Tình cờ phát hiện ung thư do sờ thấy hạch trên cổ

Vào tháng 6/2021 khi dịch Covid-19 đang ở mức đỉnh điểm, trong một đêm đi trực chị Trần Thị Thu Phương (41 tuổi, Điều dưỡng, Khoa Quốc tế và Điều trị yêu cầu, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh) vô tình đưa tay lên cổ sờ thấy cổ mình tự dưng có nhiều hạch. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành sắp ập tới, ngày hôm sau, chị Phương đã đi khám chọc xét nghiệm hạch. Kết quả hạch dương tính nghi ngờ ung thư.

Chị Phương tâm sự: "Có đôi lần đi tắm thấy một bên cổ to nhưng tôi chẳng để ý gì. Vì cơ thể trước đó vẫn khoẻ mạnh, còn là lao động chủ lực trong nhà cơ mà".

Bác sĩ chỉ định chị đi chụp CT phổi và kết quả u phổi. Nhận kết quả trên tay, chị Phương thấy rất bàng hoàng.

"Năm nào bệnh viện cũng kiểm tra sức khoẻ vì sao lại không phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm" – chị Phương tự hỏi mình.

Nữ điều dưỡng mắc ung thư phổi giai đoạn cuối: "Thay vì ủ rũ tôi coi ung thư là cơ hội để tôi có thể sửa sai với chính bản thân" - Ảnh 1.

Chị Phương (đứng giữa) chụp ảnh với bệnh nhân và nhân viên trong khoa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, chị Phương đâu có ngờ vị trí khối u ở ngay sau bóng của tim (cách tim 4cm) nên khó quan sát trên phim xquang. Cũng vì lẽ đó mà chị phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn.

"Lúc đó, trái tim tôi chưa đủ lớn để chấp nhận sự thật và đối mặt với căn bệnh ung thư. Nhưng tâm trạng suy sụp đó cũng nhanh chóng qua đi, tôi lấy lại tinh thần ngay. Tôi còn có 2 con nhỏ đang học tiểu học và thời điểm đó Covid-19 đang bùng phát, chồng thì mất việc. Do vậy, nếu giờ tôi suy sụp thì chẳng khác nào tự đóng cánh cửa sống của mình lại.

6 tháng đầu khi phát hiện ra bệnh, tôi dành thời gian để chăm lo cho con và điều trị. Nhưng rồi tôi nhận ra: 'Ồ nếu mình cứ dành thời gian chăm con thì số tiền trong tài khoản cũng hết đi'. Trong khi đó, bản thân tôi vẫn khoẻ mạnh vì sao không đi kiếm tiền và tìm niềm vui mới trong công việc", chị Phương chia sẻ.

Cũng theo chị Phương, quá trình điều trị căn bệnh ung thư phổi của chị rất tốn kém do phải dùng thuốc cực kỳ đắt đỏ. Do vậy, trong suốt quá trình điều trị ung thư, chị Phương chỉ xin nghỉ làm khi phải đi tái khám.

Chiến thắng ung thư nhờ '4T'

Chị Phương chia sẻ bí quyết giúp chị đánh gục căn bệnh ung thư nằm gọn trong 4 chữ T. Chữ T đầu tiên mà chị Phương nhắc tới đó chính là 'tinh thần'. Với chị Phương, tinh thần chiếm tới 70% trong quá trình điều trị. Nhờ có tinh thần mạnh mẽ mà chị cũng chỉ coi ung thư như là một bệnh bình thường, có thuốc chữa và quan trọng là phải lạc quan.

Nữ điều dưỡng mắc ung thư phổi giai đoạn cuối: "Thay vì ủ rũ tôi coi ung thư là cơ hội để tôi có thể sửa sai với chính bản thân" - Ảnh 2.

Được làm công việc giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân, chị Phương thấy hạnh phúc. (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Thú thật là lúc mới biết ung thư mọi người cứ tới hỏi nhiều, động viên tôi cũng tủi thân mà khóc. Nhưng sau đó tôi nghĩ cuộc đời này mình chỉ sống có một lần. Cũng vì thế tôi phải kiên cường. Thay vì ủ rũ, tôi coi ung thư là cơ hội để tôi có thể sửa sai với chính bản thân.

Tôi ngồi với bác sĩ nói chuyện và tìm ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho mình. Rất may là tôi đáp ứng thuốc nên cũng sớm quay trở lại với công việc điều dưỡng yêu thích", chị Phương chia sẻ.

Ung thư đã giúp chị Phương nhận ra trước đây chị chưa thực sự quan tâm tới bản thân. Vì cơ thể đã phát những tín hiệu cảnh báo ung thư trước đó rất lâu, khi mắc bệnh chị ngẫm lại mới biết.

Theo chị Phương, 2 năm trước khi mắc bệnh chị rụng tóc nhiều, khó ngủ, phải nằm sấp mới ngủ được. Tuy nhiên, chị lại bỏ qua tất cả những dấu hiệu cảnh báo đó vì không nghĩ căn bệnh ung thư rơi vào mình.

Bí quyết thứ 2 giúp chị Phương đối mặt với căn bệnh ung thư đó chính là "thực phẩm". Mắc ung thư rồi chị Phương mới thấy mình ăn sai kéo dài đã quá lâu. Với những bệnh nhân ung thư khác điều trị thường sút cân thì chị Phương lại tăng cân, chị cảm thấy người phù và nặng nề hơn.

"Biết tôi mắc ung thư nên mọi người ai có gì ngon, bổ đều khuyên tôi ăn. Cho nên chỉ sau 9 tháng điều trị tôi đã nhanh chóng bị kháng thuốc, cân nặng tăng nhanh có thời điểm lên tới 73kg.

Tôi bắt đầu nhìn nhận lại cách lựa chọn thực phẩm, cách ăn của mình để cân đối lại dinh dưỡng. Tôi ăn rau nhiều hơn, ăn giảm tinh bột, đa dạng bữa ăn, uống thật nhiều nước để thải độc", chị Phương nói.

Nữ điều dưỡng mắc ung thư phổi giai đoạn cuối: "Thay vì ủ rũ tôi coi ung thư là cơ hội để tôi có thể sửa sai với chính bản thân" - Ảnh 3.

Chị Phương coi ung thư là cơ hội để chị sửa sai với bản thân. (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nếu như trước kia chị Phương thích gì ăn đó, ăn cho 'sướng miệng', ăn món khoái khẩu thì nay chị tuân thủ bữa ăn rất khoa học và ăn 5 bữa mỗi ngày. Chị ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn hoa quả ít đường và ăn cả vỏ. Chị Phương bật mí chất chống oxy hoá có nhiều trong vỏ vì vậy chị luôn chọn những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để ăn được cả vỏ.

Nhờ có chế độ ăn khoa học, chọn lựa thực phẩm kỹ càng, trong một tháng chị Phương đã giảm được 10kg, các chỉ số cơ thể tốt lên rất nhiều.

Chị cho biết: "Hoá ra trước kia mình ăn sai nhiều quá, vì làm ngành y công việc nhiều bệnh nhân, trực cấp cứu, trực ca nên ăn là để cho no bụng. Khi học lại cách ăn, tôi mới vỡ ra nhiều thứ. Và tôi ngẫm thấy câu nói 'thân cường thì bệnh khỏi' rất đúng".

Nhắc tới chữ T thứ 3 trong quá trình điều trị ung thư chị phương tâm sự, thể thao là điều không thể bỏ qua. Mỗi ngày chị Phương luôn dành 30-40 phút để tập gym hoặc chạy bộ. Chị tiết lộ nhờ chăm luyện tập thể thao mà chị có tinh thần thiện chiến và sức khoẻ tốt để chống lại mọi nghịch cảnh.

Cuối tháng 12 năm 2022, chị Phương đã giành giải đặc biệt trong cuộc thi "Tôi khoẻ đẹp hơn". Chị Phương cũng thường tham gia các giải chạy tổ chức tại Quảng Ninh và Hà Nội.

Chữ T cuối  cùng được chị Phương nhắc tới trong hành trình điều trị ung thư đó chính là thuốc. Với chị Phương, kiên trì điều trị, uống thuốc theo đúng phác đồ giúp bệnh của chị dần đẩy lùi. Chị khoe lần kiểm tra sức khoẻ mới đây bác sĩ báo tin mừng cho chị khối u nhỏ đi.

Hiện tại, chị cảm thấy khoẻ mạnh, yêu đời và vẫn tiếp tục làm công việc yêu thích là một điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân, lấy việc giúp đỡ bệnh nhân là niềm hạnh phúc cho chính mình.