Số phận bất hạnh
Chung sống với căn bệnh "loạn dưỡng cơ" suốt 16 năm khiến thân hình chị Nguyễn Thi Lan (29 tuổi, trú xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) trở nên nhỏ bé, chân tay co quắp, gầy gò, yếu ớt, vận động khó khăn. Lan chỉ nặng 40kg, ngồi lọt thỏm giữa những bức tranh giấy.
Ấn tượng nhất là khuôn mặt của Lan rạng ngời, nụ cười luôn nở trên môi.
16 năm trước, khi Lan đang học lớp 8 thì đôi chân yếu dần rồi không thể đứng vững được nữa. Bác sĩ kết luận Lan mắc bệnh "loạn dưỡng cơ". Đây là một căn bệnh hiểm nghèo, không thể chữa trị.
"Tôi phải nghỉ học, thay vào đó là chuỗi ngày sống trong buồn đau, lo sợ không còn cơ hội bước đi trên đôi chân của mình được nữa.
Suốt nhiều năm, cha mẹ cõng tôi cầu cứu khắp các bệnh viện nhưng đi đến đâu cũng nhận lại cái lắc đầu của bác sĩ. Họ bảo bệnh của tôi không có thuốc chữa, chỉ có cách duy nhất là điều trị phục hồi chức năng để bệnh không trở nặng hoặc biến chứng khó lường, ảnh hưởng đến tính mạng mà thôi", Lan kể.
Căn bệnh quái ác biến Lan từ một đứa trẻ lành lặn, khỏe mạnh trở nên yếu ớt, chỉ ngồi một chỗ. Mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người thân. Bao hoài bão, ước mơ cùng tương lai phía trước dần khép lại.
"Đã có thời gian tôi sống trong mặc cảm, tự ti, không muốn đối diện sự thật. Cũng đã nhiều lần tôi muốn kết liễu cuộc đời mình để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ.
Nhưng rồi, thay vì tự nhốt mình trong nhà khóc than, tôi quyết tâm sống chung với căn bệnh bằng tinh thần lạc quan và tạo cho mình một việc làm phù hợp, hi vọng sống ý nghĩa từng ngày và không làm bố mẹ buồn lòng. Những bức tranh giấy của tôi cũng ra đời từ đó", Lan chia sẻ.
Gửi hồn vào những bức tranh
Năm 2012 Lan bắt đầu tập tành với việc làm tranh giấy. Thời gian đầu chỉ là tấm thiệp nhỏ. Chẳng ai ngờ chỉ bằng những tấm bìa cứng, trang sách cũ được Lan cắt, tô vẽ đủ sắc màu lại cho ra những tấm tiệp đẹp mắt, ý nghĩa.
Qua mạng xã hội, Lan tập tành với việc làm tranh giấy. Tiết kiệm được chút tiền từ việc bán thiệp và tiền mừng tuổi, Lan nhờ người mua nguyên liệu làm tranh giấy về thực hành.
"Công việc này ngoài sáng tạo, thẩm mỹ còn đòi hỏi cần tính kiên trì, tỉ mỉ. Đối với một người bình thường đã khó, với người khiếm khuyết như tôi lại càng khó khăn hơn. Nhưng rồi tôi tự nhủ phải cố gắng gấp đôi để hoàn thành được mục đích, và tôi đã làm được.
Thời gian làm một bức tranh tùy thuộc vào chi tiết của bức tranh đó nhiều hay ít. Có bức tôi làm chỉ một vài ngày là xong nhưng cũng có bức làm đến cả tháng. Có bức bán giá vài trăm nhưng cũng có bức bán giá tiền triệu", Lan chia sẻ về công việc của mình.
Khách đặt mua tranh của Lan không chỉ vì tranh đẹp, có hồn mà còn cảm phục nghị lực của cô. Dù tiền bán tranh không nhiều nhưng Lan rất vui vì đó là số tiền do chính tay mình làm ra và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Tẻo (mẹ của Lan) cho biết, Lan là con út trong gia đình và cũng là người gánh chịu bất hạnh, thiệt thòi nhất khi mắc bệnh hiểm nghèo. Thương con, vợ chồng bà cũng chỉ biết chăm sóc và động viên con cố gắng.
Thời gian đầu khi nghe Lan quyết định làm tranh giấy với đôi tay yếu ớt, bà không tin con gái mình sẽ làm được nhưng vẫn hết lòng ủng hộ và trợ giúp. Sau này, nhìn những tác phẩm của con lần lượt được trưng bày, nhiều người khen ngợi, đặt mua. Được nhìn thấy con gái vui vẻ, lạc quan nên bà an ủi phần nào.
Ngoài công việc, Lan dành thời gian nhờ người thân đưa đi dạo để tinh thần thư thái, để gặp gỡ hàng xóm, bạn bè. Dù phải gắn bó cuộc đời với chiếc xe lăn nhưng Lan là người thân thiện, vui vẻ, nụ cười tươi luôn nở trên môi.
Trời đã ngã chiều, đôi tay yếu ớt của Lan vẫn chăm chú cắt, ghép những công đoạn cuối cùng của bức tranh để kịp giao đúng thời hạn cho khách. Lan chia sẻ:
"Với tôi, đi chậm, làm lâu không đáng sợ. Điều đáng sợ nhất là để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Cuộc đời này vẫn tốt đẹp lắm. Tôi sẽ sống sao cho từng giây phút mình đi qua thật ý nghĩa".