Stephanie Auteri là một nhà văn và biên tập viên tự do người Mỹ. Khi con gái của cô, Emily Lorraine, mới 3 tháng tuổi, Steph đã chia sẻ những trải nghiệm lần đầu làm mẹ của mình và bài viết nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ hàng triệu bà mẹ trên thế giới.
1. Mình có làm sai không nhỉ?
2 tuần trước ngày dự sinh, tôi đã đọc khoảng "5 tỷ" cuốn sách về mang thai và sinh nở. Tôi nhận ra, mình không biết tí gì việc chăm sóc bé sơ sinh. Rồi khi con gái chào đời, tôi lại lo đến lúc chồng hết thời gian 2 tuần nghỉ chăm vợ con, tôi sẽ xoay sở làm sao. Ngay cả chuyện cho con bú, thay tã bỉm đã trở nên quá thuần thục, tôi vẫn lo MÌNH LÀM SAI. Nhất là khi ai cũng sẵn lòng cho bạn biết tại sao bạn lại sai, bạn đã sai thế nào. Chuyện bú mẹ với bú bình, chuyện sữa mẹ với sữa công thức…
Điều bạn cần hiểu là bất chấp việc bạn chọn nghiêng theo quan điểm nào trong số những tranh luận trái chiều trên, bạn vẫn đang làm tốt. Bởi con bạn đang được yêu thương rất nhiều.
2. Tôi bị trầm cảm sau sinh nghĩa là tôi yêu con chưa đủ?
Trong 2-3 tháng đầu làm quen với vai trò mới, tôi cảm thấy quá choáng ngợp đến nỗi khóc lóc gần như mỗi ngày. Đôi khi, việc nhận ra bạn không hề đơn độc giúp tạo khác biệt lớn lao. Hãy tìm kiếm các nhóm hỗ trợ bà mẹ sau sinh ngay khi bạn hồi phục.
Ước tính 9-16% phụ nữ sau sinh trải nghiệm hiện tượng trầm cảm. Và 60-80% phụ nữ sau sinh phải đối mặt với những khoảnh khắc chán nản cực độ bắt nguồn từ những thay đổi do việc chăm sóc em bé mang lại.
Hiệp hội Tâm lý Mỹ
3. Con tôi đang gặp chuyện khủng khiếp gì chăng?
Con tôi bị chàm, bị mụn, bị nấc cụt, bị nôn trớ suốt... Có gì đó cực kỳ không ổn xảy ra rồi. Rõ ràng con bị viêm phổi rồi, chúng tôi có nên đưa con vào phòng cấp cứu?
Nhờ tốc độ đọc sách mang thai và chăm trẻ, tôi không quá hoảng loạn trước những biểu hiện khác thường ở con. Thay vào đó, tôi sẽ con quan sát xem có điều gì đáng lo thực sự không rồi dò tìm các nội dung trong sách. Nếu bạn thấy con có gì lạ lùng, hãy bình tĩnh nhé!
4. Chuyện gì xảy ra nếu con tôi chậm phát triển?
Lúc đầu, bạn có thể phấn khích khi thấy con kiểm soát được cổ và hào hứng phát hiện con đã mọc 2 răng. Nhưng sau đó, bạn lại nghĩ tới những điều tồi tệ nhất vì con vẫn chưa lẫy hay không biết bò.
Vấn đề với các mốc phát triển được đưa ra là người ta xây dựng chúng chủ yếu dựa trên sự ước tính. Do đó, con bạn có thể vượt trội ở một vài cột mốc nhưng lại thụt lùi ở một số cột mốc khác. Nhìn chung, mọi thứ sẽ đâu vào đó mà thôi!
5. Mọi người sẽ nghĩ tôi là một bà mẹ tồi tệ?
Con gái tôi mới đây bị hăm ở vùng kín 1 ngày trước lần kiểm tra định kỳ ở tháng thứ 6. Dù biết chẳng liên quan gì tới việc chúng tôi thay bỉm cho con bao lâu một lần hay cách chúng tôi chăm con, tôi vẫn cảm thấy e ngại cô y tá nhìn thấy chỗ hăm và đánh giá khả năng làm mẹ của tôi chẳng ra gì.
Làm sao bạn có thể là chuyên gia làm mẹ ngay lập tức, dù chưa từng làm mẹ trước đây? Làm mẹ cũng có lúc này lúc khác. Và bạn đừng bao giờ sợ hãi việc đặt câu hỏi để được giải đáp và làm tốt hơn.
6. Tôi sợ con mình bị thương?
Nỗi sợ kiểu này bắt đầu có ngay từ lúc tôi phát hiện mình mang thai. Mỗi chuyến đi, tôi đều lo sợ nguy hiểm xảy ra. Tôi bị ám ảnh bởi các tài xế khác trên đường hay lần xe bị sa ổ gà… Khi con chào đời, tôi gặp ác mộng chuyện con bị ốm, bị thương.
Vấn đề là các bé sơ sinh kiên cường lắm chứ. Và do tôi biết bạn sẽ luôn cảnh giác cao độ, tôi tin tưởng rằng, sẽ chẳng có nguy hại gì xảy ra với con bạn đâu.
7. Tôi có nêu gương xấu cho con không?
Nếu con có bắt chước vài thói hư tật xấu của bạn thì đó sẽ là động lực để bạn trở nên tốt hơn (Ảnh minh họa).
Tôi là người dễ nổi cáu, miệng lưỡi sắc lẹm. Tôi không tự tin về cơ thể mình… Đó là những điều tôi cầu nguyện mình đừng có di truyền sang con. Đặc biệt, vụ hình ảnh cơ thể và tự ti.
Vấn đề là con cái chúng ta học cách tìm hiểu thế giới bằng cách quan sát chúng ta. Thật may, nếu con có bắt chước vài thói hư tật xấu của bạn thì đó sẽ là động lực để bạn trở nên tốt hơn!
8. Các con sẽ cư xử tệ với tôi, không coi tôi ra gì?
Người ta học cách kỷ luật trẻ hiệu quả như thế nào nhỉ? Làm thế nào để ai đó trở thành người khơi dậy sự ngưỡng mộ và kính trọng nơi các con mình? Làm sao để có những đứa con biết cách cư xử?
Con gái tôi mới 6 tháng tuổi thôi mà. Và con vẫn là một thiên thần nhỏ tuyệt vời. Còn tôi, sao lại cứ lo sợ chuyện sẽ trở thành một bà mẹ không ra gì cơ chứ?
9. Sẽ có chuyện tồi tệ xảy ra nếu tôi không thể kiểm soát mọi việc?
Hồi mang thai, điều tồi tệ nhất tôi từng đọc là về hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh - SIDS. Tôi biết rằng, nôi cũi con nằm, tấm chăn con đắp, thú nhồi bông của con… đều có thể gây ra SIDS. Khi đọc về các phương pháp luyện ngủ cho bé, tôi lại nhìn thấy SIDS hiện ra bên trang sách. Và rồi chỗ nào đưa mắt tới, tôi cũng đều gặp SIDS.
Tôi không thể nói rằng SIDS không đáng lo ngại. Thực sự, nó có tồn tại. Và suốt cuộc đời, các con sẽ phải đối mặt với những việc mà chúng ta - với tư cách làm cha mẹ, không thể luôn kiểm soát để đảm bảo an toàn tuyệt đối 100%. Nhưng việc chúng ta có thể làm là phòng ngừa và giáo dục con nhiều nhất có thể để giúp con tự bảo vệ được mình.
10. Tôi sẽ không còn là chính mình
Trước khi làm mẹ, tôi là nhà văn, biên tập viên, giáo viên yoga, cô gái chết mê chết mệt vì mèo. Còn bây giờ? Tôi vẫn vậy. Và tôi còn làm mẹ nữa. Chắc chắn là tôi đã phải chuyển đổi những phần kia của đời mình để dành thời gian, không gian cho con. Các ưu tiên của tôi không còn như trước nữa. Tôi cũng đã đổi khác nhiều điều.
Thật dễ để lạc lối trong những tháng ngày làm mẹ. Nhất là khi bạn quyết định hoãn sự nghiệp của mình để chăm con. Nhưng rồi mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi đó, bạn có thể biết được điều gì quan trọng nhất với mình. Bạn có thể tái đánh giá những gì thiết yếu nhất cho cảm nhận về bản ngã của bạn. Bạn có thể tái khám phá mình là ai, với tư cách một con người, chứ không chỉ là một người mẹ.
Lần đầu làm mẹ sẽ không tránh khỏi bối rối, lo lắng và có nhiều hoang mang. Các mẹ hãy cùng tìm hiểu thêm về trẻ sơ sinh và các kĩ năng chăm sóc bé TẠI ĐÂY nhé!
Nguồn: Mom