|
Hằng năm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT thường được các địa phương tổ chức ngay đầu tháng 6 và nhiều nơi chốt phương án từ sớm để học sinh, phụ huynh có kế hoạch học tập, đặt mục tiêu phù hợp. Nhưng năm nay, đến thời điểm này, khi gần kết thúc học kỳ I, các Sở GD&ĐT cho biết, vẫn trong tình trạng chờ quy chế hướng dẫn của Bộ GD &ĐT trong khi học sinh, phụ huynh sốt ruột, lo lắng.
Anh Trần Quang Khải, ở quận Hà Đông (Hà Nội) có 2 con sinh đôi học lớp 9 chia sẻ nỗi lo lắng vì con dự định thi vào trường THPT không chuyên lẫn trường chuyên nhưng không biết phương án thi ra sao để học tập. Những năm trước, Sở GD&ĐT Hà Nội thường chốt môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 nếu có được công bố vào tháng 3 hằng năm.
Năm 2025, học sinh học theo chương trình GDPT 2018 thi năm đầu tiên, các môn học đã có sự xáo trộn, nhất là gộp một số môn học thành môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý nên càng cần có phương án sớm để học sinh, phụ huynh được biết. “Con đang đăng ký học thêm ở trung tâm các môn Toán, Văn, Anh. Ngoài ra, lo lắng có thể thi các môn tổ hợp nên gia đình mua thêm thẻ học trực tuyến các môn Khoa học tự nhiên cho con bổ sung kiến thức mà không mất quá nhiều thời gian đưa đón”, anh Khải nói.
Trên các diễn đàn học và luyện thi, phụ huynh, học sinh bày tỏ sự mong ngóng, sốt sắng về phương án thi tuyển lớp 10. Nhiều em cho biết, xác định kỳ thi cuối cấp sẽ áp lực và buộc phải dành nhiều thời gian ôn luyện nhưng khi không có phương án cụ thể nên rất hoang mang, lo lắng.
Ngày 19/10, Bộ GD&ĐT mới công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS - THTP, đưa ra các phương thức tuyển sinh THPT nhằm lấy ý kiến rộng rãi. Theo các Sở GD&ĐT, dù sốt ruột và xây dựng sẵn một số phương án tuyển sinh lớp 10 cho năm 2025 nhưng thời điểm này chưa thể công bố vì phải chờ đợi quy chế của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, khi có quy chế, các địa phương dù muốn hay không phương án không được trái với các quy định của Bộ. Trước đó, một số tỉnh đã dự kiến chốt tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ tuy nhiên, với dự thảo quy định chung, môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT lựa chọn và phải có sự thay đổi qua các năm thì sẽ phải có sự điều chỉnh.
Thầy Đinh Đức Hiền , Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT FPT Bắc Giang cho biết, chương trình ở bậc THCS đòi hỏi học sinh phải học toàn diện tất cả các môn để đảm bảo kiến thức nền tảng tuy nhiên cũng cần có phương án thi sớm để học sinh, phụ huynh được biết. Đến nay, các trường gần kết thúc học kỳ I vẫn phải chờ chính sách thi cử từ Bộ là rất chậm, điều này tác động đến tâm lý học sinh cuối cấp, nhất là những nơi thi cử căng thẳng.