Một trong những tên tuổi kỳ cựu nhất của nền điện ảnh Việt Nam - NSND Trịnh Thịnh đã qua đời để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả. Đối với nhiều người, nghệ sĩ có gương mặt "nhìn đã muốn cười" này ghi dấu ấn với những vai diễn nhà quê, lão nông, hoặc những vai mang đậm dấu ấn nông thôn Việt Nam. 

Năm 1956, Trịnh Thịnh trúng tuyển cuộc thi diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên xô, từ đây, ông chính thức bước chân vào làng điện ảnh Việt. Ông là người tham gia bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh Việt - Chung một dòng sông. Nhìn vào danh sách những bộ phim Trịnh Thịnh đã đóng, có thể thấy đều là những bộ phim có tiếng của điện ảnh Việt trong quá khứ như: Vợ chồng A Phủ, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Lá ngọc cành vàng, Giông tố... Vai diễn ông Củng của Trịnh Thịnh trong Vợ chồng anh Lực đã làm nên "biệt hiệu" của ông trong lòng công chúng. 

NSND Trịnh Thịnh: Từ "Vợ chồng A Phủ" đến Oscar 1
Trịnh Thịnh trong "Vợ chồng A Phủ"

Trịnh Thịnh còn được mời góp mặt trong tác phẩm Xích lô của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng và bộ phim nổi tiếng Đông Dương (tiếng Pháp: Indochine) của đạo diễn Régis Wargnier. Xích lô đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia vào năm 1995 và có sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vĩ. Còn Đông Dương, danh giá hơn, là bộ phim đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 1992.

Trong Đông Dương, Trịnh Thịnh đóng vai Minh, một thuộc hạ của cảnh sát thực dân Pháp. Lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp, bộ phim là câu chuyện kể của Éliane Devries, một chủ đồn điền cao su người Pháp, về những sự kiện xảy ra trong giai đoạn bà sống ở Việt Nam. Trịnh Thịnh là một trong số các diễn viên Việt Nam (có Như Quỳnh, Phạm Linh Đan, Mai Châu, Ngô Quang Hải) may mắn được góp mặt trong dự án đình đám này, dù chỉ với vai phụ nhỏ. 

NSND Trịnh Thịnh: Từ "Vợ chồng A Phủ" đến Oscar 2
Cảnh phim "Đông Dương"

Trịnh Thịnh được trao giải thưởng Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8 (1988) với vai diễn ông phó chủ tịch huyện trong phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong phim Thằng Bờm.

NSND Trịnh Thịnh: Từ "Vợ chồng A Phủ" đến Oscar 3

NSND Trịnh Thịnh: Từ "Vợ chồng A Phủ" đến Oscar 4

Với những cống hiến của mình cho nền điện ảnh nước nhà, ông được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân vào năm 1997. Bộ phim cuối cùng mà Trịnh Thịnh tham gia diễn xuất là phim Tết này ai đến xông nhà ra mắt năm 2002 của đạo diễn Trần Lực.