Kể lại câu chuyện trong sự cay đắng cuộc đời, lúc đó năm 2005, Chánh Tín cùng gia đình thực hiện bộ phim Dòng Máu Anh Hùng. Lúc đó anh cũng là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam. Để làm bộ phim này, tiêu tốn hết 1,5 triệu USD, riêng bản thân anh đã đứng ra bảo lãnh đi vay mượn ngân hàng, số tiền là 8,3 tỉ đồng.
Phim hoàn thành, công chiếu trong nước, thu về được 7 tỉ đồng, chia rạp còn lại 3,5 tỉ đồng. Những tưởng công chiếu nước ngoài, sẽ mang về khoản tiền bù đắp. Mặc dù bộ phim đi dự thi, đoạt giải rất cao, đó là giải Hạng ưu - Châu Á Thái Bình Dương, nhưng bộ phim đã bị đánh cắp bản quyền.
Khi phim mang sang một số nước trình chiếu, thì ở đây đã có bản sao chụp, khiến bộ phim thất thu trầm trọng. Từ đó, Chánh Tín lâm vào con đường nợ ngân hàng chồng chất, cho đến năm 2009, số nợ lên đến 10,5 tỉ đồng.
Ngôi nhà duy nhất được tạo dựng từ ngày đất nước thống nhất đến nay của vợ chồng Chánh Tín và ca sĩ Bích Trâm, số PP1Bis, đường Ba Vì, phường 15, quận 10, TPHCM đã phải bán cho Ngân hàng Phương Nam, giá 10,5 tỉ đồng. Nhưng phía sau có những uẩn khúc mà Chánh Tín lâm vào con đường kiện tụng.
Trình bày hoàn cảnh mà Chánh Tín đang gặp phải, đó là ngày 9.7.2008, vợ chồng Chánh Tín, Bích Trâm đồng ý lấy tài sản ngôi nhà của mình bảo lãnh vay cho Cty CP điện ảnh và truyền thông Chánh Tín, do ông Nguyễn Chánh Minh Thức làm Tổng Giám đốc, vay 8,3 tỉ đồng của Ngân hàng Phương Nam, thời gian vay đến ngày 9.7.2011.
“Sau gặt hái thành công lớn về mặt nghệ thuật của bộ phim Dòng Máu Anh Hùng, nhưng thất bại về tài chính vì bộ phim bị sao chép, ăn cắp bản quyền ở nước ngoài, chúng tôi bắt đầu khó khăn trầm trọng”, Chánh Tín giãi bày.
Do vậy, bên có tài sản đảm bảo vay, là gia đình Chánh Tín bàn bạc với ngân hàng hủy hợp đồng tín dụng, bán nhà cho ngân hàng, nhằm mục đích trả nợ và ngân hàng thu hồi vốn. Do không hiểu biết, nên Chánh Tín đồng ý đơn phương hủy hợp đồng vay vốn, trong khi đó không được sự bàn bạc đồng ý của ông Nguyễn Chánh Minh Thức, Tổng Giám đốc Cty CP điện ảnh và truyền thông Chánh Tín, là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, việc gia dịch mua bán nhà là trái luật, vì nhà đang đảm bảo là tài sản thế chấp, không được giao dịch mua bán.
Tuy nhiên, Ngân hàng Phương Nam đã kiện ra tòa, tranh chấp Hợp đồng mua bán nhà. Ngày 18.7.2012, TAND quận 10, TPHCM tuyên Chánh Tín và gia đình phải bàn giao ngôi nhà cho ngân hàng.
Chánh Tín kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận 10. Ngày 25.3.2013, TAND TPHCM tuyên bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận 10, TPHCM, không chấp nhận kháng cáo của Chánh Tín.
Theo Chánh Tín, phân tích, đánh giá khách quan của 2 cấp tòa sơ và phúc thẩm là chưa đầy đủ và toàn diện, nên Chánh Tín tiếp tục làm đơn yêu cầu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, yêu cầu VKSND tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND TPHCM.
Trước hoàn cảnh éo le, trước đây Chánh Tín cũng đã phá sản trong dự án trồng rau sạch ở Lâm Đồng, tài sản trắng tay, chỉ còn ngôi nhà PP1Bis, đường Ba Vì, phường 15, quận 10, TPHCM để trú ngụ, nhưng với 2 bản án đã tuyên và có hiệu lực pháp luật, Chánh Tín và gia đình đang đối mặt với hoàn cảnh phải ra đường, Chánh Tín đã làm đơn xin tạm hoãn thi hành án vì bản thân đang phải chữa bệnh (tiểu đường, tim mạch…) và phải có thời gian tìm nơi nương náu.
Ngôi nhà PP1Bis là tài sản duy nhất hiện cũng sắp mất, mà Chánh Tín đang khẩn cầu tạm hoãn thi hành án. Ảnh: Phùng Bắc
Chánh Tín tha thiết: “Tôi đã làm đơn gửi VKSND tối cao, TAND tối cao, Cục trưởng Thi hành án dân sự TPHCM… xin các cấp cho được tạm hoãn thi hành án có điều kiện, trong thời gian từ tháng 3 đến 9.2014, vì tôi đang phải chữa bệnh hiểm nghèo, nên chưa đủ điều kiện tìm kiếm chỗ ở mới sau khi thi hành án. Gia đình tôi cũng cam kết sẽ thực hiện thi hành án… Rất mong các cấp lãnh đạo các cơ quan tố tụng dân sự xem xét thỉnh cầu này của tôi !”.