Đối với người hâm mộ bộ phim "Những thiên thần của Charlie" một thời có lẽ bàng hoàng khi biết được tin, nữ diễn viên Tanya Roberts, người đóng vai thám tử đã qua đời vào tối ngày 4/1, hưởng thọ 65 tuổi.
Vào ngày 24/12/2020, Tynya trên đường dắt chó đi dạo đột ngột bất tỉnh, sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau một thời gian chữa trị, tình hình chuyển biến xấu và đã không qua khỏi. Người đại diện phát ngôn của bà cho hay: "Nguyên nhân cái chết được xác định là do nhiễm trùng đường tiết niệu, lan đến thận, túi mật, gan và sau đó là máu".
Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu lại có thể gây tử vong?
Theo Viện Tiểu đường, Bệnh tiêu hóa, Thận Quốc gia là một phần của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIDDK), nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào của đường tiết niệu, bao gồm niệu đạo, niệu quản và thận. Thông thường, mọi người dễ nhiễm trùng bàng quang.
UTI thường do vi khuẩn thường thấy trong ruột, chẳng hạn như E. coli gây ra. Nói chung, loại vi khuẩn này thường được thải ra ngoài trước khi đến bàng quang, nhưng đôi khi cơ thể không thể chống lại được chúng, nên có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Joshua Halpern, giáo sư tiết niệu tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết: "Điều trị kháng sinh ngắn hạn thường có thể đối phó với UTI, nhưng một số ít người sẽ bị bệnh nghiêm trọng hơn, đặc biệt là đối với những ai đang mắc các bệnh lý khác".
Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể không có các triệu chứng nhiễm trùng trước khi gặp bác sĩ, dẫn đến việc điều trị chậm trễ. Tiến sĩ Jennifer Linehan, phó giáo sư chuyên khoa ung thư tiết niệu tại Viện Ung thư John Wayne thuộc Trung tâm Sức khỏe St. John's ở California giải thích: "Bệnh nhân rất khó nhận biết khi nào họ bị nhiễm trùng bàng quang, nếu không được điều trị, nó có thể lây lan đến thận. Nhưng một khi nó đến thận sẽ gây ra sốt và khó chịu".
Sau khi vào thận, nhiễm trùng còn có thể xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng. "Một khi nhiễm trùng xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, nó có thể lan đến bất kỳ cơ quan nào cơ thể", tiến sĩ Linehan nói.
8 triệu chứng dễ nhận biết nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đối với một người khỏe mạnh, thực tế tình trạng trên rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu có thể xác định các triệu chứng của UTI kịp thời và tìm kiếm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt, bạn có thể ngăn ngừa nó trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam giới. Điều này là do niệu đạo của nữ giới ngắn hơn và vi khuẩn có thể đến niệu đạo dễ dàng hơn. Ngoài ra, đối với phụ nữ thường quan hệ tình dục, họ dễ bị tổn thương niêm mạc niệu đạo dẫn đến giảm sức đề kháng và dễ bị nhiễm khuẩn. Đối với phụ nữ sau mãn kinh, sự thay đổi nồng độ pH trong âm đạo cũng sẽ làm thay đổi vi khuẩn và nấm men trong cơ thể.
Dữ liệu của NIDDK cho thấy, 40% -60% phụ nữ sẽ gặp ít nhất một loại UTI trong đời và 1/4 phụ nữ sẽ bị nhiễm UTI nhiều lần.
Các triệu chứng của UTI thường kéo dài trong vài ngày. Dưới đây là 8 dấu hiệu cần lưu ý:
1. Đau, rát hoặc ngứa ran khi đi tiểu
Đây thường là triệu chứng đầu tiên của UTI. Nếu bạn cảm thấy cơn đau chỉ xuất hiện 1 lần trong ngày và không kèm các triệu chứng khác của UTI, cơ thể có thể đã đào thải được vi khuẩn. Uống nhiều nước có thể giúp loại bỏ một lượng nhỏ vi khuẩn và giúp ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng.
2. Buồn tiểu khẩn cấp
Bạn luôn có cảm giác buồn tiểu khẩn cấp mặc dù vừa mới vào nhà vệ sinh xong, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm UTI. Điều này là do vi khuẩn kích thích niêm mạc của niệu đạo và bàng quang, khiến người bệnh cảm thấy cần phải đi tiểu liên tục. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có bàng quang hoạt động quá mức mà không bị nhiễm trùng. Vì vậy khi tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ, hãy chú ý xem tình trạng đi tiểu này có phổ biến hay không.
3. Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên là một triệu chứng khác của UTI. Nhiễm trùng tiểu sẽ khiến bạn cảm thấy bàng quang căng đầy nhưng khi đi vệ sinh lại chỉ tiểu ra được vài giọt. Thường xuyên đi vệ sinh nhưng hầu như không thuyên giảm là một dấu hiệu rõ ràng cần chú ý.
4. Nước tiểu đục, đỏ hoặc đổi màu
Màu sắc của nước tiểu có thể cho bạn biết nhiều điều, bao gồm cả việc bạn có bị nhiễm vi khuẩn hay không. Ngoài hiện tượng nước tiểu có màu vàng và trong suốt thông thường, bạn nên cảnh giác với bất kỳ màu sắc nào của nước tiểu như đục, đỏ hoặc nâu là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhưng trước khi hoảng sợ, tốt nhất bạn nên nghĩ về chế độ ăn uống của mình trong 24 giờ qua. Nếu bạn ăn phải thứ gì đó khiến nước tiểu đổi màu, màu sắc đó sẽ nhanh chóng biến mất.
5. Mùi nước tiểu nồng nặc
Nước tiểu có mùi hăng nồng là một triệu chứng phổ biến của UTI. Tuy nhiên, các loại thực phẩm như cà phê và măng cũng có thể khiến nước tiểu có mùi hôi.
6. Áp lực, chuột rút hoặc đau xung quanh bàng quang, xương chậu
Phụ nữ cao tuổi khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể bị đau bụng, đầy hơi. Đối với một số phụ nữ sẽ có cảm giác đau cơ và bị chuột rút. Những triệu chứng này thường dễ bị bỏ qua hoặc do những nguyên nhân khác, nhưng hãy nhớ chú ý đến chúng và liên hệ với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
7. Mệt mỏi
Đối với bất kỳ loại nhiễm trùng nào, một khi cơ thể có vấn đề, nó sẽ dễ gây viêm. Điều này kích hoạt việc giải phóng các tế bào bạch cầu, có thể gây ra mệt mỏi. Mặc dù loại mệt mỏi này cũng có thể do thức khuya gây ra nhưng nếu nó vẫn không biến mất sau vài ngày thì cần phải chú ý.
8. Sốt
Nếu sốt xảy ra với các triệu chứng khác được đề cập ở trên, điều đó thường cho thấy tình trạng nhiễm trùng đã trở nên nghiêm trọng hơn và đã lan đến thận. Nếu sốt vượt quá 38,3 độ C, ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi ban đêm, vui lòng tìm trợ giúp y tế ngay lập tức.
Theo Sohu, Nytimes