 khó khiến học sinh học lệch

Nói về việc có nên bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 hay không, cô Hoàng Thị Yến - Hiệu trưởng trường THCS CLC Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) cho hay, cả học sinh, phụ huynh và giáo viên của nhà trường đều mong muốn tinh giảm môn thi thứ 4 để trẻ bớt áp lực và tập trung học 3 môn còn lại hiệu quả, chất lượng. Phụ huynh, giáo viên cũng giảm bớt lo lắng, đầu tư cho môn thi thứ 4.

Trước ý kiến cho rằng, việc bỏ môn thi thứ 4 có thể khiến học sinh học lệch, chỉ chăm chú vào những môn thi chính mà xao nhãng các môn còn lại, cô Yến nhận định: Học lệch hay không là do việc tổ chức, bố trí dạy các môn học trong nhà trường như thế nào, cũng như định hướng học tập của học sinh; không liên quan nhiều đến việc thêm hay bớt 1 môn thi.

Trong trường hợp Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn quyết định thi thêm môn thứ 4 thì trong các năm sau đó nên công bố môn thi sớm. Việc công bố môn thi thứ 4 vào tháng 3 có phần muộn. Theo cô Yến, nên công bố vào ngay đầu học kỳ II để học sinh xác định được tinh thần, nhà trường có kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng cho học sinh sớm.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc, tác giả cuốn sách "Tư vấn kỳ thi vào lớp 10" cũng bày tỏ quan điểm: "Như mọi năm, dù nhiều tỉnh thành công bố môn thi, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ chưa sớm công bố, điều này khiến nhiều phụ huynh như ngồi trên đống lửa, áp lực vô hình khiến kì thi vào 10 của Hà Nội năm nào cũng nóng và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Theo tôi đã đến lúc các ban ngành của Sở nên có một phương án thi cử thống nhất cho các kì thi tiếp theo, như vậy sẽ đảm bảo sự công bằng và giảm áp lực không đáng có".

Ý kiến "bỏ kỳ thi lớp 10" hiện chưa phù hợp

Trước một số ý kiến cho rằng "nên bỏ kỳ thi lớp 10" để giảm áp lực cho học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng và cắt giảm tốn kém, cô Hoàng Thị Yến cho rằng, thời điểm hiện tại là chưa phù hợp: "Hệ thống trường công, kể cả trường tư hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh".

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc cũng có chung quan điểm. Ngoài ra, anh cho rằng, nếu bỏ kì thi lớp 10 thì sẽ phải thay thế bằng phương thức xét tuyển học bạ, như vậy sẽ phát sinh tiêu cực nhiều hơn là giảm tải áp lực. Cơ hội học tập công bằng nhất chính là tổ chức kì thi nhẹ nhàng, trên hết phải xây thêm trường công lập, nếu không suất vào THPT hệ công lập có hạn, đương nhiên áp lực vào 10 vẫn còn nguyên.