Chương trình Shark Tank Việt Nam đã bước vào mùa mới với những màn kêu gọi đầu tư cực kỳ hấp dẫn của các startup. Và trong chương trình ngày hôm qua, có một thương vụ gây ra khá nhiều tranh cãi cho người xem đó là màn gọi vốn của 2 founder một công ty chuyên về thẻ game có sử dụng hình ảnh của các nhân vật lịch sử.
2 founder của start up thẻ game gọi vốn trên sóng truyền hình ngày hôm qua.
Trong phần thuyết trình của mình, 2 bạn trẻ tên là Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo đã đến Sharktank để kêu gọi 1 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần cho dự án Sử Hộ Vương, một startup kinh doanh bằng cách bán những chiếc thẻ trò chơi.
Nói về sưu tập thẻ thì trò chơi này hầu như được biết đến nhiều hơn qua cái tiếng Anh là trading card game (TCG) hoặc colletible card game. Yêu cầu của trò chơi này là người chơi phải sưu tầm những quân bài với hình ảnh và thuộc tính khác nhau đồng thời phải suy tính chiến lược để có thể thắng trong cuộc giao đấu.
Mở đầu mà gọi vốn, 2 founder đã cho các Shark chơi thử với hình ảnh giao diện của các nhân vật. Và bối cảnh mà trò chơi này sử dụng chính là lịch sử của Việt Nam với những cái tên rất quen thuộc như Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh hay Nguyễn Du. Trong các cuộc đấu, những nhân vật này sẽ đấu với nhau xem ai là người chiến thắng.
Các thẻ game của start up được giới thiệu với các Shark.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ có vậy. Sau khi trải nghiệm thử và quan sát kỹ những chi tiết của trò chơi, các Shark đã ngay lập tức nhận ra vấn đề nằm phần đồ họa chân dung nhân vật. Theo đó, mặc dù lấy tên các nhân vật lịch sử nhưng thiết kế nhân vật lại sử dụng kiểu vẽ truyện tranh của Nhật Bản và Trung Quốc. Nhìn những người anh hùng được thần tượng trong lịch sử người thì tóc vàng, người thì tóc dài lãng tử, người thì mặc đồ hở khoe cơ bắp, người thì ăn vận như kẻ phong trần phiêu du. Đặc biệt hơn nữa, thân hình của ai cũng cao lớn không giống với hình ảnh quen thuộc của người Việt Nam.
Shark Liên chia sẻ: "Những nhân vật lịch sử mà các bạn đang vẽ không giống với nhân vật thật. Như Nguyễn Huệ chẳng hạn, tôi cảm thấy như là truyện tranh gì đó của Nhật Bản". Còn Nguyễn Du thì được Shark Hưng ví von như Lãng Tử Yến Thanh, một nhân vật trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc của Trung Quốc. Cả hai Shark đều không chấp nhận điều này.
Tạo hình nhân vật Nguyễn Huệ khiến các Shark không thể không lên tiếng.
Đáp lại lời nhận xét này của các Shark, Phương Thảo dùng một thái độ và cách lên giọng khá gây tranh cãi để hỏi lại: "Có anh chị nào đã từng nhìn thấy Nguyễn Huệ thật sự không ạ? Hay là mình chỉ nhìn thấy được qua những bức tượng do cha ông ta khắc nên thôi?"
Cả Shark Liên và Shark Hưng đều phải dùng những từ ngữ khá mạnh. "Chính vì chưa nhìn thấy cho nên rất cần một người khắc họa nhân vật lịch sử để làm sao khi nghĩ về nhân vật đó có sự tôn trọng, tôn vinh lịch sử nước ta chứ không phải kiểu "bum bum chạt chạt" như thế này. Chúng ta không nhìn thấy Nguyễn Du nhưng cũng không thể lai căng được. Thanh niên bây giờ có thể nhuộm tóc đen thành vàng nhưng không thể nhuộm cho Nguyễn Huệ được", Shark Hưng bình luận. Sau đó, Shark Liên cũng góp ý: "Thêm nữa nhân vật phải là người Việt, nếu không giống được 100% thì cũng phải có sự nhận diện cơ bản như tóc đen, mũi tẹt, da vàng".
Phương Thảo hỏi vặn lại các Shark về việc đã ai từng nhìn thấy Nguyễn Huệ hay Nguyễn Du ngoài đời thực hay chưa?
Shark Hưng và Shark Liên là những người phản đối nhiều nhất.
Founder Phương Thảo tiếp tục hỏi: "Các anh chị có biết được nét vẽ nào là của người Việt Nam và nét vẽ nào là vẽ người Việt Nam thuần Việt không ạ?"
Đến lúc này, các Shark có vẻ đã không thể giữ nổi bình tĩnh nữa. Shark Liên nói: "Các bạn mới chỉ đưa tên và lại áp lên hình ảnh lai căng như vậy thì hoàn toàn không ổn về mặt văn hóa. Mình phải tự hào mình là người Việt cái đã sau đó kinh doanh chúng ta tính sau. Nhân vật của các bạn đang bị méo mó. Lấy nhân vật lịch sử thì phải tôn trọng cái gốc lịch sử. Không thể vẽ cái gì lên cũng được.
Shark Hưng: "Nếu các bạn mượn lịch sử để kinh doanh thì không được xúc phạm phỉ báng nhân vạt. Tôi không thích thần tượng của tôi bị bóp méo không liên quan đến hình tượng tôn thờ. Đặt cương vị là một người bố, tôi sẽ không mua thẻ game này cho con tôi. Chúng ta không phán xét lịch sử, những nhân vật được ghi nhận có công mang đi cho đấu với nhau thì khi kết quả của trận đấu xảy ra sẽ tạo ra cái nhìn không đúng về các nhân vật đó. Tôi kết luận là game này không có chỗ đứng theo quan điểm của tôi và không đầu tư".
Shark Hưng quyết định không đầu tư cho dự án này.
Các Shark đều tỏ ra rất không hài lòng với cách làm của 2 founder này. Dàn cá mập bình luận rằng dùng lịch sử để làm trò chơi giúp cho giới trẻ hiểu thêm về cội nguồn là điều tốt nhưng cách làm của startup này đang bị sai lệch. Mà theo lời của Shark Dũng thì một nhân vật phải gắn với hình ảnh của họ, nếu phác họa ra không đúng với trí tưởng tượng thì sẽ làm sai lệch. Ngay từ đầu đã sai thì sẽ không có ai hiểu không đúng về nhân vật lịch sử nữa cả.
Xét một cách toàn diện thì tất cả các Shark đều không đồng tình với dự án này của 2 founder. Và thêm một điều nữa khiến cho khán giả xem truyền hình cảm thấy không hài lòng với phần trình bày này chính là việc Phương Thảo liên tục "cãi chày cãi cối" cho bằng được để bảo vệ lập luận của mình. Điều này là rất tốt đối với những người làm kinh doanh nhưng nó chỉ được công nhận khi lý lẽ đó là đúng.
Phương Thảo cãi rất nhiều trong suốt quá trình gọi vốn bằng tông giọng và nét mặt không thân thiện.
Lại nói về việc làm lịch sử, 2 founder giải thích rằng muốn kinh doanh thẻ game này là vì yêu lịch sử. Trong khi đó khi hỏi Thảo rằng việc học sử của cô thế nào thì Thảo lại chỉ đạt có 5 điểm khi tốt nghiệp lớp 12. Còn về phía Vĩnh Lộc, anh có 5 năm nghiên cứu lịch sử thông qua các đầu sách cho nên thông tin anh cung cấp có thể đúng nhưng sẽ bị sai lệch khi được gắn với tạo hình của các nhân vật theo kiểu như thế này.
Phương Thảo là học sinh trung bình môn lịch sử nhưng lại đứng ra kinh doanh dựa vào lịch sử. Nói ra liệu mấy ai tin?
Cuối cùng, Shark Liên đã quyết định xuống tiền đầu tư cho 2 founder này nhưng không phải với mục đích kinh doanh mà chỉ muốn giữ lại văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, Phương Thảo trả lời rằng bản thân không muốn dự án bị thay đổi giá trị cốt lõi nên từ chối nhận đầu tư và sẽ tự lực cánh sinh để kinh doanh sau này.
Shark Liên đầu tư là để chỉnh đốn lại tạo hình nhân vật nhưng đã bị founder từ chối.
Ngay sau khi chương trình được phát sóng, đã có rất nhiều khán giả bình luận về diễn biến kêu gọi đầu tư này. Phần đa đều đều đồng ý với nhận định của các Shark và đề nghị 2 founder này nên tiếp thu ý kiến để làm tốt hơn.
"Xem Sử Hộ Vương thấy tạo hình nhân vật mất hình tượng. Bị bóp méo quá mức như thế, thật không khác gì mấy truyện tranh Nhật Bản".
"Các Shark nhận xét vậy là đúng rồi, nếu là nhân vật hư cấu thì vẽ sao cũng được, nhưng nếu vẽ nhân vật lịch sử thì cũng phải có nét với văn hóa Việt Nam. Nhìn hình nhân vật này ăn theo Trung và Nhật quá".
"Shark Liên máu ghê luôn, vẫn quyết bơm tiền vào Sử Hộ Vương chỉ để thay đổi nó lại cho đúng với quốc hồn, quốc tuý. Ai làm lại bà ngoại đây?"
"Shark Liên có định hướng đầu tư khá riêng biệt. Không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì sự nhân văn".
"Xem trailer thì nói Shark Liên này nọ, xem hết mới thấy bạn kia cãi ngang, nói thì không chịu tiếp thu".