đổ rác

Nhà văn Tâm Phan là tên tuổi để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc, đặc biệt là phụ nữ. Những tác phẩm của chị như "Hồi ký Tâm Phan", "Sex và những thứ khác" và "Yêu như là sống" đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nữ nhà văn cá tính này thường đề cập đến những vấn đề nhạy cảm và thiết thân trong đời sống phụ nữ như tình yêu, tình dục, nữ quyền... Tâm Phan lấy chồng Tây, đã là mẹ hai con và hiện gia đình chị đang định cư ở Thụy Sĩ. 


Nhân câu chuyện những ông Tây vớt rác ở mương thối Hà Nội từng gây xôn xao mạng, Tâm Phan cũng chia sẻ những thực tế trong chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng rất quan trọng trong cuộc sống thường nhật của bất cứ ai, bất cứ đất nước nào: đổ rác.

Chị kể, hồi trước, nhà chị ở Genève, rác gì cũng trút hết vào cái túi đen rồi bỏ chung vào thùng rác của tòa nhà chung cư. Giờ chuyển sang sống ở một bang khác, thì đổ rác là cả một hệ thống nghiêm túc không thể không quan tâm. Cú shock đầu tiên đến với chị là túi rác ở bang này, hóa ra là một sản phẩm siêu đắt đỏ. “Túi rác có giá 30chf = 700.000 đồng/cuộn/10 túi 35 lít, đắt gấp 10 lần túi rác bình thường. Túi rác này khác túi rác thường ở chỗ màu trắng, in chữ màu xanh của công ty môi trường. Nếu không dùng túi này mà vứt rác bằng túi màu đen thì nhân viên thu gom rác sẽ không mang đi, cho nên bắt buộc người dân ở đây phải mua túi trắng. Lý do túi rác đắt vậy là vì nó đã bao gồm thuế, dùng tiền đó để trả lương cho nhân viên thu gom rác. Bù lại, khu vực dân cư nào cũng có Déchetterie là nơi đổ rác tái chế, phí để đổ rác ở đây là 110chf = 2,5 triệu/người/năm”.

Cũng vì túi rác đắt quá, nên nhà chị (và có lẽ đó là văn hóa chung của những nhà ở đây nữa) có ý thức phân loại rác. Bất kỳ cái gì thuộc về nilon, nhựa gom vào 1 thùng, giấy, bìa carton 1 thùng, chai lọ thủy tinh 1 thùng (thủy tinh trắng riêng, thủy tinh màu riêng), hộp thiếc lon bia 1 thùng, cành cây gẫy củi khô 1 thùng, chổi cùn giẻ rách 1 thùng. Riêng thức ăn thừa, loại có thể phân hủy như rau củ quả, vỏ trứng, bã trà thì bỏ riêng 1 thố để làm phân bón vườn nhà. Bánh mì khô cũ cho vào túi giấy để dành cho chim ăn hoặc mang ra hồ cho bọn thiên nga. Sau khi phân loại xong thì rác còn rất ít, chủ yếu là thức ăn thừa, xương động vật… bỏ chung vào cái túi rác đã mua của công ty môi trường. Trung bình, mỗi hộ dân chỉ dùng hết 1 cái túi rác, và xe rác cũng chỉ đến lấy rác 1 lần/tuần, vào sáng thứ tư hàng tuần.

Thời gian gần đây, nhà Tâm Phan có thêm em bé, và tốn cả đống tiền để chi cho việc… mua túi rác đựng bỉm bẩn của em bé. Nhà chị thường xuyên phải dùng túi rác to gấp đôi, gấp ba bình thường, vì thế, việc đổ rác cũng trở nên tốn kém hơn. “May sao, hôm lên khai báo thêm nhân khẩu, người ta bảo: nhà có em bé thì được phát túi rác miễn phí, xong bà mang 5 cuộn túi rác trị giá 3,5 triệu đồng cho mình. Mình mừng như bắt được vàng, ôm 5 cuộn túi rác vào người như ôm vàng luôn, về khoe với chồng cứ như trúng xổ số. Mình không rành tiếng Pháp lắm, nghe bập bõm thì hiểu lần đầu người ta phát cho 5 cuộn, khi dùng hết sẽ phát cho 2 cuộn, nhưng không rõ là 2 cuộn/tháng hay sao, và sẽ phát miễn phí trong bao lâu, nhưng kệ, đỡ được tí nào hay tí ấy (cười)”.

đổ rác
Gia đình nhỏ đáng yêu của Tâm Phan, khi đón thêm thành viên mới đã tốn thêm nhiều tiền để đổ rác, trước khi được ưu tiên phát miễn phí túi đựng.

Cũng vì sự đắt đỏ này, mà bản thân chị, trước kia vẫn giữ thói quen vứt rác vô tội vạ, giờ xả rác lúc nào cũng ý thức đây là loại rác gì, bỏ vào đâu, y như những người bản xứ. Tâm Phan nói thêm, chị từng nghe chuyện có những nhà hàng xóm, để tiết kiệm tiền, đã mua túi nilon màu đen để đựng các loại rác và… sang Pháp vứt vào thùng rác công cộng. (Ở Pháp, người ta dùng túi nilon đen). Nhưng người đó đã bị cảnh sát ở biên giới Pháp bắt quả tang và phạt tiền, còn bị “áp giải” về tận nhà lấy tiền nộp phạt vì không mang theo tiền bên người. “Câu chuyện này, kể ra thì chẳng có gì hay ho hay đáng tự hào cả, nếu không muốn nói là khá xấu hổ, vì trong khi ở Thụy Sĩ, hầu như ai cũng có ý thức phân loại rác rất cao và nghiêm chỉnh chấp hành, thì vẫn có những người tìm mọi cách để lách luật, nên có lẽ đó chỉ coi như một chuyện phiếm tôi kể cho cộng đồng người Việt ở châu Âu nghe giải trí, chứ hoàn toàn không nên bắt chước”.

Như để bù đắp cho sự khắt khe và tốn kém của việc dọn rác, ở nơi gia đình chị Tâm Phan sống, khu đổ rác tái chế là nơi nhiều người thu nhập thấp, hoặc trẻ con tha hồ “lượm mót” những thứ thú vị. Chị kể: “Mỗi sáng thứ bảy, Jenna (con gái lớn của chị) lại theo bố đi đổ rác tái chế. Nàng rất háo hức và gọi đó là treasure hunt (đi săn báu vật) và quả đúng như vậy. Có nhiều đồ tốt như đồ gia dụng hay đồ chơi người ta không dùng đến thì cũng mang ra đây vứt. Mỗi hôm Jenna lại mang về vài thứ "quý báu" như chiếc túi lông chồn (lông thật), vỏ điện thoại xì tin, đồ chơi cho em bé..v..v.. Có hôm nhà mình đang đi chơi, bà hàng xóm gọi điện khoe bà ấy thấy chiếc xe nôi hiệu Maclaren còn rất mới, cả phao bơi cho em bé còn nguyên hộp và nhãn mác, có lấy không để bà mang về cho, mà mình không ngần ngại gì mà xin tất. Jenna còn có một đồ vật yêu thích, đó là chiếc giỏ sắt con nhặt ở déchet về rồi tự trang trí thành chiếc giỏ đựng trứng sôcôla cho ngày lễ Phục Sinh”.

đổ rác
Cô bé Jenna rất hào hứng với những chuyến "săn tìm kho báu" mỗi cuối tuần.

đổ rác
Chiếc giỏ sắt Jenna nhặt về từ khu tái chế và trang trí lại cho Lễ Phục Sinh.

Nhiều người sống ở châu Âu cũng chia sẻ quy trình phân loại và lấy rác ở nơi họ sống. Song Kiều – một người bạn của Tâm Phan tỏ ra ngạc nhiên khi phân loại rác ở chỗ chị sống lại đắt đỏ thế. Người này kể, ở Thụy Điển cũng có bán túi rác, nhưng nếu ai không muốn mua thì có thể đi lên công ty môi trường để để tự lấy túi phân loại rác miễn phí. Mỗi khu nhà đều có nhà để rác hoặc khu đổ rác (to nhỏ tùy diện tích của khu đó) với những thùng phân loại khác nhau: từ thức ăn, báo chí, thùng hộp giấy, nhựa, thủy tinh trắng, thủy tinh màu, kim loại, rác có thể đốt được, rồi thùng để pin, bóng đèn... Còn những rác to hơn kiểu đồ gia dụng, quần áo cũ thì có chỗ riêng để bỏ (những chỗ đấy thường sẽ được người thu gom tìm những thứ còn dùng được để đưa cho các hội từ thiện). Người này chia sẻ thêm, người dân Thụy Điển có tinh thần phân loại rác rất tốt, hầu như nhà nào cũng thực hiện một cách chăm chỉ và coi đó như một việc bình thường và đương nhiên. Thậm chí, khi người dân đưa chó ra công viên đi dạo, có cả túi nilon riêng để đựng chất thải của những chú chó, được phát sẵn miễn phí hoặc đặt trong những chiếc hộp xung quanh khu vực công viên có nhiều người dắt chó đi dạo.

Một người bạn khác của Tâm Phan, anh Trần Anh thì chia sẻ, ở khu nhà anh sống, hệ thống phân loại rác cũng rất ngăn nắp và chỉn chu. Mỗi hộ được phát một thẻ gắn chip để đổ những rác thải không thể tái chế như đồ ăn thừa, bỉm em bé. Mỗi lần sử dụng, thẻ sẽ phải quét qua cửa để thùng rác mở, và mỗi lần như vậy sẽ tốn phí từ 30  - 50 Cent. Mã số của từng căn hộ được lưu trên thẻ, và đó là cơ sở để cuối tháng hoặc cuối năm tính phí rác thải của từng hộ, chứ không tính đổ đồng đại trà, vì thế, hầu hết các hộ dân đều hạn chế tình trạng vứt đồ ăn quá nhiều.

đổ rác
Khu đổ rác được phân loại rất trật tự ngăn nắp theo tiêu chuẩn châu Âu.


Cũng là một người từng sống ở châu Âu, nhà báo Trương Anh Ngọc, trong series “Thư từ châu Âu” của mình cũng kể chuyện đổ rác rất thú vị. Có lần, anh đang ở Copenhagen, Đan Mạch, và khát nước. Sau khi mua một cốc sinh tố, anh được dặn là mình đã phải trả thêm một khoản phí nho nhỏ bên ngoài giá gốc, và để thu hồi phần phí này, anh phải ra một cái máy tự động ở ngay gần đấy, cho cái cốc vào trong máy theo hướng dẫn và sẽ được trả lại số tiền chênh lệch. “Cái máy ấy nằm ở một góc ở công viên Tivoli, không lớn và có một cánh cửa nhỏ tự động để người mua cốc đặt vào. Một biển báo nhỏ và dễ hiểu bằng mấy thứ tiếng được gắn ở đó, hướng dẫn người ta bỏ cốc vào và rồi sau đó lấy số xu chênh lệch. Giá gốc của cốc sinh tố vẫn không đổi, và số tiền ta lấy lại cũng không chạy đi đâu được, nhưng bằng cách đặt ra một cái giá xem ra cao hơn giá trị ban đầu của cái cốc rất thơm ngon và hấp dẫn ấy, người ta muốn tạo ra một thói quen cho người tiêu dùng, theo một cách rất thực dụng: để lấy lại số tiền xu ấy, bạn phải bỏ rác đúng nơi quy định” – anh viết. Một lần khác, đến Oslo, Nauy, anh lại bắt gặp hình ảnh bọn trẻ con vác cả một bao tải vỏ lon bia, chai lọ vào siêu thị, nơi có những cái máy thu gom chai lọ và trả lại tiền xu cho lũ trẻ. Số tiền ấy, chắc cũng chỉ nhỏ thôi, và đã do bố mẹ chúng trả “tiền cọc” từ trước rồi, nhưng đó như là một phần thưởng đáng yêu cho lũ trẻ khi đã làm một việc tốt và đáng làm: mang số chai lọ cũ đến nơi tiếp nhận.

Còn ở phía trước nhà anh ở Roma, việc tái chế cũng được thực hiện nghiêm túc, vì lúc nào cũng có 3 thùng rác ghi rõ thùng nào chứa những đồ không thể tái chế được, thùng nào để bỏ nilon và đồ nhựa, thùng còn lại là giấy và bìa carton. Ragusa, nơi anh đã đến trong một chuyến đi mùa hè, cũng tương tự như thế. Ở đó, người ta thu gom rác theo hình thức phân loại để tiêu hủy và tái chế. Mỗi hộ gia đình được phát một tờ rơi ghi rõ ngày nào thì người ta sẽ thu gom những loại rác nào và vào những giờ nào, nếu giờ đó không đem đến, họ sẽ phải đợi đợt sau…

Hoá ra chỉ câu chuyện đổ rác và xử lý rác, tưởng là nhỏ nhưng cũng cực kỳ phức tạp và thú vị, thể hiện cả tầm văn hoá và cách mà con người ta ứng xử với môi trường.