Mùa hè năm 2022, khi Beatriz Álvarez Mesa nhận chức Chủ tịch Giải bóng đá nữ chuyên nghiệp Tây Ban Nha (LFFP), cô đã yêu cầu được gặp người đứng đầu liên đoàn bóng đá nước này bằng hình thức online, vì cô còn bận chăm sóc đứa con mới chào đời.
Sau nhiều thập kỷ hoạt động không nhất quán, bóng đá nữ Tây Ban Nha đã có những bước nhảy vọt bất ngờ với sự đoàn kết và chuyên nghiệp. Vậy nên, Beatriz có nhiều điều để bàn luận.
Nhưng ông Luis Rubiales, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Beatriz. Ông Luis bảo cô hãy cử người khác đi thay mình.
Beatriz thuật lại lời của ngài chủ tịch rằng: "Thay vì tham dự cuộc họp, cô nên làm gương bằng cách tập trung hết mình cho công việc làm mẹ”.
Beatriz cho biết cuộc họp vẫn diễn ra mà không có mặt cô. Vụ việc chỉ là một trong nhiều lời nhắc nhở "khéo léo mà cũng chẳng quá tinh tế" trong nhiều năm qua rằng, trong mắt quan chức bóng đá hàng đầu của Tây Ban Nha, phụ nữ nên biết vị trí của mình.
Nụ hôn cưỡng ép trên sóng truyền hình
Sự mất cân bằng này bỗng trở thành đề tài bàn tán trong dư luận sau khi đội tuyển bóng đá nữ Tây Ban Nha vô địch World Cup nữ 2023 hồi tháng trước và ông Luis Rubiales cưỡng hôn nữ cầu thủ Jenni Hermoso trên sóng truyền hình trực tiếp.
Cụ thể, ông Luis đã có hành động giữ đầu Hermoso và hôn lên môi cô sau khi đội tuyển nữ Tây Ban Nha đánh bại tuyển nữ Anh 1-0 để giành chức vô địch World Cup nữ 2023 ở Sydney vào tháng trước.
Nụ hôn môi cưỡng ép đã gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận và đặt ra câu hỏi về nhiều điều trong giới bóng đá nữ nước này.
Hôm 6/9 mới đây, cầu thủ ngôi sao của World Cup nữ 2023 đã đệ đơn khiếu nại pháp lý chống lại ông Luis Rubiales. Trước đó, ông này đã bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha cũng đã sa thải huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, Jorge Vilda, người mà các cầu thủ lên tiếng chỉ trích vì phong cách quản lý độc đoán. Người thay thế ông Jorge là bà Montse Tomé (41 tuổi). Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này ở Tây Ban Nha.
Mặt tối gian trá và coi thường phụ nữ
Trong các cuộc phỏng vấn với The New York Times, hơn chục phụ nữ từng góp công cho nền bóng đá Tây Ban Nha đã kể về tình trạng phân biệt giới tính một cách "có hệ thống", từ những quan điểm gia trưởng và những lời nhận xét thẳng thắn cho đến cả sự lạm dụng bằng lời nói, diễn ra suốt 1 thập kỷ qua.
Một số nữ cầu thủ cho biết họ bị kiểm tra giờ giấc đi ngủ và được yêu cầu phải mở cửa khách sạn vào ban đêm.
Veronica Boquete, cựu đội trưởng đội tuyển nữ quốc gia Tây Ban Nha, kể lại rằng người tiền nhiệm của ông Vilda, Ignacio Quereda, đã nói với các cầu thủ: “Điều bạn thực sự cần là một người đàn ông tốt và khả năng giường chiếu”. Ông Ignacio Quereda sau đó đã phủ nhận việc lăng mạ bằng lời nói với các nữ cầu thủ.
Trở lại vụ việc của ông Luis Rubiales, ông này đã từ chối yêu cầu phỏng vấn và Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha cũng đã từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên tờ The New York Times. Thậm chí, họ còn đẩy chúng sang cho ông Luis Rubiales, với lý do ông này bị FIFA, cơ quan quản lý bóng đá thế giới, đình chỉ công tác.
Các nữ cầu thủ thì quả quyết rằng họ sẽ tẩy chay đội tuyển quốc gia trừ khi ông Luis Rubiales ra đi. Họ cũng cho rằng sự ra đi của ông này là chưa đủ. Các vấn đề trong bóng đá nữ Tây Ban Nha đã có từ trước khi ông Luis xuất hiện và thực tế đòi hỏi phải có những thay đổi lớn để giải quyết.
Hàng chục cầu thủ hiện tại và cựu cầu thủ đã ký tuyên bố yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo. Họ bày tỏ sự bất bình của mình và lên chiến lược trong một nhóm WhatsApp có tên Se Acabó, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Mọi chuyện đã kết thúc”.
Các cầu thủ muốn mức lương cao hơn, hợp đồng được duy trì trong thời gian nghỉ thai sản và được tiếp cận với các chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu giống như các cầu thủ nam.
Họ cũng đang thảo luận về một cuộc đấu tranh đến cùng để có thể đạt được những mong muốn trên. Các quan chức công đoàn cho biết mức lương tối thiểu đối với các nữ cầu thủ là 16.000 euro (412 triệu VNĐ)/năm, ít hơn so với các cầu thủ nam, nhận mức lương 180.000 euro (463 triệu VNĐ)/năm.
Bà Ana Muñoz, cựu phó chủ tịch phụ trách liêm chính của Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, cho biết, khi kết thúc trận đấu thay vì tiền thưởng, các cầu thủ sẽ nhận được máy tính bảng. Bà nhớ lại lời tuyên bố của ông Luis Rubiales. "Tôi có con gái. Tôi biết phụ nữ muốn gì".
Bà Ana Muñoz, người đã từ chức vào năm 2019 chỉ sau 1 năm làm việc, lần đầu tiên kể lại lý do ra đi của mình.
"Tôi ở đó như thể một vật trang trí", bà nói. "Một chậu hoa đúng nghĩa". Bà cho biết mình đã đặt câu hỏi về tính đạo đức trong một số quyết định của ông Luis Rubiales, bao gồm cả thỏa thuận trị giá 43 triệu USD (hơn 1.000 tỷ VNĐ) để chuyển một cuộc thi bóng đá sang Ả Rập Saudi.
Động thái đó đang bị điều tra, cùng với những cáo buộc công khai của cựu chánh văn phòng của ông Luis và những người khác rằng ông này đã sử dụng tiền của liên đoàn để tổ chức một bữa tiệc tình dục tại một biệt thự ven biển ở phía nam Tây Ban Nha. Ông Luis Rubiales trước đây đã phủ nhận mọi hành vi sai trái trong cả hai lời cáo buộc - của bà Ana Muñoz và cựu chánh văn phòng.
Bà Ana Muñoz nhớ lại, 15 trong số 18 thành viên hội đồng quản trị của liên đoàn là nam giới. Khi bà kêu gọi tạm thời loại bỏ một thành viên để chờ điều tra hình sự về việc liệu ông Luis có chi quỹ liên đoàn vào việc sửa sang nhà cửa và công việc kinh doanh của vợ mình hay không, bà đã nhanh chóng bị phản đối.
Năm ngoái, các nữ cầu thủ đã cố gắng nhưng không thành công trong việc thay đổi hành vi của ông Vilda, huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Tây Ban Nha, hiện đã bị sa thải.
Nữ cầu thủ Veronica Boquete kể lại rằng, ở đội tuyển quốc gia từ năm 2015 đến năm 2017, khi cô là đội trưởng và ông Vilda là huấn luyện viên, ông ta nhấn mạnh rằng, khi các nữ cầu thủ tụ tập uống cà phê, họ phải ngồi ở nơi mà ông có thể nhìn thấy.
Veronica nói rằng ông ta muốn theo dõi ngôn ngữ cơ thể của họ, những người họ đang gặp và thậm chí muốn biết liệu họ có "nói xấu" ông ta hay không. Các cầu thủ đã được chỉ dẫn chỗ ngồi trong bữa ăn để Vilda có thể duy trì giao tiếp bằng mắt với họ.
Ông Vilda cũng yêu cầu cầu thủ phải mở cửa vào ban đêm cho đến khi ông kiểm tra xem từng người trong số họ đã đi ngủ chưa. “Ông ta muốn kiểm soát mọi thứ”, Veronica nói.
Không rõ liệu điều đó có tiếp tục xảy ra với đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Tây Ban Nha trong thời gian gần đây hay không. Các cầu thủ đã từ chối phát biểu công khai trong bối cảnh tranh cãi. Những người thân cận với các cầu thủ cho biết, họ sợ bị trả thù.
Cuối cùng, 15 cầu thủ đã đoàn kết lên tiếng phản đối và từ chối chơi dưới sự dẫn dắt của ông Vilda. Ông Luis Rubiales thì lại từ chối sa thải Vilda, và liên đoàn phản ứng bằng cách yêu cầu các cầu thủ xin lỗi về hành động của mình trước khi xem xét có cho phép họ trở lại đội hay không.
Cơn phẫn nộ lại dâng trào vào tháng trước, sau chiến thắng của đội tuyển nữ Tây Ban Nha tại World Cup nữ 2023. Đó là khi ông Luis Rubiales cưỡng hôn Jenni Hermoso.
Ông này sau đó không những không chịu từ chức và xin lỗi mà còn tuyên bố dự định gia hạn hợp đồng với ông Vilda và tăng lương cho ông ta. Kế hoạch đó đã bị đình trệ trong tuần vừa qua khi ông Vilda bị sa thải. Mặc dù Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha chưa sa thải ông Luis nhưng họ gọi hành vi của ông ta tại World Cup nữ 2023 là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Sự thiệt thòi của những cô gái yêu trái bóng
Nhiều thế hệ vận động viên nữ, không chỉ ở riêng Tây Ban Nha, đã phải chịu đựng những bình luận coi thường.
Khi một thành viên đội bóng nữ thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) không chơi trận khai mạc một giải đấu vào dịp Giáng sinh năm 1970, phát thanh viên liên tục hỏi: “Áo ngực của cô ấy có bị hỏng không?”.
Năm sau, José Luis Pérez-Paya, khi đó là chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, nói: “Tôi không phản đối bóng đá nữ, nhưng tôi cũng không thích. Tôi không thích sự nữ tính trong bóng đá, từ góc độ thẩm mỹ. Phụ nữ không thích hợp mặc áo sơ mi và quần short”.
Tây Ban Nha không phải là nơi duy nhất các cầu thủ nữ bị phân biệt đối xử. Năm 2004, chủ tịch FIFA vào thời điểm đó, Sepp Blatter, gợi ý rằng phụ nữ có thể nâng tầm môn thể thao này bằng cách mặc quần short bó sát hơn. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 ở Zurich, ông liên tục vuốt tóc một phóng viên của tờ Times.
Các cường quốc châu Âu như Anh và Đức đã cấm phụ nữ chơi bóng trong nhiều năm cho đến tận năm 1970.
Andrei Markovits, giáo sư của Đại học Michigan và là tác giả cuốn sách “Phụ nữ trong bóng đá Mỹ và châu Âu”, cho biết: “Người Tây Ban Nha không phải là những người ngoại lệ”.
Mùa giải bóng đá nữ chuyên nghiệp của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Nhưng vào ngày 6/9, sự chú ý đổ dồn vào một văn phòng ở trung tâm thành phố Madrid, nơi các đại diện liên đoàn và công đoàn đang họp để thảo luận về tiền lương và điều kiện làm việc cho các nữ cầu thủ.
Các nhà lãnh đạo công đoàn nói rằng, nếu không đạt được thỏa thuận, một cuộc đình công có thể xảy ra khiến mùa giải bị trì hoãn.
Nguồn: The New York Times