Có lẽ ngày nay, danh từ "cướp biển" không còn được nghe đến nhiều ngoài đời thật, nếu có thì cũng là để chỉ một bộ phim hay một quyển tiểu thuyết nào đó và nó cũng thường chỉ khiến người ta liên tưởng tới những gã đàn ông gắn liền với những giai thoại "kinh hoàng" ngoài biển khơi. Tuy nhiên, có một sự thật mà ít ai biết rằng, tên hải tặc khét tiếng nhất mọi thời đại, từng khiến cho triều đình đau đầu và oanh tạc cả một vùng biển rộng lớn lại là một người phụ nữ. Chẳng những thế, trước khi trở một "Nữ hoàng cướp biển", nàng ta còn là một kỹ nữ hành nghề "buôn hương bán phấn" kiếm sống qua ngày.

Nữ hoàng hải tặc khét tiếng nhất mọi thời đại: xuất thân kỹ nữ, chỉ vì một câu hỏi mà hoàn lương - Ảnh 1.

Chân dung "Nữ hoàng hải tặc" - Trịnh Nhất Tẩu.

Từ kỹ nữ hiền lành trở thành vợ của thủ lĩnh băng hải tặc khét tiếng

Nữ cướp biển đó, không ai khác chính là Trịnh Nhất Tẩu hay còn được gọi với cái tên Cheng I Sao, là vợ của Trịnh Nhất – thủ lĩnh hạm đội cướp biển Cờ Đỏ. Tuổi thơ của nàng không ai biết rõ, ngay cả sử sách cũng không còn ghi chép nhiều, chỉ biết nàng có tên thật là Thạch Dương, sinh ra tại Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 1775. Lớn lên, vì có chút nhan sắc nàng trở thành một kỹ nữ tại một nhà chứa có tiếng lúc bấy giờ với kỹ danh là Hương Cô tại Quảng Châu.

Sau đó, vào năm 1801, nàng ta lọt vào mắt tướng cướp biển Trịnh Nhất, chỉ huy hạm đội mang tên "Cờ Đỏ". Hiện các nhà sử học vẫn tranh cãi vì sao hai người này lại đến với nhau, tuy nhiên, ý kiến đáng tin nhất chắc có lẽ là trong một lần, Trịnh Nhất đã ra lệnh cướp phá nhà thổ và ra lệnh cho thuộc hạ mang về cô gái Hương Cô mà hắn yêu thích. Sau đó, nghiễm nhiên, Hương Cô ngày nào liền trở thành phu nhân của Trịnh Nhất, nên được gọi là Trịnh Nhất Tẩu. Tiếp đó, cả hai sau này cùng nhau lãnh đạo hạm đội cướp biển Cờ Đỏ.

Nữ hoàng hải tặc khét tiếng nhất mọi thời đại: xuất thân kỹ nữ, chỉ vì một câu hỏi mà hoàn lương - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Và chỉ sau đó vài năm, "thời đại hoàng kim" của cướp biển bắt đầu với những giai thoại kinh hoàng chốn biển khơi, trong đó, băng cướp biển Cờ Đỏ đang lớn nhất và khét tiếng nhất Thái Bình Dương với hơn 1.500 tàu thuộc cấp. Đội tàu chính, dẫn đầu hạm đội treo cờ đỏ, trong khi các tàu còn lại có màu đen, vàng, xanh, trắng, sẵn sàng trở thành cơn ác mộng với bất kỳ tàu thuyền nào vô tình đi qua, hay các làng mạc ven biển.

Chồng chết, liền trở thành người tình của con nuôi rồi chiếm quyền thủ lĩnh cả hạm đội cướp biển

Đến năm 1807 thì Trịnh Nhất qua đời, quyền thừa kế hạm đội được trao lại cho Trương Bảo, con nuôi của Trịnh Nhất. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, Trịnh Nhất Tẩu quyết định làm người tình của Trương Bảo và mặc nhiên chiếm quyền chỉ huy hạm đội cướp biển Cờ Đỏ. Danh xưng "Nữ hoàng hải tặc" của nàng ta bắt đầu từ đây. Dưới thời của Trịnh Nhất Tẩu thống lĩnh, hạm đội cướp biển "Cờ Đỏ" trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết.

Nữ hoàng hải tặc khét tiếng nhất mọi thời đại: xuất thân kỹ nữ, chỉ vì một câu hỏi mà hoàn lương - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Nàng ta có hơn 50.000 – 80.000 hải tặc thuộc cấp phân bố rộng khắp vùng biển Thái Bình Dương, thậm chí là các con sông ngòi trong đất liền, các tàu chiến luôn luôn có từ 20-30 súng thần công, sẵn sàng khai pháo khi nàng ta ra lệnh. Riêng chiến hạm của Trịnh Nhất Tẩu còn lớn gần gấp đôi tàu Armada huyền thoại của Tây Ban Nha. Đô đốc hải quân Mãn Thanh năm 1809 có nói về đội quân hải tặc của Trịnh Thị như sau: "Quân hải tặc quá mạnh, chúng tôi không thể khống chế chúng bằng vũ lực".

Cũng dưới thời Trịnh Nhất Tẩu chỉ huy, hạm đội cướp biển "Cờ Đỏ" cũng được mở rộng nhiều về quy mô và hình thức công việc: cướp bóc giờ đây chỉ là phần thứ yếu bên cạnh những hoạt động khác như bắt cóc, tống tiền, bảo kê… Trịnh Nhất Tẩu còn vươn cả vào Trung Hoa lục địa nơi nàng đã thiết lập hẳn một mạng lưới gián điệp rộng khắp và liên minh với địa chủ, chúa đất để đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

Nữ hoàng hải tặc khét tiếng nhất mọi thời đại: xuất thân kỹ nữ, chỉ vì một câu hỏi mà hoàn lương - Ảnh 4.

Chân dung "Nữ hoàng hải tặc" - Trịnh Nhất Tẩu.

Trịnh Nhất Tẩu còn nắm quyền lãnh đạo nhiều ngôi làng ven biển. Một số ngôi làng phải đóng thuế và áp đặt các khoản thu theo quy định cướp biển. Ngôi làng như vậy trải dài từ Ma Cao cho đến Quảng Đông. Do kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động tội phạm ở vùng biển quan trọng nên Trịnh Nhất Tẩu có thể đảm bảo một tuyến đường an toàn qua đây cho bất kỳ thương gia nào muốn trả tiền. Tất nhiên, nạn nhân không trả tiền "bảo kê", hạm đội cướp biển Cờ Đỏ có thể mặc sức cướp phá. Nhiều người Trung Quốc khi đó gọi Trịnh Nhất Tẩu là "Nỗi khiếp sợ trên biển".

"Nữ hoàng hải tặc" thống trị cả Thái Bình Dương và những luật lệ xuất phát từ lòng xót thương

Nàng ta cũng lập ra một số quy định mới trong băng của mình rằng ăn cắp chiến lợi phẩm của hạm đội bị chém đầu, đào ngũ thì bị cắt tai… ngoài ra có quy định về đối xử với nữ tù nhân, theo đó người nào xấu xí thì lập tức phóng thích, trả về đất liền mà không bị đánh đập hay hành hạ. Những cô xinh đẹp còn lại sẽ được đem ra đấu giá trước toàn thể hải tặc trên chiến thuyền, ai mua được sẽ được tổ chức làm lễ cưới, và phải thề rằng sẽ đối xử tốt với vợ của mình suốt đời.

Nữ hoàng hải tặc khét tiếng nhất mọi thời đại: xuất thân kỹ nữ, chỉ vì một câu hỏi mà hoàn lương - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Đặc biệt, có một luật lệ của Trịnh Nhất Tẩu bắt thuộc hạ phải nghe theo, nếu trái lệnh sẽ bị xử tử đó là hành vi hiếp dâm. Luật này được đề ra, có lẽ, là do Trịnh Nhất Tẩu cũng là một người phụ nữ, lại có quá khứ là một kỹ nữ nên phần nào nàng cũng hiểu được nỗi ô nhục của các cô gái khi bị cưỡng ép bởi những tên vô lại. Trong cái tàn bạo của một "Nữ hoàng cướp biển", đâu đó trong Trịnh Nhất Tẩu cũng còn le lói một chút gì đó gọi là lòng xót thương phụ nữ, và cũng chính vì điều này đã khiến nàng hoàn lương chỉ vì một câu hỏi về sau.

Trước sự lộng hành của hạm đội cướp biển "Cờ Đỏ" do Trịnh Nhất Tẩu làm thủ lĩnh, triều đình Mãn Thanh khi đó đã không ít lần đau đầu mà tìm cách trừ khử. Tuy nhiên, thế lực của Trịnh Nhất Tẩu quá lớn, hoàn toàn chênh lệch so với quân lính triều đình. Vì vậy, nhà Mãn Thanh phải nhờ đến sự giúp đỡ của hải quân Bồ Đào Nha và Anh cũng như các tàu Hà Lan bằng cách trả cho họ một số tiền lớn. Tuy nhiên suốt hai năm giao chiến với Trịnh Nhất Tẩu, các lực lượng phương Tây chỉ chuốc lấy những thiệt hại nặng nề.

Nữ hoàng hải tặc khét tiếng nhất mọi thời đại: xuất thân kỹ nữ, chỉ vì một câu hỏi mà hoàn lương - Ảnh 6.

(Ảnh minh họa)

"Nữ hoàng hải tặc" khét tiếng và quyền lực, hoàn lương chỉ bằng một câu hỏi

Nhận thấy việc giao chiến với Trịnh Nhất Tẩu chỉ tổ hao tổn lực lượng lại không thu được kết quả gì, triều đình Mãn Thanh đành chơi ván bài cuối cùng bằng cách đánh vào tâm lý của nữ thủ lĩnh. Hoàng đế nhà Thanh đưa ra đề nghị ân xá và nói: "Nếu có trái tim của một người phụ nữ thì ngày nào đó ngươi sẽ muốn yên bình và nghĩ đến việc sinh con đẻ cái. Bây giờ đã đến lúc đó chưa?". Câu hỏi này, lập tức khiến Trịnh Nhất Tẩu dao động.

Bao năm bôn ba ngoài biển, chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của hạm đội, lại nắm trong tay biết bao nhiêu là quyền lực, vàng bạc châu báu, dưới chân thì thuộc hạ lên đến hàng chục ngàn người thế mà chỉ vì một câu hỏi mà "Nữ hoàng cướp biển" Trịnh Nhất Tẩu lại xốn xang trong lòng. Bao năm rồi nàng quên mất mình là một phụ nữ, mà đã là một phụ nữ thì không thể nào cứ như vậy mãi được, phụ nữ cũng cần hạnh phúc riêng dù là thuộc bất kỳ tầng lớp nào đi chăng nữa.

Thế là sau vài lần đàm phán tiếp đó, Trịnh Nhất Tẩu đồng ý quy hàng và ra lệnh cho thuộc hạ buông vũ khí với điều kiện được giữ lại của cải. Và trong số 80.000 tên cướp biển quy hàng, hầu hết đều được ân xá, chỉ có 126 tên bị hành quyết và 250 tên bị phạt tù vì những tội ác nghiêm trọng. Nhiều tên cướp biển sau này còn gia nhập quân ngũ. Sự nghiệp cướp biển của Trịnh Nhất Tẩu như vậy kết thúc vỏn vẹn trong khoảng 10 năm.

Từ bỏ biển khơi quay về đất liền sinh sống, Trịnh Nhất Tẩu liền sinh một đứa con, xong cùng với Trương Bảo mở một sòng bạc, sống cuộc đời hoàn lương cho đến khi qua đời tại Quảng Châu vào năm 1844 ở tuổi 69, kết thúc cuộc đời của một "Nữ hoàng hải tặc" quyền lực khét tiếng cả đại dương.

(Nguồn: CNN, Timetw, Qulishi)