Những ngày đầu năm 2024, căn hộ nhỏ của Ngọc Hoa (33 tuổi) quê Hải Phòng luôn đầy ắp tiếng nói cười vui vẻ. Hoa tất bật chăm sóc bé Bin vừa mới chào đời. Cậu bé ít khóc và rất quấn mẹ.
Nhìn con hay cười, ngủ ngoan trong vòng tay, chị Hoa cũng mỉm cười mãn nguyện dẫu hành trình làm mẹ đơn thân phía trước còn nhiều khó khăn.
Tốt nghiệp đại học kiến trúc với tấm bằng loại giỏi, Hoa sớm trở thành kiến trúc sư xuất sắc cho một công ty thiết kế. 10 năm đi làm, cô tích cóp được chút vốn liếng cho riêng mình. Tự lập kinh tế nhưng Hoa không muốn kết hôn, bất chấp những lời khuyên ngăn, mai mối từ gia đình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng cô quyết định đến bệnh viện xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân.
Cô gái gốc Hải Phòng đến chọc trứng tự thân và xin mẫu tinh trùng trong ngân hàng để thụ tinh trong ống nghiệm.
Hoa được các bác sĩ nuôi cấy thành công 12 phôi, chuyển hai phôi vào tử cung thì đậu một thai. Tháng 2 vừa qua, cô sinh con khỏe mạnh, còn lại 10 phôi được trữ đông ở trung tâm.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, trường Đại học Y Hà Nội, xu hướng phụ nữ đến xin tinh trùng để sinh con - làm mẹ đơn thân những năm gần đây có xu hướng tăng.
Khi đến trung tâm xin tinh trùng sinh con, họ phải có giấy chứng nhận độc thân trong 6 tháng kèm căn cước công dân. Sau khi hoàn thành thủ tục, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe, nội tiết, tử cung và dự trữ buồng trứng.
Bệnh nhân sau đó được tiêm thuốc rụng trứng. Tinh trùng lấy từ ngân hàng sẽ được rã đông để tạo phôi. Mẫu tinh trùng đảm bảo nguyên tắc vô danh, sàng lọc các bệnh lý lây truyền. Phôi sau khi nuôi cấy sẽ được chuyển vào tử cung người phụ nữ. Trung tâm nuôi cấy phôi bằng khí trộn nồng độ oxy thấp, giúp chất lượng phôi luôn ổn định. Nhờ đó, số lượng chuyển phôi giảm đi, chỉ chuyển 1-2 phôi, so với trước đây phải chuyển 3-4 phôi.
Nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản, tỷ lệ thành công khi thụ tinh ống nghiệm ngày càng cao, như tại trung tâm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ thành công đạt 60-70%.
Tuy nhiên, hiện ít người đến hiến tinh trùng, do đó trung tâm phải vận động sinh viên trường Đại học Y Hà Nội thực hiện. Mỗi người chỉ được hiến một lần. Trước khi hiến, họ được khám sàng lọc rất kỹ lưỡng.
Một trong những lý do khiến ngân hàng tinh trùng luôn khan hiếm là tâm lý e dè, lo ngại về nguy cơ kết hôn cận huyết giữa những đứa con sinh ra từ tinh trùng của cùng người bố.
Ở nước ta, quy định về cho và nhận tinh trùng rất rõ ràng. Những người hiến tặng tại trung tâm chỉ được phép cho một lần duy nhất. Tinh trùng của người cho cũng chỉ được sử dụng cho một người nhận. Vì vậy, chuyện hai trẻ sinh ra cùng mẫu tinh trùng gặp nhau, kết hôn là rất khó, bác sĩ Hà cho biết thêm.
Tuy nhiên điều này chỉ đảm bảo nếu việc cho và nhận được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm uy tín được cấp phép và có nguồn tinh trùng rõ nguồn gốc, chất lượng đã được sàng lọc cẩn thận.