3 con người chúng tớ, một cậu bé đặc biệt và bố mẹ cậu - những người chọn lối sống đặc biệt một phần cũng vì cậu, lại dành cả một ngày để làm những điều rất đỗi bình thường bên nhau.

Mẹ tưới cây, làm vườn. Bố nấu nướng. Ong vẽ. Bố và Ong ôm nhau ngồi xích đu ngắm núi và mây, rồi kéo nhau đi dọn bể bơi. Mặt trời sắp lặn, cả nhà vào rừng hạt dẻ nhặt rác của những người kém ý thức để lại, được 3 túi đầy...

(Lời của mẹ Bạch Thùy Linh, mẹ của cậu bé mắc hội chứng tự kỷ tên Ong, về chuyện khi gia đình chị quyết định rời thành thị về nông thôn để sống 1 cuộc sống khác với mong muốn cho Ong có môi trường học tập và 1 cuộc sống gần gũi thiên nhiên, hạnh phúc hơn)

Thay đổi môi trường sống, "bỏ phố về quê" vì con

- Từng đóng 4 cơ sở dạy tiếng Anh, đổi mọi công sức và tiền bạc để lấy... 3 giây con nhìn vào mắt mình. Rồi sau đó, vào lúc tạo lập lại được sự nghiệp đang ổn, vẫn đang điều hành 1 trung tâm tiếng Anh, công việc bận rộn trên phố, chị lại chọn đưa cả gia đình về nông thôn sống. Lý do có phải vẫn là... vì Ong...

Một em bé mắc chứng tự kỷ kèm tăng động giảm chú ý rất cần không gian sống rộng rãi để vận động, xả năng lượng, cũng như có bạn để chơi, tương tác.

Trước khi quyết định bỏ phố về quê, con tôi thường phải dậy lúc 6h, mắt nhắm mắt mở lên xe bus của trường (trường Spring Hill ở huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội), lên xe lại ngủ tiếp hơn 1 tiếng đến trường và lặp lại chiều về như vậy.

Nữ giám đốc Hà Nội quyết đinh "bỏ phố về quê" vì muốn con tự kỷ có môi trường học tập và 1 cuộc sống gần gũi thiên nhiên - Ảnh 2.

Một em bé mắc chứng tự kỷ kèm tăng động giảm chú ý rất cần không gian sống rộng rãi để vận động, xả năng lượng, cũng như có bạn để chơi, tương tác.

Về đến thành phố, con lại chui vào một “cái hộp bê tông” khác, xung quanh hầu như không có bạn chơi cùng, rồi quay cuồng với guồng ăn tối - làm bài tập - đi ngủ là hết ngày, chưa kể còn phải hít không khí đầy ô nhiễm trong suốt thời gian còn lại.

Tôi quyết định thay đổi hẳn môi trường sống với hy vọng con sẽ cảm thấy tốt hơn với cuộc sống mới.

- Và thực tế đã có hơn 2 năm sống "ở quê", chị nhận thấy có những ưu điểm gì cho 1 em bé tự kỷ được sống gần gũi với thiên nhiên, đi học và hưởng cuộc sống yên bình? Có những hạnh phúc nào không thể mua được bằng tiền?

Tiếc thời gian bị bỏ phí của con, chúng tôi quyết định tìm mua đất xây nhà ở gần trường, khi trường chuyển ra ngoại thành, để con có thể tiết kiệm 2 tiếng rưỡi mỗi ngày trên xe ô tô, thay vào đó được đi bộ đi học sáng và về buổi chiều, được ngắm nhìn cảnh đẹp làng quê, hít thở không khí trong lành 24 giờ mỗi ngày.

Nữ giám đốc Hà Nội quyết đinh "bỏ phố về quê" vì muốn cho con tự kỷ có môi trường học tập và 1 cuộc sống hạnh phúc, gần gũi thiên nhiên - Ảnh 3.

"Việc bỏ phố về quê, sống gần gũi với thiên nhiên cũng là một trong những phương thuốc thần kì cho chính sức khỏe tinh thần của tôi", mẹ Ong.

Quan trọng hơn, khi mua đất, chúng tôi “rủ rê” được 8 gia đình nữa có con đang học cùng trường tiểu học, mua cạnh nhau rồi cùng xây, giữa các nhà không có tường rào ngăn cách, trẻ con cứ đi học về là quăng cặp sách rồi khoác vai nhau đi lê la hết nhà nọ đến nhà kia chơi, vô cùng thân thiết.

Những đứa trẻ hàng xóm được dạy cách chơi và thông cảm với Ong, ban đầu cũng gặp khó khăn nhưng rồi chúng cũng học được cách hòa thuận với nhau. Điều tưởng đơn giản ấy lại là điều vô cùng quý giá với chúng tôi.

- Và rồi bản thân chị có phải đánh đổi hoặc cố gắng tìm cách thích nghi với cuộc sống mới để sắp xếp công việc ổn thỏa?

Tôi bắt đầu chuyển về Quốc Oai từ tháng 1-2019, tới bây giờ đã hơn 2 năm. Trong 2 năm, tôi dần dần sắp xếp lại công việc để có thể làm việc từ xa nhiều hơn. Trước đây, là một cô giáo dạy tiếng Anh kiêm điều hành một chuỗi trung tâm tiếng Anh, hầu như buổi tối nào tôi cũng phải dạy học, ban ngày thì quay cuồng với các công việc quản lý.

Để thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình, tôi phải bớt dần các lớp dạy buổi tối, từ 6 tối rút xuống còn 2 tối/ tuần. Tôi cũng tập trung đào tạo đội ngũ nhân viên thân cận lâu năm để có đủ năng lực thay tôi quản lý công việc trực tiếp tại các cơ sở. Tôi áp dụng nhiều phần mềm quản lý để có thể theo dõi, giám sát công việc từ xa mà vẫn hiệu quả.

Ban đầu, tôi cũng lo lắng là hiệu quả công việc có giảm không, thu nhập có bị ảnh hưởng không, nhưng sau hơn 2 năm, tôi lại thấy tôi làm việc hiệu quả hơn khi được sống trong một không gian sống giữa thiên nhiên khoáng đạt và lịch sinh hoạt cân bằng.

- Hiện tại 1 ngày của gia đình chị diễn ra như thế nào?

Buổi sáng tôi thức dậy lúc 7h, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, gọi con dậy lúc 7h20 và cả nhà ra khỏi nhà lúc 7h50. Trường con cách nhà 2.5km, lại thuận đường bố đi làm, nên bố lãnh nhiệm vụ đưa con đi học mỗi sáng.

Buổi chiều, dù xong việc hay chưa, tôi cũng đóng máy tính lúc 3h30, đi bộ tới trường con, có hôm lười thì nhờ hàng xóm đèo xe máy ra trường, rồi dắt tay con đi bộ về. Quãng đường và thời gian bỏ ra cho 5km đó, tôi coi như thời gian tập thể dục, cải thiện sức khỏe. Hai mẹ con vừa đi vừa ngắm cảnh, hái hoa, lang thang khám phá các nơi, có khi mất cả tiếng đồng hồ.

Tổ ấm xinh xắn của gia đình Ong khi chọn "bỏ phố về quê".

Con rất hào hứng mỗi chiều được đi bộ về cùng mẹ. Thấy mẹ ở cổng trường, có những lúc con tự hào chỉ mẹ và khoe với các bạn “Mẹ tớ đấy!” vì các bạn khác đều phải lên xe bus, ngồi hơn 1 tiếng, có bạn gần 2 tiếng mới về đến nhà, và tất nhiên không có mẹ đến đón.

Về đến nhà, trong lúc tôi nấu cơm thì con chơi với các bạn hàng xóm hoặc làm bài tập. Khi con đi ngủ là lúc tôi lại quay về giải quyết nốt đám công việc bận rộn.

Tôi xuống phố vào mỗi thứ 4 và thứ 7 để làm việc trực tiếp với đội ngũ nhân viên và dạy hai lớp buổi tối. Những hôm đó, con đi nhờ xe bus của trường về Hà Nội, có ông bà ngoại đón và chăm sóc.

- Ong đã từng "thú nhận" thế nào về cuộc sống ở nông thôn, những khoảnh khắc nào chị nhận ra quyết định "bỏ phố về quê" là 1 quyết định đúng đắn?

Ong rất yêu ngôi nhà trên đồi của chúng tôi vì từ khi lên lớp 1, ngôi trường của con đã chuyển ra ngoại thành, và hàng ngày con được dạy về môi trường và thiên nhiên.

Từ khi mới chuyển về quê, con đã nhất định không chịu về lại thành phố sống vì con biết thế nào là ô nhiễm không khí, thế nào là rác bẩn, nước bẩn, ô nhiễm tiếng ồn… và nhất là không có những bãi đất rộng để chạy thoải mái, không có bạn hàng xóm để chơi cùng.

Nữ giám đốc Hà Nội quyết đinh "bỏ phố về quê" vì muốn cho con tự kỷ có môi trường học tập và 1 cuộc sống hạnh phúc, gần gũi thiên nhiên - Ảnh 5.

Khoảnh khắc khi con chơi vui vẻ, hòa đồng với những bạn hàng xóm khiến tôi cảm thấy biết ơn và thấy mình đã đúng. Mỗi khi về lại thành phố, đưa con vào công viên, vườn hoa, khu sân chơi chung… con vẫn thường bị những đứa trẻ lạ kì thị vì con chưa biết cách chơi hay nói chuyện đúng.

Cũng có lúc đã nghĩ tới việc ly hôn, nhưng con "nối" chúng tôi lại

- Không ít gia đình Việt khi có 1 đứa con có khiếm khuyết, người đàn ông có xu hướng hoảng sợ và... bỏ chạy. Còn chị làm thế nào để người đàn ông của mình cùng vun vén xây 1 cuộc sống cùng nhau, cùng cho Ong hạnh phúc?

Tôi nghĩ đầu tiên, tôi có phần may mắn khi người đàn ông bên cạnh mình về bản chất là một người hướng về gia đình, yêu thương con đủ lớn để hy sinh.

Thời gian đầu hôn nhân và đặc biệt khi biết con mắc chứng tự kỷ, chúng tôi cũng đã có rất nhiều mâu thuẫn, xung đột. Tuy nhiên, tôi nghĩ đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Tôi tìm đủ mọi cách để đối thoại được với đối phương, lắng nghe suy nghĩ của anh ấy, đề xuất giải pháp giải quyết từng khúc mắc một.

Tôi chủ động tìm kiếm trung tâm can thiệp, đọc sách về các phương pháp can thiệp tự kỷ tại nhà, rồi đề nghị anh ấy giúp một tay từ những việc nhỏ nhất và nâng dần độ khó lên.

“1 đứa trẻ tự kỷ phải cần đến 13 chuyên gia. Không phải chỉ như y học, bạn bị bệnh nào tìm đến thầy thuốc đó. Tự kỷ là là tất cả các vấn đề vận động, điều hòa cảm giác, tâm lý, ngữ âm trị liệu... Mỗi đứa trẻ có một khó khăn khác nhau để cần đến những chuyên gia khác nhau”.

Mẹ Ong

Cũng có lúc cả hai đều xuống tinh thần, thậm chí nghĩ đến ly hôn, lúc đó khi đứng trước viễn cảnh không được sống cùng con nữa, anh ấy lại lấy đó làm động lực để cố gắng thay đổi bản thân hơn, thấu hiếu khó khăn của vợ hơn.

- Người ngoài nhìn vào việc có 1 đứa con tự kỷ thường có cái nhìn ái ngại, còn chị là người trong cuộc bản thân chị thì sao, chị đã nghĩ và làm như thế nào để mỗi ngày vẫn luôn là 1 ngày vui?

Nuôi 1 em bé bình thường đã có rất nhiều khó khăn rồi, thì nuôi 1 em bé khiếm khuyết có thể vất vả gấp 10, gấp trăm lần. Tuy nhiên tôi luôn cố gắng nhìn vào những ưu điểm của con để có động lực sống, cũng như cố gắng tìm hướng phát triển những ưu điểm đó của con để tìm một công việc phù hợp cho con trong tương lai.

Nữ giám đốc Hà Nội quyết đinh "bỏ phố về quê" vì muốn cho con tự kỷ có môi trường học tập và 1 cuộc sống hạnh phúc, gần gũi thiên nhiên - Ảnh 7.

"Sau nhiều năm đồng hành cùng con, tôi hiểu ra rằng chỉ khi người mẹ có tâm lý vững vàng, đời sống tinh thần thoải mái, mới có thể giúp con can thiệp hiệu quả", mẹ Ong nói.

Ví dụ con có thể sử dụng tốt tiếng Anh, phát âm chuẩn, biết đâu sau này có thể làm trợ giảng lớp tiếng Anh cho mẹ. Con thích lập trình và có thể trở thành một lập trình viên trong tương lai, một công việc không đòi hỏi phải giao tiếp nhiều. Khi gặp áp lực trong việc nuôi dạy con, tôi tự tìm ra cho mình niềm vui mỗi ngày ở những đam mê khác như ca hát, làm vườn, công việc với những nhân viên, học trò và phụ huynh dễ thương.

Sau nhiều năm đồng hành cùng con, tôi hiểu ra rằng chỉ khi người mẹ có tâm lý vững vàng, đời sống tinh thần thoải mái, mới có thể giúp con can thiệp hiệu quả.

- Nuôi dạy 1 đứa trẻ bình thường với nhiều bà mẹ đã rối như canh hẹ, còn với chị nuôi 1 đứa con tự kỷ chắc hẳn...

Một em bé tự kỷ gặp khó khăn ở rất nhiều mặt: kém ngôn ngữ, không biết cách giao tiếp, tương tác xã hội, rối loạn giác quan, rối loạn hành vi, kém kiềm chế cảm xúc… Với mỗi khó khăn lại có vô vàn dạng, thể và những cách xử lý khác nhau. Một đứa trẻ bình thường cần 1 khoảng thời gian để học một kĩ năng gì đó, nhưng với trẻ tự kỷ có thể là 10, 100, 1000 lần hoặc thậm chí không bao giờ học được.

Tới thời điểm này, mỗi ngày tôi vẫn thấy tim mình đập nhanh khi màn hình điện thoại hiện lên tin nhắn hoặc cuộc gọi từ cô giáo đi kèm, cô chủ nhiệm hoặc thầy cô lãnh đạo trường, vì rất có thể là thông báo con đã gây một rắc rối nào đó ở trường trong ngày, như chơi với bạn mạnh tay làm bạn đau, bùng nổ tức giận khi có một chuyện không đúng ý xảy ra...

Càng lớn, tần suất gây rắc rối của con càng giảm, nhưng sự lo lắng bất an của người mẹ thì không hề thuyên giảm.

Những người mẹ dám bước ra ánh sáng như tôi vẫn còn rất nhiều việc để làm, để chiến đấu

- 1 câu chuyện thật lúc chị đã khóc, đã tuyệt vọng và suy nghĩ tiêu cực?

Có vài lần tôi đã tuyệt vọng và suy nghĩ tiêu cực, đó là khi có vài lần con không kiềm chế được cảm xúc nên xô xát với bạn. Câu chuyện của trẻ con biến thành sự mâu thuẫn giữa những người lớn.

Càng lớn, tần suất gây rắc rối của con càng giảm, nhưng sự lo lắng bất an của người mẹ thì không hề thuyên giảm.

Mẹ Ong

Nhưng sau tất cả những phút yếu lòng, tôi trở về ôm lấy con, nhìn đứa con luôn nhoẻn cười hồn nhiên, tình cảm nói lời yêu mẹ bất cứ lúc nào, thông minh, ham đọc sách, có trí nhớ khác thường và nhiều ưu điểm khác mà phải đủ yêu thương và bao dung mới có thể nhận ra, tôi nghĩ mình lại càng cần phải mạnh mẽ hơn để sống tốt và đồng hành tiếp cùng con, giúp thế giới nhận ra những ưu điểm của con và chấp nhận con như một công dân có ích.

Nữ giám đốc Hà Nội quyết đinh "bỏ phố về quê" vì muốn cho con tự kỷ có môi trường học tập và 1 cuộc sống hạnh phúc, gần gũi thiên nhiên - Ảnh 8.

Nữ giám đốc Hà Nội quyết đinh "bỏ phố về quê" vì muốn cho con tự kỷ có môi trường học tập và 1 cuộc sống hạnh phúc, gần gũi thiên nhiên - Ảnh 9.

Việc bỏ phố về quê, sống gần gũi với thiên nhiên cũng là một trong những phương thuốc thần kì cho chính sức khỏe tinh thần của tôi. Khi thấy mình bắt đầu rơi vào trạng thái tiêu cực, tôi bỏ máy tính điện thoại xuống, đi làm vườn, trồng hoa, nhổ cỏ, hay đi leo núi… và lại nhanh chóng lấy lại năng lượng tích cực.

- Ngày 2/4 là Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, dưới tư cách 1 bà mẹ đã bước ra ánh sáng công khai con mình là trẻ tự kỷ, với sự chiến đấu kiên cường của mình và việc đã lên tiếng để người khác hiểu về tự kỷ. Chị thấy có lúc nào mình vẫn đơn độc?

Dù đã bớt cô độc khi nhìn thấy xung quanh ngày càng nhiều cha mẹ dám thừa nhận con mình đặc biệt và chủ động đồng hành cùng con, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ không thể hết cảm giác cô độc, khi ở nhiều nơi, truyền thông vẫn đưa những thông tin sai lệch như “vì cha mẹ cho con xem TV, iPad quá nhiều nên bị tự kỷ”, lên mạng vẫn thấy giới trẻ dùng từ tự kỷ như một thứ mốt, một trò đùa vui, hay ra đường vẫn nghe những đứa trẻ con mắng nhau là “Mày thần kinh à, tự kỷ à?”.

Tôi nghĩ những người mẹ dám bước ra ánh sáng như tôi vẫn còn rất nhiều việc để làm, để chiến đấu để con mình ngày càng được xã hội, cộng đồng hiểu đúng hơn, thông cảm và hỗ trợ nhiều hơn, thay vì kỳ thị và xa lánh.

- Hiện tại điều mong muốn lớn nhất của chị và những bà mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ nói chung là gì?

Tôi mong muốn trong thời gian tới, các giáo viên, các nhà quản lý giáo dục sẽ được đào tạo bài bản về cách hỗ trợ, tương tác đúng với học sinh tự kỷ để trẻ tự kỷ được tạo điều kiện hòa nhập với cộng đồng hơn. Luật pháp sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho trẻ tự kỷ ngang bằng với những loại khuyết tật khác.