Nữ hoàng Anh Elizabeth II (1926 - 2022) đội vương miện trong bức ảnh chụp năm 2007 - Ảnh: REUTERS
“Nữ hoàng đã ra đi yên bình tại Balmoral vào chiều nay. Vua và Hoàng hậu sẽ ở lại Balmoral vào tối nay và sẽ trở lại London vào ngày mai", thông báo của Điện Buckingham về sự ra đi của vị nữ vương 96 tuổi chỉ gói gọn trong hai câu.
Trong vài chục phút sau khi tin Nữ hoàng băng hà chính thức được phát, hơn một chục chính khách và nguyên thủ quốc gia đã chọn mạng xã hội để chia buồn với nước Anh và hoàng gia. Danh sách được dự báo sẽ còn rất dài, đến từ mọi tầng lớp bởi trong hơn 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã đi nhiều nơi và truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle gọi việc Nữ hoàng qua đời là một mất mát lớn của đất nước và tất cả người dân Anh. "Đối với tất cả chúng ta, Nữ hoàng đã hiện diện thường xuyên trong cuộc sống - quen thuộc như một thành viên của gia đình, nhưng là người có tầm ảnh hưởng lớn, phủ khắp đất nước", ông Hoyle bày tỏ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thì nhắc lại kỷ niệm hai lần Nữ hoàng Elizabeth II đến trụ sở Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh Nữ hoàng là một người dành suốt đời bền bỉ cống hiến cho đất nước và phục vụ nhân dân của mình. "Thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà", ông Guterres viết.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II được chào đón trong một sự kiện ở Cambridge (Anh) vào tháng 4-2011 - Ảnh: REUTERS
"Đây là khoảnh khắc buồn nhất cuộc đời tôi và tất cả các thành viên trong gia đình, khoảnh khắc người mẹ kính yêu của tôi qua đời", Thái tử Charles - người bây giờ đã là vị vua mới chờ đăng quang của nước Anh - trải lòng trong một tuyên bố được Điện Buckingham công bố sau tin Nữ hoàng băng hà.
Thái tử Charles, 73 tuổi, sẽ tự động kế vị Nữ hoàng Elizabeth II cũng như trở thành nguyên thủ của 14 quốc gia khác thuộc Khối Thịnh vượng chung.
Các nhân viên Điện Buckingham ở London thông báo về sự qua đời của Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 8-9 - Ảnh: REUTERS
Trước đó, các bác sĩ đã lo ngại về sức khỏe của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và khuyến nghị giám sát y tế vị nữ vương 96 tuổi.
Thông cáo được Điện Buckingham đưa ra chiều tối 8-9 (giờ Việt Nam), tức chỉ một ngày sau khi người ta nhìn thấy vị nữ vương bổ nhiệm tân Thủ tướng Liz Truss, có đoạn: "Sau khi đánh giá thêm vào sáng nay, các bác sĩ của nữ hoàng lo ngại cho sức khỏe của bà và đã khuyến cáo bà nên tiếp tục giai đoạn giám sát y tế".
Nhiều chỉ dấu từ trưa 8-9 (giờ Anh), tức tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, đã khiến nhiều người nghĩ về một tương lai không còn Nữ hoàng.
Sau thông cáo từ Điện Buckingham cho biết các bác sĩ lo lắng cho tình trạng sức khỏe của bà, Thái tử Charles cùng phu nhân và hàng loạt thành viên hoàng gia, từ con đến cháu đã vội vã tới lâu đài Balmoral, nơi Nữ hoàng an dưỡng mấy ngày qua.
Nhân viên ở lâu đài Holyroodhouse, tại Holyrood, thành phố Edinburgh, Scotland gắn thông báo về sự qua đời của Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 8-9 - Ảnh: REUTERS
Các đài truyền hình lớn của Anh, trong đó có BBC, đã ngừng phát sóng chương trình thường nhật và thay bằng chương trình tin tức đặc biệt. Người dẫn chương trình mặc âu phục đúng theo quy định khi có một thành viên cấp cao Hoàng gia qua đời, các hãng thông tấn đưa nội dung tóm tắt cuộc đời Nữ hoàng càng khiến người dân lo có sự chẳng lành.
Trị vì trong 70 năm liên tục, Nữ hoàng Elizabeth II là quân vương có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Kỷ lục trước đó thuộc về Nữ hoàng Victoria nắm giữ với 63 năm 7 tháng 2 ngày trị vì tính đến năm 1901.
Đại lễ kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng vừa được tổ chức trên khắp nước Anh vào đầu tháng 6 vừa qua.
Trên thế giới, chỉ có hai vị vua có khoảng thời gian trị vì lâu hơn Nữ hoàng Anh Elizabeth II là Vua Louis XIV của Pháp, người giữ ngai vàng trong hơn 72 năm (1643 - 1715), và Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, với khoảng thời gian nắm quyền 70 năm 4 tháng tính đến tháng 10-2016.