Vậy là có thêm một ngọn đèn đã tắt! Cuộc đời đầy những băn khoăn, trăn trở vĩnh viễn khép lại với NSƯT Phạm Bằng khi ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31/10/2016. 85 mùa hoa và 85 năm hiện hữu trên cõi đời, Phạm Bằng để lại trong lòng khán giả những ấn tượng khó phai. Người nghệ sĩ của những nỗi niềm, vui đó, cười đó nhưng lại đầy chua chát. Xem Phạm Bằng diễn để rồi thấy thương hơn những người nghệ sĩ già suốt đời tận tuỵ vì nghệ thuật.
NSƯT Phạm Bằng đã qua đời ở tuổi 85
Phạm Bằng sinh năm 1931, tại Hà Nội. Bố ông mất sớm để lại người vợ góa 24 tuổi cùng ba người con. Mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn. Mẹ ông không muốn ông theo nghề kịch. Khi biết ông lựa chọn đi theo nghiệp diễn, bà đã phản đối quyết liệt. Phạm Băng từng chia sẻ rằng, nỗi buồn lớn nhất đời ông chính là việc bị mẹ cấm cản đến với đam mê. Nhiều năm sau đó, Phạm Bằng vẫn bất chấp đi theo nghề. Ông lao vào diễn kịch từ khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính.
"Gala Cười": Phạm Bằng diễn tiểu phẩm "Chuyện của sếp"
Tiểu phẩm hài "Về quê": Phạm Bằng đóng cùng Vượng Râu, Quang Tèo, Giang Còi
Đến năm 1956, gia đình xảy ra biến cố lớn, Phạm Bằng phải nghỉ học vì không còn điều kiện kinh tế. Năm 1959, ông gia nhập đoàn kịch nghiệp dư của Hoàng Cầm – Nguyễn Huy Tưởng. Những tưởng đây sẽ là bến đỗ bình an cho ông, nào ngờ con vận đổi thay, Phạm Băng lại tiếp tục chia tay đoàn kịch. Đến tháng 12/1959, Phạm Bằng chính thức bước vào đoàn văn công Hà Nội. Đây là lựa chọn duy nhất ông có thể thực hiện, vì vừa giúp theo đuổi đam mê, vừa có thể kiếm chút tiền phụ giúp gia đình. Thời điểm này, Phạm Bằng mới cưới vợ, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần. Cái chân trong đoàn văn công Hà Nội là cứu cánh để ông mưu sinh.
Phạm Bằng phê phán thói quen hút thuốc lá trong tiểu phẩm hài "Khói thuốc"
Phạm Bằng bắt đầu nổi tiếng trong giới nghệ thuật từ những vai phản diện. Rồi một lần nọ, đạo diễn Trần Hoạt giao cho ông thử diễn 1 vai hài. Lạ lùng thay, cái chất bình dị trong ông khiến cho vai hài trở nên sống động. Phạm Bằng diễn hài hợp đến nỗi đạo diễn Trần Hoạt đã phải nói rằng: “Tương lại cậu đóng vai hài rất giỏi. Khiếu hài là trời cho, không thể mở lớp diễn hài, nhưng các diễn viên hài phải có trình độ cao, tư duy sâu và vững”.
Cuộc đời đầy những thăng trầm và giông tố, mới ngày hôm qua còn vui, nay đã lại buồn tủi, chán chường. Mẹ mất, vợ mất, 2 đứa con ra nước ngoài sinh sống và tuổi già sống cô đơn trong căn nhà cũ kỹ, nhưng Phạm Bằng chưa bao giờ mang những nỗi niềm này lên sân khấu. Người ta cứ thấy ông xuất hiện ở các vở kịch, ở sàn diễn của Gặp nhau cuối tuần bằng đam mê cháy bỏng. Cái vóc dáng gầy gò, nhỏ bé lọt thỏm giữa dàn diễn viên, ấy vậy mà luôn được đóng vai sếp, làm giám đốc lắm tiền nhiều của.
Chương trình "Xả xì chét": Phạm Bằng đóng vai giám đốc lắm tiền nhiều của
Từ khi truyền hình phát triển, cái tên Phạm Bằng được khán giả biết đến nhiều hơn. Nhiều người cho rằng, vẻ ngoài nhỏ thó, hói đầu và bản tính ít nói của ông sẽ hợp với dạng vai khắc khổ. Nhưng ngược lại, Phạm Bằng luôn được người xem yêu mến mỗi khi đóng vai hài, mang đến tiếng cười trào phúng.
Tiểu phẩm hài "Người từ thành phố": Phạm Bằng diễn cùng Quang Tèo, Giang Còi, Trà Mi
Hiền lành và chân chất, Phạm Bằng của sân khấu là một hình ảnh khác xa đời thực. Chẳng cần nói nhiều, mỗi khi Phạm Bằng xuất hiện với dáng vẻ khổ sở, yếu đuối, nhưng khuôn mặt tưng tửng đã khiến người xem phải bật cười. Xuất hiện bên Vân Dung, Quang Thắng, Quốc Khánh, Tự Long, Phạm Bằng đã xây dựng hình ảnh một “Bằng Hói” sợ vợ thành công. Kiểu nhân vật ở cơ quan thì luôn được nhân viên dạ thưa cung phụng, nhưng hễ về tới nhà thì chẳng dám nói với vợ 1 câu lớn tiếng nào gần như trở thành thương hiệu của ông. Có lúc Phạm Bằng bật cười, nói về hình tượng sân khấu “kỳ cục” của mình, song cũng có khi ông xuề xoà xua tay bảo rằng: “Vì người ta thích cái đầu hói của tôi”.
Phạm Bằng diễn vai một quý ông sợ vợ trong tiểu phẩm hài "Vì rượu"
Hỏi ông về những nỗi niềm trên sân khấu, Phạm Bằng từng tâm sự: “Tôi là diễn viên hài, nhưng trong đời sống thường nhật, tôi ít khi “phát tiết ra ngoài” cái sự hài hước của mình như một số diễn viên hài khác, một phần cũng là do dấu ấn của mẹ tôi để lại. Sự nghiêm ngặt của bà khiến tôi sợ, nhưng vô hình nó đã ăn vào tâm thức tôi. Tôi không đối xử với con cái theo cách của mẹ tôi, nhưng tôi cũng không xuề xòa với con cái giống như cách của nhân vật trên màn ảnh. Thật sự mà nói, không có gì đau đớn bằng việc, người vợ ra đi quá sớm, để lại một khoảng trống và sự thiếu hụt đến khủng khiếp trong căn nhà và trong cả quãng đời còn lại của tôi. Vậy nên lúc diễn, tôi cố quên đi bản thân. Chỉ là làm cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, để không phải âu lo và suy nghĩ quá nhiều về cuộc sống”.
Và có lẽ, chính cái cách cố quên bản thân này đã làm cho Phạm Bằng trở nên đặc biệt. Khán giả biết đến nỗi niềm của ông, càng cảm thấy thương cho một nghệ sĩ già, tận tâm với nghề nhưng cô độc trong cuộc sống. Ở những ngày tháng cuối đời, Phạm Bằng vẫn tích cực tham gia diễn xuất, ông sống không thiếu thốn tiền bạc vì có các con chu toàn mọi thứ, song Phạm Bằng vẫn chẳng dám ở nhà nghỉ ngơi, vì ông sợ mình trở thành người vô dụng. Phạm Bằng cứ diễn, cứ trút hết ruột gan vào từng buổi ghi hình. Dáng ông vẫn gầy, người ông vẫn nhỏ và cái đầu hói đặc trưng vẫn luôn xuất hiện ở bất cứ nơi nào còn cần đến ông. Ánh mắt cương nghị, giọng nói trầm ấm và những tiếng cười giòn tan vẫn còn đó, chỉ là Phạm Bằng đã đi đến một nơi rất xa. Khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày cuối tháng 10 lạnh lẽo, Phạm Bằng cũng khép lại cuộc đời đầy những nỗi niềm của mình.
Sẽ là tiếc nuối vô bờ bến khi giờ đây sân khấu và màn ảnh nhỏ thiếu đi hình ảnh “Bằng Hói” thân quen. Những tiểu phẩm hài mang đậm chất trào phúng cũng đã mất đi người tung hứng. Nhưng, ở một chặng đường xa xôi nào đó, Phạm Bằng có lẽ đã bắt đầu một hành trình mới. Khép lại cay đắng, tủi hờn, mất mát xen lẫn đau thương, hạnh phúc của 60 năm làm nghệ thuật, xin đưa tiễn NSƯT Phạm Bằng với những niềm vui. Cái hữu hạn của cuộc đời không phải là khi người ta nằm xuống, cái hữu hạn chỉ được gọi tên khi sống mà chẳng giúp ích gì được cho đời. Với những niềm vui đã mang đến cho mọi người, NSƯT Phạm Bằng xứng đáng được vinh danh và ghi nhớ mãi!
Chào ông Phạm Bằng! Chào ông “Bằng Hói” sợ vợ đến buồn cười thân quen. Những nỗi buồn xưa cũ đã không còn nữa, phía trước là ngày vui rực nắng!