Sở đã trình UBND TP HCM phương án kế hoạch năm học 2021-2022 với nhiều kịch bản giảng dạy khác nhau, tùy khối lớp và bậc học, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Dự kiến, UBND TP HCM họp và thống nhất phương án trong tuần này.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng dự kiến khai giảng vào giữa tháng 9.

Ở bậc Tiểu học, phương án dạy học trực tuyến được xây dựng theo hướng tăng cường việc dạy học theo chủ đề, xây dựng những nội dung cốt lõi, có thể giảm yêu cầu cần đạt được phù hợp theo từng khối lớp.

Cụ thể, để có cơ sở chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị phòng giáo dục các quận, huyện và TP.Thủ Đức báo cáo tình hình những cơ sở giáo dục gồm trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT… đang được dùng làm nơi cách ly, điều trị, tiêm vắc xin… phòng chống Covid-19. Phòng giáo dục cần nắm thời gian dự kiến tiến hành bàn giao trả lại các điểm trường và cơ sở vật chất đã được trưng dụng.

Nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT cũng đề nghị các phòng giáo dục có kế hoạch, tham mưu cho UBND địa phương tổ chức, sắp xếp lại những điểm cách ly. Các cơ sở giáo dục cần được vệ sinh khử khuẩn, bàn giao lại nguyên trạng (khi có chỉ đạo của thành phố) để sắp xếp, lên kế hoạch cho năm học mới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương vận dụng linh hoạt khung kế hoạch năm học, tận dụng "thời gian vàng" dịch bệnh được kiểm soát để dạy trực tiếp.

Những ngày đầu tiên của năm học, nếu đủ điều kiện dạy trực tiếp, các nhà trường cần đi ngay vào phần nội dung cốt lõi, căn bản nhất. Sau đó, nếu may mắn dịch ổn định, được dạy trực tiếp, các thầy cô sẽ củng cố, mở rộng thêm. Còn nếu phải dạy trực tuyến, các trường cũng có kế hoạch củng cố thêm cho phù hợp.

Tổng hợp