Trước đó, khoảng 14h ngày 18/10/2016, tại khu C, tầng 2 – nhà ga hành khách T1 Nội Bài đã xảy ra việc hai hành khách nam hành hung một nữ nhân viên sân bay. 

Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định hai hành khách nam là anh Đào Vịnh Thuấn (sinh năm 1979, Hà Nội) và anh Trần Dương Tùng (sinh năm 1984, Hà Nội) – là hành khách đi trên chuyến bay VN 7265 chặng Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh do bị chậm chuyến bay nên đã to tiếng chửi bới, lăng mạ nhân viên làm thủ tục tại quầy số 38. 

Trả lời trên một tờ báo, chị QA cho biết: nữ nhân viên hàng không thấy hai vị khách có những lời lẽ, thái độ không chuẩn mực với các nhân viên nên đã dùng điện thoại di động quay lại toàn bộ hình ảnh trên để làm tư liệu. Chị Quỳnh Anh cho biết, khi thấy chị đang đi phía sau để quay clip, anh Thuấn đã đi đến dùng tay túm vai áo, yêu cầu chị xóa toàn bộ clip, còn anh Tùng dùng túi cầm tay đánh nhiều lần vào đầu chị. 

Ngay lập tức một thanh niên ăn mặc thường phục lao đến tấn công lại Tùng, khiến anh này chảy máu và sưng mặt mũi… Sau sự việc trên, chị QA đã được nhân viên sân bay đưa đi bệnh viện Xanh Pôn để kiểm tra. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh cãi về việc nữ nhân viên hàng không này quay clip, hành khách đòi xóa clip chính là nguyên nhân gây nên xô xát, vậy việc quay clip hành khách để làm tư liệu có được chấp nhận hay không?

Trước vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) dưới góc độ pháp lý.

PV: Thưa luật sư, việc chị Quỳnh Anh quay clip khi chưa được sự đồng ý của anh Thuấn và anh Tùng có vi phạm pháp luật không? Anh Thuấn có được quyền buộc chị Quỳnh Anh phải xóa clip đó hay không?

Luật sư Trương Quốc Hòe: 
 
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một quyền hiến định cho bất kỳ công dân Việt Nam nào trong đó bao gồm cả quyền được quay phim, chụp hình trừ trường hợp pháp luật cấm hoặc hạn chế.

Hơn thế nữa, theo Điều 2 Quyết định 160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm thì các khu vực cấm, xét trong trường hợp này, việc chị QA dùng điện thoại di động quay lại quá trình anh Tùng và anh Thuấn là việc thực hiện quyền mà pháp luật cho phép công dân được tự do thực hiện. 

Bên cạnh đó, những hình ảnh mà chị Quỳnh Anh quay lại là những hình ảnh không mang tính chất bí mật cá nhân hay bí mật nhà nước, cũng không phải xâm phạm danh dự nhân phẩm uy tín người khác mà chỉ là quay lại một sự kiện có thật đang diễn ra. Ngoài ra, địa điểm quay phim ở đây cũng không thuộc vào khu vực cấm, địa điểm cấm chụp ảnh, quay phim mà là sân bay – một địa điểm công cộng và có cả camera được ghi lại. 

Mặt khác, chị QA quay clip một cách công khai, tại địa điểm công cộng mà mọi người đều biết, đều có thể chụp ảnh, quay phim. Như vậy, việc chị quay lại clip là hoàn toàn hợp pháp mà không cần phải xin phép hai hành khách Thuấn và Tùng.

Nữ nhân viên hàng không có được quay clip? Người xông vào
Luật sư Trương Quốc Hòe.

Về việc anh Thuấn yêu cầu nữ nhân viên xóa clip trên: Anh Thuấn có quyền yêu cầu chị xóa clip trên. Tuy nhiên, anh Thuấn không được phép ép buộc, đe dọa chị A xóa clip mà việc xóa hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chị. Bởi lẽ, clip trên do chị A quay lại, quay bằng điện thoại cá nhân của chị, chị cũng chưa sử dụng clip vào mục đích thương mại, không xâm phạm tới quyền về hình ảnh của cá nhân. 

Do đó, theo quy định pháp luật, chị QA được toàn quyền quản lý, sử dụng clip trên vào các mục đích mà pháp luật không cấm. Trường hợp chị này sử dụng clip quay được để bảo vệ bản thân mình, cung cấp cho các cơ quan chức năng theo yêu cầu để xác định hành vi vi phạm của hai hành khách với nhân viên tại quầy… thì đây là việc sử dụng hợp pháp.

PV: Thưa Luật sư, hành vi hành hung chị QA của hai hành khách sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo thông tin đã được đăng tải thì hai hành khách đã có các hành vi sau: Hành vi lăng mạ, chửi bới nhân viên làm thủ tục tại quầy số 38 và hành vi gây tổn hại tới sức khỏe đối với chị QA (chị QA sau đó do bị choáng váng nên đã phải vào bệnh viện Xanh Pôn để kiểm tra sức khỏe).

Đây là các hành vi trái quy định pháp luật và các hành vi này một phần nào đó làm ảnh hưởng tới hoạt động của Đội Dịch vụ hành khách, Trung tâm kiểm soát khai thác Nội Bài thuộc Tổng công ty hàng không Việt Nam (nơi chị QA đang làm việc). 

Vì vậy, với các hành vi trên, anh Thuấn và anh Tùng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính an ninh trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, tùy theo mức độ vi phạm, tỷ lệ thương tật mà anh Thuấn và anh Tùng đã gây ra cho chị QA, anh Tùng và anh Thuấn cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật hình sự), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 Bộ luật hình sự).

đánh nhau

Dù bị xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi của hai hành khách đ phạm pháp luật (thậm chí theo clip đã được ghi lại thì hành vi này còn có tính chất côn đồ), gây hoang mang cho cán bộ, nhân viên hàng không, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

PV: Thưa luật sư, theo clip ghi lại thì có một người đàn ông áo đen đã lao vào đánh một trong hai hành khách để “giải cứu” cho chị QA khi vụ xô xát xảy ra, luật sư có đánh giá như thế nào về hành vi của hành khách áo đen này? 

Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo quy định tại Hiến pháp và Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể. Mặt khác, mọi công dân khi phát hiện, chứng kiến đều có quyền ngăn chặn người đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe thân thể của người khác. Tuy nhiên, việc ngăn chặn này phải ở trong một mức độ phù hợp, tương xứng với hành vi đang được thực hiện và không xâm phạm tới các quan hệ được pháp luật bảo vệ. 

Xem xét đối với sự việc này, nữ nhân viên hàng không khi đó đang bị hành hung, chưa có ai can thiệp. Do đó, hành động lao vào giải cứu của người đàn ông áo đen là hành động hoàn toàn hợp tình. Xét về lý, hành vi của người đàn ông có thể coi là hành vi phòng vệ chính đáng .

Ở đây, đánh giá một cách khách quan qua hình ảnh trong clip thì hành vi của người đàn ông áo đen chống trả lại anh Tùng khá mạnh (chạy đến đạp và đấm khiến kẻ đang tấn công ngã xuống sàn). Tuy nhiên, đây là hành vi phòng vệ chính đáng bởi:

+ Thứ nhất, tại thời điểm người đàn ông áo đen có hành vi chống trả để bảo vệ nữ nhân viên hàng không thì nhân viên an ninh sân bay chưa tới để can thiệp, có một người đàn ông đang ngăn cản nhưng không thể ngăn được hai hành khách tiếp tục hành hung nữ nhân viên;

+ Thứ hai, người đàn ông áo đen đang chống trả lại hai hành khách có hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của nữ nhân viên hàng không;

+ Thứ ba, việc chống trả là cần thiết và trong phạm vi cho phép bởi hai hành khách một người đang giữ không cho nữ nhân viên chống cự (làm giảm khả năng tự bảo vệ mình của nữ nhân viên), một người đang dùng ví (chưa rõ trong đó đựng những vật gì) đánh mạnh vào vùng đầu là vùng có khả năng gây chấn thương nguy hiểm cho tính mạng của nữ nhân viên. Vì hành khách đang hành hung vừa kéo vừa đánh nữ nhân viên nên việc xô ngã hành khách này để giải thoát cho nữ nhân viên là hoàn toàn trong phạm vi cho phép.

Như vậy, có thể khẳng định không có căn cứ để xử lý hành chính hoặc hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đối với người áo đen đã giúp đỡ nữ nhân viên hàng không. 

Xin cảm ơn luật sư!

Ngày 21/10, sau 3 ngày kể từ khi sự việc xảy ra, chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Dương Tùng, cho biết, sáng 21.10 anh mua ít quà bánh đến nhà nữ nhân viên hàng không để hỏi thăm. Tuy nhiên, anh gọi điện mãi không thấy chị Q.A. nhấc máy và cũng không tìm được nhà nên đành đi về.

Liên quan đến sự việc trên, chiều 20/10, Căn cứ khoản 1 Điều 18 Nghị định 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã ký quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với ông Trần Dương Tùng, cấm vận chuyển hàng không 6 tháng đối với ông Đào Vịnh Thuấn.