Nếu phương Bắc, đất nước Trung Hoa có đại đế nữ vương Võ Tắc Thiên, thì phương Nam cũng có một nữ vương duy nhất, đó là Lý Chiêu Hoàng. Tuy không uy quyền và nắm giữ triều đại lâu như nữ vương họ Võ, chỉ ngồi trên ngôi vị có 2 năm nhưng Lý Chiêu Hoàng lại có một cuộc đời bi ai, đầy sóng gió mà hậu thế ít ai biết được.
(Ảnh minh họa)
Lý Chiêu Hoàng vốn là con gái của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung, với tên thật là Lý Phật Kim, sau đổi là Lý Thiên Hinh. Bà sinh ra và lớn lên vào những năm 1218 – 1278, giai đoạn triều nhà Lý bắt đầu suy yếu. Ngay từ thời ông nội của bà, tức là vua Lý Cao Tông, ông được biết là một vị vua bạc nhược, không màng trị nước, để dân chúng lâm vào cảnh đói kém lầm than.
Tuy nhiên, mọi chuyện cũng không khả quan hơn là mấy khi đến thời vua cha của Lý Chiêu Hoàng, vua Lý Huệ Tông vì chính tay ông giao quyền hành trị nước, trị dân lại cho Thái úy Hứa Dĩ Mông, một người không có học thức, không mưu lược, lại chẳng quyết đoán, nên chính sự ngày một đổ nát, nhà Lý suy sụp dần từ đây.
Lên ngôi khi 6 tuổi, đánh dấu cuộc đời bi thảm của vị nữ hoàng độc nhất lịch sử Việt Nam
(Ảnh minh họa)
Đỉnh điểm là đến năm 1217, Huệ Tông bị phát bệnh điên, tự xưng là Thiên tướng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Đến tháng 10 năm Giáp Thân 1224, thấy triều đình lụn bại, cậu họ của Lý Chiêu Hoàng, tức là anh họ của hoàng hậu Trần Thị Dung – Thái sư Trần Thủ Độ, bấy giờ là người nắm giữ quyền lực nhất triều đình đã ra sức ép Lý Huệ Tông phải đưa con gái Lý Chiêu Hoàng của mình lên làm Thái tử rồi nhường ngôi.
Thế là công chúa Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vua năm 6 tuổi, lấy hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Chính cột mốc nầy cũng đánh dấu cho một cuộc đời bi ai, đầy sóng gió của vị nữ hoàng độc nhất trong triều đại phong kiến Việt Nam. Tuy mang danh là nữ hoàng, trị vì giang sơn nhưng bấy giờ, Lý Chiêu Hoàng còn quá nhỏ tuổi, chưa biết điều hành chính sự, vì thế quyền lực thực sự rơi hết vào tay nhà Trần, do cậu của ngài, Thái sư Trần Thủ Độ cai quản.
Sách xưa kể lại, đến năm 1225, Trần Thủ Độ đã dàn xếp cho cháu trai 7 tuổi của mình là Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông sau này) vào cung hầu hạ Chiêu Hoàng, với chức vụ chính thủ (chực hầu bên ngoài). Chiêu Hoàng rất thích vị người hầu này, thường những lúc tối đêm, Chiêu Hoàng cho gọi Trần Cảnh vào cung để cùng chơi. Cô bé hay trêu chọc Cảnh, nắm tóc hoặc... giẫm lên bụng Cảnh. Có lúc cô còn té nước lên mặt Cảnh hoặc ném khăn trầu cho Cảnh.
Cảnh biết mình chơi đùa với vua như vậy là có lỗi, bèn lễ phép lạy Chiêu Hoàng rồi nói:
– Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh!
Chiêu Hoàng cười đáp:
– Ừ, tha tội cho ngươi! Nay ngươi đã biết nói khôn đó!
Trần Cảnh ra về nói lại với Trần Thủ Độ chuyện này, biết Lý Chiêu Hoàng yêu thích Trần Cảnh, Trần Thủ Độ liền nắm bắt thời cơ để đoạt quyền. Một mặt, Thái sư xe duyên luôn cho nữ hoàng trẻ và cháu bên nội mình thành đôi, mặt khác, Trần Thủ Độ dùng thế lực ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Cuối cùng, tháng 11 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Một tháng sau, triều đình mở hội lớn, trong buổi tiệc, lúc các quan lại quỳ chầu bên ngoài, Lý Chiêu Hoàng trút bỏ áo bào, nhường ngôi cho Trần Cảnh. Lúc này Trần Cảnh chính thức trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần, lấy hiệu là Trần Thái Tông. Từ đó Chiêu Thánh trở thành hoàng hậu, cùng Trần Thái Tông trị vì đất nước.
Cú sốc mất con trai đầu lòng, chồng kết hôn với chị gái, Lý Chiêu Hoàng u uất vào chùa đi tu
(Ảnh minh họa)
7 năm sau đó, tức là khi hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng mới 14 tuổi, bà đã hạ sinh một thái tử. Tuy nhiên vì nhỏ tuổi, sức khỏe yếu, Chiêu Hoàng vừa sinh con ra thì đứa bé đã qua đời. Quá đau buồn vì chuyện này, Lý Chiêu Hoàng lâm bệnh nặng liên miên suốt 5 năm ròng. Lúc này, vì biết hoàng tộc cần người nối dõi, mà hoàng hậu khó có thể có con trở lại do sức khỏe yếu, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung (mẹ Lý Chiêu Hoàng) liền bày mưu ép vua Trần Thái Tông lấy chị gái của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa. Lý Chiêu Hoàng thì bị giáng làm công chúa.
Những biến cố lớn của cuộc đời dồn dập xuống đầu của một cô công chúa mới 19 tuổi đầu, từ một vị vua bị tráo đổi ngôi thành hoàng hậu, con trai mất, nàng lại tiếp tục bị mẹ đẻ của mình gián tiếp giáng xuống làm công chúa, nhìn chị ruột mình vào cung làm vợ của vua. Quá buồn và chán nản, sau đó, vừa tròn 21 tuổi, Lý Chiêu Hoàng xin xuất giá đi tu, từ bỏ hồng trần, quên đi bi thương mà nương nhờ vào cửa Phật.
Vua "ép" hoàn tục tái giá, Lý Chiêu Hoàng vô tình tìm được bến bờ hạnh phúc
Thời đại nhà Trần lên nắm ngôi cũng là lúc dân tộc đứng trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên. Có lần, Trần Thái Tông rời vào nguy hiểm giữa vòng vây địch, tuy nhiên may thay, tướng Lê Tần cứu giá kịp thời, đưa Trần Thái Tông an toàn vượt qua trận chiến. Biết ơn điều này, Trần Thái Tông bèn nghĩ ra cách gả vợ cũ của mình, tức là hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng, lúc đó đang là ni cô, cho Lê Tần tướng quân.
Hay tin này, Lý Chiêu Hoàng lúc này đang trong chùa bỗng rơi nước mắt, sau 20 năm xa cách, từ bỏ hồng trần nương nhờ cửa Phật, cuộc đời của bà cũng không được bình yên. Đau lòng hơn là cuối cùng, người đàn ông mình từng hết mực yêu thương lại quyết định "bán" mình cho một người khác, xem mình chỉ như món hàng trao qua tặng lại. Bà đã cất lên hai câu ai oán trách Trần Thái Tông như sau:
Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!
Nhưng dù gì, đây là lệnh vua, bà phải cắn răng nghe theo. Bà hoàn tục khi 40 tuổi và tái giá với tướng Lê Tần.
(Ảnh minh họa)
Cứ tưởng, lần tái giá này chỉ là một cuộc đáp trả ân huệ của nhà vua, bà vẫn tiếp tục sống một cuộc đời sầu thảm như trước, khi vào chùa lánh đời. Vậy mà 20 năm sống cùng với người chồng thứ hai này, bà như được bù đắp hết những tháng ngày khổ đau trước kia của mình. Có thể nói, những năm tháng làm vợ Lê Tần là khoảng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng.
Và thật là kì diệu, nếu trước kia, sau sự cố mất đi con trai đầu lòng với vua Trần Thái Tông, tưởng rằng bà không thể có con được nữa thì nay, trong một mối tình thỏa nguyện, bà lần lượt sinh hạ được một người con trai là Lê Tông và một người con gái là Ngọc Khuê. Có nghiên cứu cho rằng, con trai Lê Tông của Lý Chiêu Hoàng là danh tướng Trần Bình Trọng nổi tiếng với câu nói: Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc.
Lý Chiêu Hoàng qua đời, danh phận vẫn gây tranh cãi
Tượng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng tại đền Rồng ở Bắc Ninh. (Ảnh: Internet)
Sau đó, bà sống những năm lặng lẽ bình yên bên chồng và các con nhưng đến tháng 4 Đinh Sửu (1277), Thái thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà. Có thuyết cho rằng, điều này đã làm vết thương lòng của bà nhói đau trở lại, dù hạnh phúc bên gia đình mới nhưng bóng tối vẫn vây hãm cuộc đời bà mà bắt bà phải nhớ rằng, người đàn ông bà từng thương yêu đã qua đời. Đúng 1 năm sau, Lý Chiêu Hoàng cũng qua đời.
Tuy nhiên, ngay cả khi qua đời, cách hậu thế đối xử với bà cũng còn gây tranh cãi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Lý Chiêu Hoàng đã bị đối không công bằng, bởi dù gì bà vẫn là một vị vua chính thức của triều đại nhà Lý hưng thịnh, người chứng kiến sự suy vi của nhà Lý trước khi "nhường ngôi" cho nhà Trần. Vậy mà nhà Lý có 9 vị vua, nhưng chỉ có 8 vị trước Lý Chiêu Hoàng (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, Bắc Ninh, còn riêng bà Chiêu Hoàng thì lại thờ riêng tại một khu vực khác, gọi là Đền Rồng.
Đền Rồng, nơi thờ vị nữ hoàng độc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Giải thích cho điều này, rất nhiều nhà sử học đã tranh cãi và đưa ra luận điểm riêng. Tuy nhiên, nói gì thì nói, cũng không thể phủ nhận Lý Chiêu Hoàng là vị nữ hoàng độc nhất của triều đại phong kiến Việt Nam và cũng là người phụ nữ từ khi sinh ra đến khi qua đời có nhiều danh phận kỳ lạ bậc nhất trong dòng lịch sử hưng suy phong kiến: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ hoàng nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.
(Nguồn: Tổng hợp, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Wikipedia)