Bạn Nguyễn Thị Kiều Mây (22 tuổi), hiện là du học sinh tại Đại học Quốc tế Tokyo - ngôi trường xếp hạng thứ 3 trong tốp các trường đại học tốt nhất tại Nhật Bản. Chuyên ngành Kiều Mây theo đuổi là Quản lý Nhân sự.

Ngay từ năm lớp 10, Mây đã lên kế hoạch đi du học. Ban đầu, cô bạn muốn đi du học Úc, nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép nên chuyển mục tiêu sang nước Nhật, sau khi cân nhắc một loạt những yếu tố liên quan như: Điểm GPA, Hoạt động ngoại khóa, Giải thưởng cá nhân, các yếu tố văn hóa - xã hội...

Từ những kinh nghiệm cá nhân, Mây đã chỉ ra những yếu tố mà du học sinh cần cân nhắc khi chọn trường học. Cụ thể như sau:

A. PHÍA TRƯỜNG

I. Ranking (xếp hạng) & review

1.1. Rank trường và rank ngành

Khi chọn trường, yếu tố mà nhiều người quan tâm đó chính là ranking. Có rất nhiều bảng xếp hạng đại học trên thế giới hay của riêng từng quốc gia, từng khu vực nhưng không vì thế mà nó phản ánh được 100% chất lượng của một ngôi trường và mỗi bảng xếp hạng lại có 1 tiêu chí đánh giá khác nhau. Bảng đánh giá rank trường không hoàn toàn đúng vì mỗi trường có 1 ngành thế mạnh riêng. Ví dụ trường A, B, C mạnh về kinh doanh, trường D mạnh về công nghiệp, nếu xếp trường D đứng cuối và chê trường D kém thì cũng không phải.

Mình nên cân nhắc cả rank ngành. Đơn giản thôi, nhấp vào các mục are/subject - chọn ngành mà mình muốn học để xem trường nào tốt.

Nữ du học sinh chỉ ra những yếu tố quan trọng, cần cân nhắc khi chọn trường - Ảnh 1.

Nữ sinh Nguyễn Thị Kiều Mây.

1.2. Ranking chỉ là đánh giá của 1 tổ chức

Có nhiều người thắc mắc tại sao trường này có rank cao ở bảng xếp hạng này nhưng lại rank thấp ở bảng xếp hạng khác. Đơn giản vì tiêu chí của họ khác nhau. Chưa kể, các tổ chức này cũng chưa chắc là các “tổ chức phi lợi nhuận" nên họ đánh giá có công bằng hay không cũng không ai biết. Hoặc đôi khi, các tổ chức đánh giá dựa vào số liệu mà họ thu được, và trường đại học có rất nhiều cách để tác động đến những con số này. Chính vì vậy, ranking chỉ là 1 con số tương đối, không phải tuyệt đối.

1.3. Nhà tuyển dụng có chú trọng ranking hay không?

Lẽ dĩ nhiên, việc học ở 1 trường rank cao sẽ để lại ấn tượng ban đầu rất tốt cho các nhà tuyển dụng nhưng cũng cần nhớ rằng họ thuê nhân viên về để làm việc; thế nên bằng tốt nghiệp không phải là yếu tốt quyết định. Năng lực làm việc, các kỹ năng và tính cách quan trọng hơn nhiều.

Tại những đất nước có tình trạng già hoá dân số nhanh chóng như Nhật, Hàn, du học sinh không cần quan tâm đến câu hỏi này vì họ luôn trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Chỉ cần không kén cá chọn canh, không với quá cao, không phạm pháp và giữ thành tích ở mức ổn định thì 90% du học sinh sẽ tìm được việc làm phù hợp.

2. Review

Đọc review là điều cần thiết khi tìm hiểu về trường nào đó. Tuy nhiên, những review có thể không chuẩn vì... nhiều yếu tố!

Các bạn nên đọc review từ nhiều nguồn khác nhau, bằng các ngoại ngữ khác nhau thay vì đọc bằng tiếng Việt. Nếu tìm kiếm bằng tiếng Việt thì các trung tâm du học và các đại diện trường “thầu” hết rồi. Khuyến khích các bạn đọc thử review trên Quora bằng tiếng Anh.

II. Financial factors (Các yếu tố liên quan đến tài chính)

1. Application fee, tiền nhập học và tiền cơ sở vật chất

Application fee là phí nộp đơn, tức là khi nộp hồ sơ cho trường thì phải nộp thêm phí này. Mỗi trường sẽ có application fee khác nhau, dao động 1 - 4 triệu VNĐ, nếu bạn nào muốn rải hồ sơ thì nên cân nhắc vì nó sẽ tốn 1 khoản kha khá.

Tiền nhập học: ở Nhật, tiền nhập học dao động từ 30 - 50 triệu VNĐ. Sau khi nhận thư báo nhập học, bên trường sẽ yêu cầu phải nộp số tiền này để "giữ xuất". Nếu bạn nào nộp nhiều trường 1 lúc thì phải cân nhắc thời gian cho hợp lý.

Tiền cơ sở vật chất: Các trường ở Nhật hay có loại phí này và sau khi học sinh đậu vô trường mới phải nộp.

Cả 3 loại chi phí này đều được công khai trên web hoặc guideline (bản hướng dẫn) của trường.

2. Học bổng & học phí

Đối với những gia đình không quá giàu có, học bổng và học phí có lẽ là 2 điều quan trọng nhất mà họ quan tâm tới. Nếu các bạn nghĩ cứ phải profile siêu xịn mới xin được học bổng thì cũng không hẳn. Có nhiều loại học bổng đến từ nhiều tổ chức khác nhau:

- Học bổng chính phủ: Cạnh tranh cao, cần 1 bộ hồ sơ đẹp. Tuy nhiên, 1 số nước tại khu vực châu Á như Hàn, Nhật có tỉ lệ cạnh tranh thấp, Trung Quốc thì hào phóng nên họ không yêu cầu 1 bộ CV siêu xịn như Chevening hay Erasmus, các bạn có thể cân nhắc.

- Học bổng Hiệp Định: Là học bổng dưới dạng phối hợp, tức là Chính phủ Việt Nam sẽ phối hợp với Chính phủ nước ngoài để đồng cấp học bổng cho sinh viên cả 2 nước. Hiện nay có 2 học bổng Hiệp Định nổi nhất là Hungary và Nga, tiêu chí xét tuyển dễ dàng hơn, chỉ cần IELTS 6.5 là có cơ hội đậu. Còn học bổng Hiệp định các nước khác thì không được quan tâm mấy.

- Học bổng từ các trường: Tuỳ theo độ khó của từng trường. Ví dụ ở Nhật, Waseda chắc chắn sẽ khó hơn APU. Học bổng trường thường sẽ có cả bán phần và toàn phần. Các bạn có profile khá thường sẽ apply học bổng trường.

- Học bổng từ các tổ chức/công ty/xí nghiệp: Họ có thể đài thọ cả quá trình du học, hoặc có thể chỉ tài trợ sinh hoạt phí như JASSO, Rotary (Nhật Bản), hoặc là trao tiền mặt nhân dịp nào đó.

Trong trường hợp bạn chỉ được học bổng bán phần thì phải nghĩ xem phần còn lại phải trả bao nhiêu, có trả nổi không, nếu không trả được thì nên có phương hướng khác.

Và cũng nên nhớ 1 điều rằng 100% học phí khác toàn phần. 100% là 100% học phí thôi, còn sinh hoạt phí, cơ sở vật chất, bảo hiểm... mình phải tự lo. Còn toàn phần sẽ đài thọ từ A-Z. Vì vậy, nếu đọc được 1 bài đăng rằng trường A có học bổng toàn phần thì đừng tin vội, vào web trường kiểm tra thông tin chính thức đã.

3. Việc làm thêm

Có người đi làm để trải nghiệm nhưng có người đi làm để trang trải cuộc sống. Đất nước đó có cho phép du học sinh đi làm không? Nhật, Hàn, Đài có, Trung Quốc không, Singapore thì cho trường công đi làm, trường tư không.

4. Các khoản nợ sinh viên

Về lý thuyết, gia đình khá giả, chứng minh tài chính được thì mới đậu visa đi du học. Nhưng có nhiều gia đình vay nợ để chứng minh tài chính, hoặc “liên kết" với ngân hàng để được hỗ trợ. Còn chính phủ các nước, hầu như ít có khoản nợ dành cho sinh viên quốc tế mà họ chỉ cho sinh viên bản địa thôi, nhưng cũng có 1 số nước vẫn cho sinh viên vay, như Singapore chẳng hạn. Vậy để vay được thì mình cần những điều kiện gì? Sau này tốt nghiệp liệu có trả được không? Lỡ mình có vấn đề gì thì ai trả món nợ đó?

5. Mentor và tư vấn

Đã là học bổng thì chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh. Và việc xin học bổng khác hoàn toàn so với thi đại học trong nước nên 100% các bạn sẽ nhờ sự tư vấn, giúp đỡ từ các anh chị tiền bối. Nếu bạn nào nghĩ chi phí mentor x triệu khá mắc thì hãy cân nhắc xem mình học được gì và tiết kiệm được bao nhiêu tiền từ khoá mentor đó.

III. Academic Life (Đời sống học thuật)

Hãy đọc review từ các anh chị đi trước và Quora, và nên tra cứu - đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Quora review rất chân thực.

1. Tỉ lệ đầu vào và tỉ lệ tốt nghiệp

Tỉ lệ đầu vào cũng góp phần 1 phần không nhỏ trong việc đánh giá chất lượng trường học. Nếu trường nào mà sinh viên phải tranh nhau, tỉ lệ chọi cao thì khả năng trường đó là trường khá, tốt. Còn trường nào nhận hết hồ sơ thì phải xem xét lại.

Tỉ lệ tốt nghiệp cũng phải cân nhắc vì có nhiều trường đại học giống như cái phễu vậy. Đầu vào thì to như miệng phễu nhưng tốt nghiệp thì thu hẹp lại như đáy phễu. Chuyện trượt môn và chậm tốt nghiệp có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp và chuyện học hành sau này.

2. GPA

Học giỏi, chăm chỉ thì kiểu gì GPA chẳng cao? Cũng đúng. Nhưng mình từng nghe người bạn ở Hong Kong nói rằng có một số trường đều top 40-50 thế giới, học sinh đậu vào trường đều học giỏi nhưng trường ở Hong Kong cho GPA rất khó, trung bình chỉ từ 2.7 - 3.1. Những bạn muốn học lên cao phải cân nhắc vì nhiều tổ chức/trường bây giờ yêu cầu GPA tối thiểu 3.0 cho bậc sau đại học, các học bổng lớn thì cần GPA cao hơn để cạnh tranh.

Nhưng cũng có nhiều trường dựa vào danh tiếng của trường mà bạn theo học bậc đại học để quyết định mức GPA tối thiểu cho bậc thạc sĩ. Như Manchester của Anh, nếu sinh viên đến từ NTU, NUS Singapore thì chỉ cần 3.0/5.0, còn các trường khác ở Sing là 4.0/5.0.

3. Các khoá học

Những trường mới được thành lập sẽ không có nhiều khoá học chuyên sâu như những trường lâu đời.

4. Giáo sư

Thông thường, các trường sẽ công khai profile giáo sư trên web, hãy đọc thử xem họ tốt nghiệp trường nào, kinh nghiệm làm việc như thế nào, có nghiên cứu nào, rồi đọc luôn bài nghiên cứu đó. Chúng ta mong chờ những vị giáo sư có kinh nghiệm giảng dạy, có năng lực nghiên cứu và làm việc để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục.

IV. Student life (Đời sống sinh viên)

Trong phần student life, mình xin nhắc đến 3 yếu tố mà mình cho là quan trọng: networking, các hoạt động ngoại khoá, và thời tiết.

- Networking: Hiểu nôm na là mạng lưới quan hệ. Việc xây dựng mạng lưới quan hệ ở bậc đại học là 1 điều cực kỳ quan trọng vì rất có thể, những người tiền bối, người bạn, người em sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong hiện tại và cả sự nghiệp sau này. Đơn cử như trường mình, có vài bạn kiếm được việc rất tốt nhờ các anh chị giới thiệu, thỉnh thoảng công ty nào đó tuyển part-time, anh chị cũng đăng vào trong nhóm.

- Hoạt động ngoại khoá: Các nhà tuyển dụng bây giờ sẽ thích những người năng động hơn là chỉ ngồi 1 chỗ học bài, hoạt động ngoại khoá cũng góp phần xây dựng 1 chiếc profile đẹp nếu bạn muốn xin học bổng sau đại học. Nếu trường có giải thưởng gì đó, kiểu gì họ cũng cho vào guide book (sách hướng dẫn) để quảng bá hình ảnh, và đọc thử xem nó là gì, trường mạnh về cái gì.

- Thời tiết: hãy cân nhắc đến sức khoẻ và sức chịu đựng của bản thân. Có sức khoẻ là có tất cả.

B. PHÍA HỌC SINH

Thực tế đã có rất nhiều bài viết nói về học sinh, các bạn nên làm cái này, làm cái kia, nên mình xin phép tốm gọn lại: Không với cao, không hạ quá thấp, suy nghĩ cho bản thân và gia đình khi đưa ra quyết định du học/chọn trường. Trường top không hẳn đã tốt, trường phù hợp với mình mới là trường tốt.