Chúng tôi tìm tới căn trọ nhỏ cập bên chợ nổi Cái Răng (phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), nơi mà Lê Thị Huyền Trân (SN 1994) đang sinh sống cùng mẹ mình là bà Đặng Thị Tím.
Từ bỏ ước mơ trở thành nữ hộ sinh, cô gái trẻ quay về quê nhà để đi bán hoa quả, phụ chăm sóc cho người mẹ già yếu bệnh tật.
Ngồi trò chuyện với Huyền Trân mới biết, cô chính là nữ sinh viên đầu tiên ở chợ nổi Cái Răng học ngành Hộ sinh (Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ), tốt nghiệp năm 2014 với tấm bằng loại khá.
Đối với những nơi khác, đó có vẻ là một chuyện hết đối bình thường, nhưng ở khu chợ nghèo này, những đứa trẻ được đến lớp, được biết chữ đã là may mắn, việc Trân là người đầu tiên tốt nghiệp một trường cao đẳng là điều không hề bình thường.
Trân tốt nghiệp năm 2014, nhưng không thể theo nghề như mình đã học.
Bà Đặng Thị Tím, mẹ của Huyền Trân cho biết, trước đây gia đình quê gốc ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, nhưng khoảng 20 năm trước cả gia đình về chợ nổi Cái Răng thuê trọ ở để mưu sinh bằng nghề buôn bán.
"Hồi đó chồng tôi bán trái cây và chèo xuồng đưa khách du lịch đi thăm quan chợ nổi, còn tôi thì bán vé số. Tuy vất vả, nhưng hai vợ chồng vẫn gắng cho Trân đi học đến nơi đến chốn chỉ mong thoát cái nghèo", bà Tím cho hay.
Khoảng 5 năm trước chồng của bà đột ngột qua đời, một mình bà gồng gánh nuôi Trân ăn học, rồi cuối cùng Trân cũng tốt nghiệp và có được tấm bằng Cao đẳng trong tay.
Bà Tím xót xa khi chia sẻ về câu chuyện con gái mình.
"Cứ nghĩ là cuộc đời của con sẽ thoát khỏi cái nghèo, nhưng mà số phận trớ trêu, giờ nó lại về bán hoa quả, quanh quẩn trên khu chợ nổi này như cha nó ngày xưa", bà Tím nói với vẻ chua xót.
Hỏi về chuyện cô từ bỏ việc là nữ hộ sinh để đi bán hoa quả, Trân giải thích: "Sau khi học xong, thời gian đó mẹ em bắt đầu bệnh nặng, em đành trở về chợ nổi đi bán hoa quả để có tiền lo cho mẹ, không ngờ là gắn bó với việc này tới giờ".
Sau khi ra trường, Trân phải về bán hoa quả trên chợ nổi để lo cho mẹ bị bệnh
Được biết, mẹ của Trân hiện tại đang mắc bệnh u bướu, cách đây hơn một năm về trước bệnh bà Tím chuyển biến xấu đi, phải đi xạ trị và nằm viện thường xuyên, mọi gánh nặng bắt đầu đổ dồn lên đôi vai cô gái trẻ, lúc đó Trân chỉ mới 23 tuổi.
"Sau những tháng ngày cố gắng, chăm chỉ thì bệnh của mẹ em cũng tạm thời ổn định, giờ tốn tiền uống thuốc thôi, chứ không vào viện điều trị như xưa nữa, em cũng bớt lo hơn nhiều. Tuy vất vả, nhưng mà em thấy giờ cuộc sống thoải mái hơn mấy năm trước rồi", Trân nói.
Hiện hai mẹ con Trân đang ở một căn trọ nhỏ, lụp xụp sát bên chợ nổi Cái Răng.
"Giờ em thấy cuộc sống như vậy là tạm ổn rồi, chỉ cần đủ ăn đủ mặc là được, điều em lo nhất là bệnh tình của mẹ. Nhưng mình đã may mắn hơn bao nhiêu người ngoài kia rồi", Huyền Trân chia sẻ.
Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, Trân cũng đành gác lại ước mơ trở thành nữ hộ sinh của mình nhưng Trân vẫn cố gắng từng ngày vươn lên, để có thể ở bên chăm sóc cho người mẹ của mình với một tinh thần lạc quan nhất.